Huyện Nghi Lộc, Nghệ An: Ban bồi thường giải phóng mặt bằng có “bịp” dân?
- 20:20 01-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Buổi đối thoại với các hộ dân do UBND huyện tổ chức tại xã Nghi Thịnh, nói là đối thoại nhưng lãnh đạo huyện chỉ nghe dân nói mà không trả lời. |
Sau khi nghiên cứu Luật Đất đai năm 2013 cũng như các văn bản dưới luật, thấy rằng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nghi Lộc thực hiện việc đền bù đất cho các hộ dân có ảnh hưởng đến dự án mở rộng Quốc lộ 48E có dấu hiệu mờ ám, thiếu công bằng và trái pháp luật, hàng trăm hộ dân các xã Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Khánh, Nghi Trung sinh sống hai bên tuyến đường này phản ứng gay gắt, viết đơn gửi UBND tỉnh, Thanh tra các cấp và huyện Nghi Lộc đề nghị làm rõ, trả lời dân về những bức xúc trên.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là trong khi các hộ dân đang chờ UBND tỉnh, thanh tra các cấp phúc đá nhưng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn huy động các lực lượng, máy móc đến múc đất, phá tường rào, cây cối, tài sản trên đất, phớt lờ ý kiến, trình bày của dân. Khi người dân đưa điện thoại ra ghi hình ảnh những động thái ngang trái trên để có chứng cứ phản ánh lên các cấp liên quan thì bị lực lượng Công an cấm, ngăn cản và xóa dữ liệu, thậm chí các lực lượng chức năng của huyện đòi bắt giữ, còng tay người người dân, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Được biết, Quốc lộ 48E (Nghi Lộc đi chợ Sơn) hiện đang được nâng cấp, mở rộng trước đây là tuyến đường liên hương đi qua các xã Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Trung và Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc), sau đó nâng cấp thành Tỉnh lộ 534, đường rộng 4-5m, dân cư thưa thớt. Hầu hết các hộ dân làm nhà sinh sống rải rác hai bên trục đường là đất hương hỏa của ông cha để lại từ nhiều đời nay và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tranh chấp, trong đó có nhiều hộ sinh sống từ trước năm 1930. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, năm 1993, huyện Nghi Lộc cắm mốc chỉ giới tỉnh lộ 534, sau đó tiến hành giải tỏa hành lang ATGT năm 2012. Tuy nhiên quá trình giải tỏa có hộ chấp hành tốt, nhưng có nhiều hộ chưa chấp hành và xây tường, hàng rào từ đó đến nay.
Để phát triển mạng lưới giao thông, phục vụ phát triển KT-XH, Thủ tướng chính phủ chấp nhận chủ trương mở rộng nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh lộ 534 thành Quốc lộ 48E và được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2559, ngày 04/7/2011 với tổng có chiều dài 5,529km, điểm đầu từ Km450+500 đoạn Quốc lộ 1A (thuộc thị trấn Quán Hành) và điểm cuối nối Quốc lộ 46 tại chợ Sơn (nối Quốc lộ 46 Vinh- Cửa Lò). Dự án do UBND huyện Nghi Lộc làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 232,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của các hộ dân sinh sống hai bên trục đường, thậm chí còn ký đơn tập thể “tố” Ban đền bù giải phóng mặt bằng lên UBND tỉnh, thanh tra các cấp và TAND tỉnh, lý do là việc đền bù không công bằng, không minh bạch, chưa đúng với một số điều, khoảng theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Riêng xã Nghi Thịnh hiện nay có hàng chục hộ dân ảnh hưởng dự án mở rộng Quốc lộ 48E vẫn chưa bàn giao mặt bằng, vì Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thông báo thu hồi đất vườn của họ sinh sống từ hàng chục năm nay nhưng không hỗ trợ, không bồi thường, đền bù. Phúc đáp đơn thư khiếu nại của dân, tại văn bản số 2287, ngày 04/12/2018 của UBND huyện Nghi Lộc (do ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc ký) cho rằng, theo kết quả đo đạc bản đồ địa chính thực hiện theo dự án Semla năm 2009 được Sở TN&MT Nghệ An phê duyệt, các thửa đất của các hộ dân có đơn kiến nại đều đã được đo theo hiện trạng sử dụng. UBND huyện Nghi Lộc khẳng định, phần diện tích đất ngoài khuôn viên đất của các hộ dân, bản đồ địa chính đo đạc xác định là đất hành lang giao thông Quốc lộ 48E chưa đủ điều kiện để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013.
Văn bản trả trả lời của vị Nguyễn Tiến Dũng khiến các hộ dân bức xúc hơn, và đồng loạt ký vào đơn gửi UBND tỉnh, bởi ông Dũng chưa nghiên cứu hết Luật Đất đai. Cụ thể, nếu UBND huyện Nghi Lộc “vin” vào Điều 75 Luật Đất đai 2013 thì phải căn cứ theo khoản 1 Điều 75, khoản 2 Điều 77 quy định về điều kiện được bồi thường về đất đai khi bị Nhà nước thu hồi. Còn những trường hợp không được Nhà nước bồi thường đất bị thu hồi và tài sản trên đất thì phải căn cứ theo Điều 82 Luật Đất đai 2013. Và nếu “chiếu” vào các điều, khoản trên thì đại đa số hộ dân ảnh hưởng dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 48E thuộc diện được đền bù trước khi giải phóng mặt bằng.
