Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tận mắt chiêm ngưỡng những cổ vật độc đáo ở đền thờ thần Rắn

Canh, Càn (Cờn), Dàn, Si là 4 ngôi đền lớn của xứ Nghệ ngày xưa. Trong đó, đền Canh là công trình kiến trúc cổ kính, được xây dựng để thờ vị thần có công hộ quốc bảo dân Đức Thánh Canh - một vị thần rắn, dân gian quen gọi ông Cụt, cùng phối thờ là cha mẹ của rắn thần. Hiện nay đền đang lưu giữ nhiều cổ vật độc đáo.

 Cổng Tam quan đền Canh với nét rêu phong cổ kính, trầm mặc cùng thời gian

Truyền thuyết xưa nhuốm màu huyền thoại

Người già ở xã Đức Thành huyện Yên Thành - nơi có ngôi đền này vẫn truyền lại, từ xa xưa ở đây có một cặp vợ chồng là Hoàng Phúc Hữu và Vũ Thị Quyên làm nghề nông, họ sống thanh bình và đức hạnh, được mọi người quý mến. Tuy nhiên, mãi đến gần 70 tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi. 

  Mặt trước đền Canh

Một hôm, người vợ ra bầu Canh gần nhà gánh nước, về nhà trong người thấy khác lạ. Bà mang thai, đến 9 tháng 10 ngày sau sinh ra 2 quả trứng. Độ hơn 10 ngày tiếp đó, hai quả trứng nở ra 2 con rắn, ông bà đặt tên cho rắn anh là Hoàng Tiến Kỳ, rắn em là Hoàng Tiến Sơn.

 Thượng điện thờ Thần rắn luôn được khóa giữ cẩn mật

Đôi vợ chồng già nuôi 2 anh em rắn được 3 năm, một hôm vào tiết trời tháng 8 có mưa lớn, người chồng vác cuốc ra đồng để khơi ruộng chống ngập úng, 2 anh em nhà rắn cùng trườn đi theo cha. Thật không may, nhát cuốc bổ xuống bờ ruộng vô tình làm đứt đuôi rắn anh. Trời bỗng nổi cơn sấm sét, mưa gió kéo đến ầm ầm, 2 anh em rắn bỏ về nhà, đến giữa đồng thì quằn quại vùng vẫy, máu rỏ ra đỏ cả vùng đồng ruộng. Khi người cha về đến cổng, 2 anh em rắn đợi cha ở cổng, rắn em chồm lên phùng mang định cắn cha. Ông vội “Phụ bái tử” (cha lạy con). Thấy vậy, rắn anh Hoàng Tiến Kỳ tha thứ cho cha. 

 Tượng voi đá cổ bên hữu.

Ít ngày sau, 2 anh em bỏ đi theo dòng bầu Canh. Thương con, vợ chồng nông dân lần theo dấu vết để đi tìm. Lặn lội đến mé rừng, người mẹ kiệt sức nằm lại, khu rừng ấy sau này được gọi là Ngàn Nhà Bà. Người cha gắng gượng đi tiếp, gần đến Khe Thần, cũng kiệt sức nằm lại, khu rừng ấy sau này được gọi là Ngàn Nhà Ông.

  Voi đá cổ bên tả.

Rắn anh Hoàng Tiến Kỳ thấy vùng đất đẹp, ngự tại đây và để lại 3 giọt máu. Rồi đi lên đến Nghĩa Môn (nay là xã Quỳnh Tam- Quỳnh Lưu) và mất ở đó. Rắn em buồn vì người anh và cha mẹ bỏ mình mà đi, rắn lành bò lên bờ bàu Ác và chết. 

  Dãy dây hoa văn trên kỳ lưng voi đá.

Khi dân làng thấy 3 giọt máu của rắn anh đã bàn luận, rồi lập đền thờ. Tương truyền rằng, anh em nhà rắn sau khi chết đều hóa thành những vị phúc thần. Có những đêm hè nóng nực, người dân nằm ở trong nhà nghe tiếng lá cây rung lắc mạnh, nghe rõ tiếng di chuyển ào ào như gió thổi, sáng ra thức dậy thì thấy cây cỏ đổ rạp theo lối đi kéo dài từ trên rừng xuống tận bàu nước. Người dân cho rằng đó là dấu của rắn thần về tắm mát. Hoặc những lúc đi ngang qua các khu rừng rậm rạp, nghe có tiếng gió thổi vù vù là lúc thần hiện. Vào những kỳ đại hạn, có gió Lào, các đồng ruộng khô nứt nẻ, người dân đến bàu Canh và bàu Ác để khấn nguyện thì lập tức sẽ có mưa thuận gió hòa. Những lúc lũ lụt, người dân đến bàu Canh và bàu Ác làm lễ khấn nguyện thì sẽ giảm tránh được các đại họa do thiên tai gây ra. 

 Ông Hà Quang Huy- người trông coi đền và khuôn gỗ cổ dùng để in “Kim tiền- Tài mã”.

