Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cienco4 lên tiếng phủ nhận không phải công ty mẹ của Công ty CP 471

Thông báo trên website, Công ty CP 471 đăng tải thông tin, đơn vị thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 (Cienco4). Tuy nhiên, đại diện Cienco4 lại khẳng định không phải như vậy.

Trước đó, Tuổi trẻ và Pháp luật đã đăng tải loạt bài viết liên quan đến Công ty CP 471, nhà thầu thi công dự án đường 250 tỷ đồng vừa mới làm xong đã hư hỏng ở Gia Lai.

Theo giới thiệu trên website của công ty địa chỉ http://congty471.com.vn có giới thiệu, Công ty CP 471 (thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 - Cienco4). Tuy nhiên, sau khi đăng tải, Cienco4 đã có phản hồi khẳng định đơn vị không phải là công ty mẹ của Công ty CP 471.

"Công ty CP 471 không phải công ty con của tập đoàn Cienco4 và Cienco4 không phải là công ty mẹ của Công ty CP 471", đại diện Cienco4 cho biết.

 Theo giới thiệu trên website của công ty địa chỉ http://congty471.com.vn có giới thiệu, Công ty CP 471 (thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 - Cienco4).

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, Công ty CP 471, có địa chỉ tại số 9, Trần Nhật Duật, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, với số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng và 356 nhân viên (tính đến thời điểm ngày 31/12/2018). Ông Mai Anh Đồng - Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Từ nhiều năm nay, Công ty CP 471 là cái tên khá quen thuộc trong ngành giao thông nói chung và Ban Quản lý dự án 6 nói riêng, bởi từng trúng rất nhiều gói thầu. Chỉ tính trong vòng 3 năm trở lại đây, Công ty CP 471 được công khai trúng 11 gói thầu, trong đó có 10 gói thầu đấu thầu rộng rãi và 1 gói thầu chỉ định thầu.

Đáng nói, mặc dù có số vốn điều lệ ít ỏi nhưng công ty này lại trúng thầu những dự án tới hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử Gói thầu số 3.32 Xây dựng đường chính khu vực từ đường trục chính Bắc Nam đến đường Bắc Nam 02 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm có giá trúng thầu là 452,719 tỷ đồng. Gói thầu Xây dựng đường từ Km192+000 - Km196+900 thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có giá trúng thầu là 278,634 tỷ đồng...

Với việc thi công cùng lúc nhiều gói thầu như vậy, nghi vấn đặt ra về việc nhà thầu thi công có đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình hay không là hoàn toàn có cơ sở. Và thực tế, một số công trình trọng điểm có giá trị lớn do Công ty CP 471 thi công đã từng xảy ra nhiều điểm sụt trượt với khối lượng lớn như Gói thầu số 4 thuộc Dự án Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; chậm tiến độ tại Gói thầu Hộ lan và hàng rào thép đường cao tốc; nứt mặt bê tông nhựa tại Quốc lộ 1A - Bình Định, Quốc lộ 1A - Hà Tĩnh, Kỳ Anh...

 Dự án đường 250 tỷ đồng nhưng vừa làm xong đã nứt toác. Ảnh: Hải Phạm.

Đặc biệt, tại gói thầu số 10 thi công xây dựng công trình đoạn từ Km7+000 - Km10+821,29 thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư. Dự án này đang gây tai tiếng vì vừa thi công xong thì đã xuất hiện lún, nứt nghiêm trọng.

Theo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 10 cho thấy, giá trúng thầu của Công ty CP 471 là 71,163 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 67,743 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 3,42 tỷ đồng. So với giá gói thầu, giá trúng thầu giảm 656 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm dưới 1%.

Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, đoạn đường tránh qua địa bàn thị trấn Chư Sê tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Pal, Chư Sê) thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh do Công ty CP 471 là nhà thầu thi công dài khoảng 150m đã bị lún, nứt nghiêm trọng. Nhiều nơi nứt toác rộng tới 60cm, sâu hơn 1m. Hai taluy đường nhiều tấm kè bê tông cũng bị sụt lún làm biến dạng.

Hiện trạng ban đầu đoạn hư hỏng dài khoảng 150m bắt đầu từ lý trình Km10+200 các vết nứt rộng khoảng 20cm đang có chiều hướng nứt rộng ra, đặc biệt nghiêm trọng là đoạn Km10+260 đến Km10+300, cao độ mặt đường bị lún theo phương thẳng đứng khoảng 60-80cm đẩy trồi sang hai bên hông đường phạm vi phía mái chân taluy. Ngoài khoảng 150m bị hư hỏng nặng nói trên qua quan sát thực tế cho thấy chất lượng mặt đường rất kém, có nhiều biểu hiện sụt lún tiếp theo.

 Nhiều dấu hỏi về chất lượng dự án đường 250 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Nhóm phóng viên ngày 10/9, so với những ngày trước đây, mặt đường bị lún sâu hơn, có nơi lún sâu gần nửa mét theo phương thẳng đứng; các vị trí mặt đường đứt gãy tiếp tục mở rộng; mái taluy cũng bị sụt rộng thêm.

Việc dự án đường với số vốn đầu tư lớn nhưng vừa làm xong đã hư hỏng, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Thắng, chuyên gia về kỹ thuật cầu đường nhận định: "Nhìn vào các khe nứt và lún mắt thường có thể thấy đất đắp nền đường rất kém như đất tận dụng lẫn đất bóc phong hóa đắp vào, bất kỳ một ai đi qua đoạn sụt lún này đều nhận định đơn vị thi công làm ẩu hoặc làm tắt quy trình thi công nên đã dẫn đến hậu quả chất lượng công trình chưa kịp bàn giao đã bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nhiều rủi ro và mất an toàn giao thông".

Chiều 11/9, Bộ GTVT tiếp tục thông tin về việc hư hỏng sạt, lún nền mặt đường đoạn Km10+200 - Km10+330 thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai do Ban Quản lý dự án 6 quản lý thực hiện, dự án đã hoàn thành khối lượng xây lắp tháng 6/2019, đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, vừa qua, ngày 3/9/2019, công trình xuất hiện hư hỏng nền, mặt đường đoạn Km10+200 - Km10+350. Tại Công điện số 35/CĐ-BGTVT ngày 5/9/2019, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 khẩn trương chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra hiện trường trên toàn tuyến, đánh giá xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời những hư hỏng, báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện trước ngày 10/9/2019.

Theo Bộ GTVT, để xảy ra sự cố nêu trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín ngành giao thông vận tải, niềm tin trong nhân dân.

Vì vậy, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 và các đơn vị tư vấn thiết kế (giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế bản vẽ thi công), tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các khâu từ công tác khảo sát, thiết kế, quá trình tổ chức chỉ đạo triển khai thi công, quản lý chất lượng đến công tác nghiệm thu công trình hoàn thành,… làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hư hỏng công trình, báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết sự cố theo quy định trước ngày 20/9/2019.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức và các cá nhân được phân công trực tiếp quản lý, điều hành dự án, trước mắt thực hiện đình chỉ chức vụ các cá nhân liên quan để tập trung khắc phục xử lý sự cố nêu trên. Yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 và các nhà thầu báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện kiểm điểm sau khi có kết luận và nguyên nhân.

 Tàu bay Vietnam Airlines liên tục gặp sự cố về lốp