Trong trường hợp này kể cả những trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn được bồi thường theo hiện trạng sử dụng. Có nghĩa hiện trạng sử dụng phần diện tích nằm trong lộ giới như thế nào thì được bồi thường như vậy. Luật Đất đai cũng quy định rõ, nếu lộ giới đường được công bố trước khi hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phần đất vi phạm lộ giới sẽ không được công nhận, hoặc được công nhận nhưng chỉ được công nhận là đất nông nghiệp và vẫn được bồi thường nhưng bồi thường với giá đất nông nghiệp. Và trong Luật Đất đai 2013 cũng không đề cập đến áp dụng dự án Semla để thu hồi đất của dân.
Cũng xin được phân tích thêm, để UBND huyện Nghi Lộc đưa ra hoạch định chính xác đó là việc cắm mốc chỉ giới trên tuyến đường này được tiến hành sau khi nâng cấp đường liên xã thành tỉnh lộ. Trong khi hầu hết các hộ dân sinh sống sát tuyến đường này từ thời hương hỏa do ông cha để lại, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi cắm mốc. Bởi vậy, nếu chiếu theo Luật Đất đai năm 2013 thì không thể nói là nhà hộ dân vi phạm lộ giới mà phải nói là nhà dân nằm trong lộ giới đường thuộc diện phải giải tỏa và các hộ dân sẽ được bồi thường theo mục đích mà nhà dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Còn theo UBND huyện trả lời dân thì việc giải phóng mặt bằng được áp dụng từ kết quả dự án Semla là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi lẽ, trước đây hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh được đo thủ công làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không riêng ở huyện Nghi Lộc, mà người đứng ra tiến hành các bước thủ tục đo đất cũng là chính quyền địa phương, chúng ta không được phủ nhận mà phải biết tôn trọng lịch sử để lại. Nay UBND huyện áp dụng dự án Semla tiến hành khảo sát dẫn đến mỗi hộ dân “dư thừa” hàng chục, thậm chí cả trăm m2 đất là điều tất nhiên. Ban bồi thường giải phóng mặt bằng cho đó là phần diện tích đất ngoài khuôn viên, không đền bù cho dân là trái quy định, khiến dân bức xúc, chưa bàn giao mặt bằng cho dự án là xuất phát từ nguyên nhân nghịch lý trên.
Còn nếu UBND huyện cố tình cho rằng, các hộ dân đòi hỏi nhưng chưa đủ điều kiện để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân là trái Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật. Vậy đến khi nào UBND huyện “đủ điều kiện” đền bù cho người dân? Đồng thời việc lặp đi lặp lại điệp khúc “UBND huyện đã tổng hợp báo cáo bằng văn bản cho UBND tỉnh, Sở TN&MT đang trong thời gian phúc đáp… trong khi chính quyền chưa trả lời, tỉnh chưa phúc đáp dân thì ngày 20- 21/12/2018, UBND huyện Nghi Lộc đã tổ chức lực lượng để giải tỏa hành lang, tiến hành chặt, di dời cây, tháo dỡ công trình, khiến nhiều hộ dân bức xúc, kịch liệt lên án. Động thái thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu tôn trọng dân đã xảy ra như trên, chính quyền huyện biết là sai nhưng sao không xin lỗi dân?
“Chúng tôi nhận thấy Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nghi Lộc chỉ dựa vào bản đồ Semla mà không quan tâm đến bản đồ tại thời điểm giao đất và sơ đồ 299 để áp dụng việc đền bù cho dân là chưa đúng quy định, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ dân chúng tôi. Hầu hết các hộ dân chúng tôi sinh sống, sử dụng đất từ trước thời điểm tuyến đường này được nâng cấp từ đường liên hương thành Tỉnh lộ 534 (nay là Quốc lộ 48E), nghĩa là các hộ dân đều sinh sống ổn định từ trước ngày 15/10/1993, vậy tại sao không được đền bù”, một người dân xóm 2, xã Nghi Thịnh bức xúc.
Gia đình anh Võ Thanh Hải và chú ruột là Võ Văn Năm (tàn tật bẩm sinh), trú tại xóm 3, xã Nghi Thịnh, ở chung trên lô đất do tổ tiên để lại từ năm 1930 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tổng diện tích 682m², trong đó hộ gia đình anh Hải là 200m², anh Năm 466m2 (gồm đất ở và đất vườn). Tuy nhiên khi Ban bồi thường dùng Semla khảo sát lại thì tổng diện tích đất chỉ còn 523m², thiếu 143m². Khi anh Hải làm đơn khiếu nại thì Chủ tịch UBND huyện thông báo là đất không được bồi thường, lý do là đất ngoài khuôn viên.
Nhưng bức xúc hơn là gia đình thầy giáo Võ Kỳ Anh (đối diện nhà anh Hải). Thầy Anh không những bị Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng dùng dự án Semla lấy hơn 10m2 đất vườn mà còn bị “chém” mất 22m2 đất trong bìa đỏ cũng không được đền bồi thường. Tại buổi đối thoại với dân của UBND huyện Nghi Lộc tổ chức tại UBND xã Nghi Thịnh, thầy Võ Kỳ Anh thẳng thừng tuyên bố: “Ban đền bù giải phóng mặt bằng quá to gan lớn mật, lấy đất trong sổ đỏ của gia đình tôi nhưng không đền bù… trái Luật Đất đai năm 2013, tôi tiếp tục kiện đến cùng”.
Thầy giáo Võ Kỳ Anh bức xúc phát biểu tại buổi đối thoại. |
Như vậy, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nghi Lộc “vin” vào dự án Semla và Điều 75 trả lời dân không được đền bù là không có cơ sở, không thuyết phục nếu không nói là “bịp” dân.
(Còn nữa)