Nghệ An mở rộng đối tượng tham gia BHXH
- 07:41 21-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hướng tới BHXH toàn dân
Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH được ban hành đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, hạn chế; đồng thời thổi luồng gió mới cho việc thực hiện chính sách BHXH theo hướng linh hoạt, đa dạng. BHXH tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương điển hình trong việc đưa Nghị quyết 28-NQ/TW vào cuộc sống. Trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã bám sát Chương trình hành động số 107 của BHXH Việt Nam và quán triệt đến từng đơn vị trực thuộc cũng như từng cán bộ, viên chức, người lao động (NLĐ).
Từ đó, BHXH tỉnh tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ.
Tư vấn BHXH tự nguyện cho người dân tại xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn (Nghệ An). |
BHXH tỉnh Nghệ An cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp tới người dân theo xóm, thôn, bản. Thời gian tổ chức hội nghị được bố trí chủ yếu vào ngày nghỉ và ban đêm. Trước thời gian diễn ra hội nghị, người dân tại các xóm được thông tin qua giấy mời, qua hệ thống loa truyền thanh nên số người dân tham gia hội nghị luôn đông đủ. Tại các hội nghị, BHXH các huyện đã bố trí thời gian hợp lý để trao quyết định hưởng chế độ hưu trí cho những người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn đã đủ điều kiện, hoặc trao sổ BHXH cho những người tham gia mới. Đồng thời, các Tổ tư vấn tuyên truyền được thành lập tại các huyện đã hoạt động tích cực, trực tiếp tuyên truyền, giải thích, tư vấn cho người dân có nhu cầu hưởng BHXH 1 lần tiếp tục tham gia BHXH để đảm bảo các chế độ lúc về già.
Việc tuyên truyền trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ ngành BHXH được đặc biệt coi trọng với phương châm “mỗi cán bộ, viên chức ngành BHXH phải là một tuyên truyền viên đưa chính sách BHXH, BHYT đến với đông đảo tầng lớp nhân dân”. Theo đó, BHXH tỉnh đã thành lập các Tổ đôn đốc và thu hồi nợ tại 1.200 đơn vị sử dụng lao động tại thành phố Vinh; trực tiếp làm việc với chủ sử dụng lao động, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn đơn vị thực hiện đúng nghĩa vụ đối với người lao động; tổ chức đối thoại với công nhân.
Nhờ đó, năm 2018, tỉnh Nghệ An có 252.138 người tham gia BHXH, đến hết tháng 7/2019 là 267.053 người tham gia BHXH, tăng 14.915 người so với năm 2018. Trong đó, BHXH bắt buộc đến hết tháng 7/2019 có 224.618 người tham gia, tăng 4.192 người (tăng 1,9%) so với cuối năm 2018. BHXH tự nguyện đến hết tháng 7/2019 đạt 42.435 người tham gia, tăng 11.242 người (36,03%) so với cuối năm 2018, chiếm 2,64% lực lượng lao động.
Chính sách đã đi vào cuộc sống
Ông Phan Chí Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa bao bì Vinh (Nghệ An) cho biết: Đơn vị luôn coi thực hiện đầy đủ chính sách BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo chăm lo đời sống cho người lao động, đảm bảo chế độ an sinh xã hội. Tổng số lao động được Công ty đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 1.020 người với số tiền đóng hàng năm trên 13 tỷ đồng. Khi bât cứ có vướng mắc gì, BHXH Nghệ An trực tiếp cử lãnh đạo và cán bộ trực tiếp xuống hỗ trợ. Các chế độ ốm đau, thai sản… của người lao động được trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.
Trong khi đó, tại huyện Yên Thành, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, việc phát triển BHXH tự nguyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện có hơn 7.600 người tham gia BHXH tự nguyện. “Trong đó chủ lực là sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể là những Chi hội trưởng Chi hội Nông dân và Chi hội Phụ nữ… tại các xóm. Đây là lực lượng đi từng ngõ, gõ từng nhà, đưa được chính sách BHXH đến từng người dân. Đồng thời, cán bộ BHXH trực tiếp đưa thông tin đến cho dân hiểu, dân nghe, dân tin, cùng chia sẻ và tháo gỡ khó khăn với họ”, bà Hoàng Thị Chín- Giám đốc BHXH huyện Yên Thành chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hưng, Phó Giám đốc BHXH huyện Nam Đàn, để đưa chính sách đến với người dân, cơ quan BHXH đã chỉ đạo các đại lý thu phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện ở cộng đồng dân cư. Nội dung tuyên truyền được trình bày thiết thực, dễ hiểu để cho người dân có thể nắm bắt thông tin về chính sách BHXH, BHYT. Mặt khác, cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh thực hiện tốt các chế độ, chính sách, để tạo niềm tin trong nhân dân.
Bà Võ Thị Châu, 63 tuổi, xóm 4 xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn cho biết: Tôi tham gia Bảo hiểm nông dân và đã đóng được 17 năm. Nghe theo lời tư vấn của cán bộ BHXH, tôi tham gia 3 năm cuối ở mức 3,3 triệu đồng và đóng 1 lần tổng là 38 triệu đồng cho 3 năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Giờ tôi đã có lương hưu được 3 năm nay và quan trọng nhất là có BHYT nên đỡ lo khám chữa bệnh tuổi già.
Tỷ lệ bao phủ BHXH của tỉnh Nghệ An mới đạt 16,59% lực lượng lao động, trong khi mục tiêu Nghị quyết 28 phấn đấu đến năm 2021 có khoảng 35% số người trong độ tuổi lao động tại địa phương tham gia BHXH. “Đây là một trong những thách thức lớn mang tính dài hạn của Nghệ An. Trong khi đó, hiện tỷ lệ người già có lương hưu trên địa bàn tỉnh mới chiếm khoảng 20%. “Do đó để mở rộng mạng lưới an sinh xã hội trên địa bàn, trọng tâm trong thời gian tới của BHXH tỉnh Nghệ An sẽ đẩy mạnh phát triển đối tượng BHXH tự nguyện”, ông Lê Trường Giang, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An cho biết.