Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


7 món ngon trên hành trình ngắm lúa chín

Cá suối nướng, thịt lợn rừng hay cá hồi là các đặc sản nổi tiếng ở vùng cao Tây Bắc.

Pa Pỉnh Tộp

Cá nướng hay Pa Pỉnh Tộp là món ăn đặc sắc của người Thái ở Tây Bắc. Cá suối chỉ ăn rong rêu, lá cây và động vật giáp xác nên khi mổ ra sạch, không bị tanh. Sau khi mổ lưng, người ta ướp các loại nguyên liệu như gừng, tỏi, mắc khén, rau thơm... rồi gập con cá lại trong vỉ cho lên bếp nướng. Những con cá tươi rói sau khi nướng trên than hồng ăn mềm, ngọt thịt mà không bị bở hay khô. Giá món này dao động khoảng 100.000 đồng một kg. Bạn có thể tìm ăn tại các phiên chợ vùng cao. Ảnh: Ngọc Thành.

Nhộng ong rừng

Mùa ong làm tổ từ tháng 4 đến tháng 8, nhưng đến Mù Cang Chải (Yên Bái) vào tháng 9, 10 bạn vẫn có thể tìm thấy món ăn này tại một số nhà hàng. Giá nhộng ong dao động từ vài trăm đến cả triệu đồng một kg. Nó gần giống nhộng tằm nhưng nhỏ hơn, được chế biến thành nhiều món khác nhau, phổ biến nhất là nhộng ong xào. Món có vị béo nhưng không phải ai cũng dám ăn. Ảnh: Ngọc Thành.

Cá hồi

Cá hồi được xem là một trong những đặc sản phải thử khi dừng chân tại Sa Pa. Nhờ có khí hậu mát lạnh quanh năm mà loài cá này được nuôi nhiều tại đây. Thịt cá hồi chắc, thớ săn, có màu đỏ tươi rói, nhiều dinh dưỡng và giá thành cao.

Món phổ biến là lẩu hay gỏi cá, thường được phục vụ tại các nhà hàng trong thị trấn. Giá cả dao động tuỳ theo cách chế biến. Một nồi lẩu cá hồi hai người trung bình 300.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.

Thắng cố

Không chỉ nổi tiếng ở Bắc Hà (Lào Cai), thắng cố còn là món đặc sản du khách có thể tìm thử ở nhiều nơi trong Tây Bắc. Trong cái se lạnh của núi rừng vào buổi sớm hay xế chiều, nồi thắng cố nghi ngút khói trở nên hấp dẫn hơn. Món ăn được làm từ thịt trâu, ngựa và một số loại nội tạng cùng các gia vị đặc trưng. Mỗi suất ăn có giá khoảng 30.000 đồng. Ảnh: Hương Chi.

Lạp xưởng gác bếp

Yên Bái, Lào Cai hay Cao Bằng đều có món này. Nguyên liệu làm lạp xưởng là lòng non, nhồi thịt nạc vai đã xay nhuyễn. Gia vị còn có hạt mắc khén nên thơm. Nhờ treo nơi gác bếp mà lạp xưởng chín dần, để quanh năm vẫn có thể dùng được. Lạp xưởng đem nướng trên than hồng hoặc đảo sơ trên chảo là có thể dùng được ngay. Ảnh: Mr True.

Lợn cặp nách

Món ăn được làm từ những con lợn chỉ chừng chục kg, được người dân miền núi nuôi theo kiểu thả rông. Thịt lợn nướng phổ biến nhất trong các quán ở vùng cao. Nhờ được ướp cùng với mắc mật, mắc khén mà thịt sau nướng dậy mùi thơm, có vị ngọt đậm đà. Vòng quanh các phiên chợ vùng cao, du khách sẽ bắt gặp người đồng bào gùi trên lưng những tảng thịt để mua bán, trao đổi. Mỗi kg thịt được bán ra có giá trung bình 150.000 đồng. Ảnh: Mr True.

Xôi ngũ sắc

Đây là món ăn phổ biến trong dịp lễ Tết. Tuy nhiên, trên hành trình ngắm lúa chín tại Tú Lệ hay Mù Cang Chải (Yên Bái), bạn đừng quên tìm ăn món này tại các khu chợ hoặc ven đường. Xôi không chỉ có màu sắc bắt mắt được tạo nên từ các nguyên liệu tự nhiên mà còn thơm ngon từ hạt nếp nương. Ảnh: Minh Đức.