Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Công nghệ ADN giúp tái hiện bộ dạng họ hàng của con người từ thời tiền sử

Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã tái tạo lại khuôn mặt của những người Denisovan sống bên cạnh con người khoảng 100.000 năm trước, trước khi họ bị tuyệt chủng một cách đột ngột.

 Ảnh phục dựng người cổ Denisovan sống xen kẻ con người từ hàng trăm nghìn năm trước.

Công trình tái tạo này là cái nhìn đầu tiên về những người họ hàng của chúng ta trông như thế nào. Điều đáng nói là mọi thứ chúng ta có về họ đều đến từ một cái xương ngón út, ba chiếc răng và một hàm dưới, được tìm thấy trong 2 hang động tại Châu Á.

Các nhà nghiên cứu ở Israel đã phát triển một phương pháp mới để tái tạo hóa thạch dựa trên ADN cổ đại và dùng chúng để tái tạo hình ảnh của những người họ hàng đã biến mất của con người.

Họ đã trích xuất ADN từ ngón tay út của một người phụ nữ, sống từ 74 đến 82 nghìn năm trước.

“Chúng tôi đã lần đầu tiên tái tạo lại được của giải phẫu bộ xương của người Viking”, tác giả Liran Carmel thuộc Đại học Do Thái Jerusalem cho biết. “Về nhiều mặt, người Denisovan giống với người Neanderthal, nhưng trong một số đặc điểm, họ lại giống chúng ta”.

Về mặt họ hàng, người Denisovan gần với người Neanderthal hơn là con người. Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng họ sẽ có ngoại hình giống với người Neanderthal.

“Công trình tái tạo dựa trên ADN từ xương ngón tay của một phụ nữ vị thành niên sống cách đây khoảng 82.000 đến 74.000 năm trước đã cho thấy người Denissovan thực sự giống với người Neanderthal, nhưng họ cũng có một số đặc điểm giống con người”.

Ở một số khía cạnh, họ khác biệt hoàn toàn với những loài người cổ khác. Ví dụ, họ có một hàm răng lớn và hộp sọ rất rộng.

“Chúng tôi đặc biệt vui mừng khi tìm thấy các đặc điểm giải phẫu đó, những điều mà người Denisovan khác biệt với người hiện đại khác và người Neanderthal”, Carmel trả lời trang MailOnline.

 Người Denisovan có những đặc điểm gần với người Neanderthal trong ảnh hơn là con người.

Tổng cộng, các nhà khoa học đã xác định được 56 đặc điểm giải phẫu mà người Denisovan khác với người hiện đại hoặc người Neanderthal, 34 trong số đó nằm ở hộp sọ.

Để làm như vậy, họ đã sử dụng các sửa đổi hóa học nhằm ảnh hưởng đến hoạt động của gen mà không thay đổi trình tự di truyền cơ bản của A, G, T và C, vốn được gọi là phương pháp methyl hóa ADN.

“Bằng cách này, chúng tôi có thể dự đoán được phần nào của bộ xương bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt của từng gen và hướng mà phần xương đó sẽ thay đổi”, Carmel cho biết.

“Nghiên cứu giải phẫu học của người Denisovan có thể cho chúng ta biết về sự thích nghi của con người, những hạn chế tiến hóa, sự phát triển, tương tác môi trường gen và động lực học bệnh. Ở cấp độ tổng quát hơn, công việc này là một bước để có thể suy ra giải phẫu học của từng cá nhân dựa trên ADN”.

Cả người Denisovan và người Neanderthal được cho là đã giao phối với con người, một số người trong chúng ta vẫn mang gen của họ.

“ADN của người Denisovan tồn tại cho đến ngày nay ở người dân Thái Bình Dương, Úc và Đông Á. Chúng ta đã biết rằng các phần ADN của người Denisovan đã giúp người Tây Tạng thích nghi với độ cao và có thể cả người Inuit thích nghi với cuộc sống ở Bắc Cực. Chắc chắn còn rất nhiều điều nữa sắp được khám phá ở người Denisovan”, Carmel nói.