Những cổ vật độc đáo và quý hiếm

Bước chân qua cổng tam quan đầy rêu phong và dấu tích thời gian, 2 bên tả, hữu là 2 cặp voi cổ bằng đá nằm thế quỳ phục, cao chừng 1m dài 1,4m. Quan sát chi tiết thấy đây cặp voi đá hiếm có được các nghệ nhân xưa tạc rất đẹp, đường nét mềm mại với nhiều hoa văn ở 4 chân và cặp tai. Riêng trên kỳ lưng có hoa văn dây xích vặn xoắn chạy dọc dài từ cổ đến phần đuôi. Hai bên cổ của voi có 2 cặp chuông. Chứng tỏ đây là cặp voi đã được thuần dưỡng, phục vụ cho các thần linh, thủ lĩnh…

  Khuôn gỗ mặt ‘Kim tiền”

Chuyện về 2 cặp voi này cũng khá ly kỳ, hầu chuyện ông Trần Đức Thiết- một người cao tuổi trong làng, ông kể lại: chừng 20 năm trước, có một nhóm người nghi ở dưới 2 cặp voi có chôn cất vàng bạc, châu báu nên đã lật 2 cặp voi ra và đào bới. Việc có tìm thấy được vàng bạc, châu báu hay không thì chỉ có nhóm người đó biết. Thấy 2 cặp voi nằm chỏng chơ giữa nắng mưa, năm 2002, người của UBND xã đã đưa cặp voi về để ở Đình Sàng. Không hiểu có phải thần linh quở trách hay không mà những người cho đưa cặp voi về đều lần lượt “ra đi”. Sau đó, cặp voi đã được đưa trở lại đền đặt đúng theo vị trí cũ như hiện nay.

  Khuôn gỗ mặt “Tài mã”.

Ngoài cặp voi bằng đá, trong đền hiện nay còn nhiều cổ vật độc đáo. Ông Hà Quang Huy- 79 tuổi là người trông coi đền đã 10 năm nay ở xóm Dầu Sơn xã Đức Thành- Yên Thành cho xem một khuôn gỗ cổ dài độ 25 cm, rộng 12 cm, dày 5cm. Đây là khuôn in giấy “Kim tiền- Tài Mã”, dùng cho người đến tế lễ dâng lên thần linh để được mang cát khí, không những làm gia tăng tài lộc mà còn đem lại nhiều may mắn về công danh, sự nghiệp. Một mặt của khuôn khắc hình mái đình có treo 4 xâu tiền xu cổ (Kim tiền), mặt còn lại khắc “Tài Mã” (Ngựa tốt).

Mặt cạnh dọc của khuôn có khắc hình một ông quan đội mũ cánh chuồn và một quý phu nhân. Mặt cạnh dọc còn lại có khắc một dãy chữ nho. Ông Huy cho biết dòng chữ này không biết ý nghĩa của nó. Tác giả bài viết đã tra cứu, cho thấy dòng chữ này đã khắc ghi ngày, tháng, năm, đại ý: “Tạo (khắc) năm Nhâm Tuất (1923) thứ 7 triều vua Khải Định”. Như vậy bản khuôn gỗ dùng để in “Kim ngân- Tài mã” này 4 năm nữa thì tròn 100 năm tuổi.

 Mặt cạnh ghi ngày, tháng, năm của khuôn gỗ cổ.

Cùng với khuôn gỗ dùng để in “Kim ngân- Tài mã”, trong đền còn có cặp cây bằng gỗ sơn 3 màu: vàng, xanh, đỏ, khắc hoa lá đề tài mùa xuân trăm hoa đua nở, cùng với chim công, tuần lộc ở dưới gốc cây. Cặp cây gỗ này rất ít thấy trong các ngôi đền, chùa ở xứ Nghệ.

 Cặp cành cây hoa lá cổ với đề tài “Phú quý- mùa xuân trăm hoa đua nở”.

Tại Thượng điện, nơi thờ Đức Thánh Canh (Thần rắn), có chiếc lư hương gỗ cổ, chạm khắc tinh xảo, đế lư hương chạm hình hổ phù, phía trên hình mặt nguyệt tượng trưng cho chúa của sức mạnh trong vũ trụ, 2 bên lư hương là cặp rồng xoắn lượn chầu vào ô cắm hương hình vuông. Ngoài ra, trong đền còn có các cỗ chè cổ cũng được chạm khắc công phu, dưới đế hình hổ phù, diềm trên chạm hoa lá cúc dây hóa rồng, thể hiện ước nguyện của người xưa mang điềm phúc đến với mọi nhà.

 Lư hương cổ ở thượng điện thờ Thần Rắn

Đến với đền Canh thờ thần rắn, mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi đến am thờ bố mẹ thần rắn. Phía trên mái am, có một “cổ vật sống”, đó là cây Duối Bà hàng trăm năm tuổi.

 Am thờ bố mẹ Thần rắn.

Rễ của cây rêu phong đanh quánh lại bám vào mái am. Đứng dưới cây, người thưởng ngoạn cảm giác như mình nhỏ bé lại, trước một cổ mộc kỳ vĩ, trải qua biết bao thăng trầm biến cố của thời gian mà vẫn kiên cường bám trụ. Trong ánh nắng chếch của buổi sáng cuối mùa hè chiếu qua tán lá, càng tăng thêm độ cổ kính, linh thiêng của am thờ.

   Cây Duối Bà cổ trên mái am thờ bố mẹ thần Rắn.

Theo ông Hà Huy Quang- người trông quản đền ở đây cho biết, trước đây có 5 làng trong tổng Quy Trạch tế đền, đó là: làng Thọ Trường, Thọ Bằng, Thọ Canh, Xuân Hòa, Tam Thọ.  Ngày nay, hàng năm cứ đến ngày 20/2 âm lịch, người làng lại tổ chức tế lễ trịnh trọng và thành tâm.Trong lễ hội ngoài phần lễ trang trọng, phần hội là nơi mọi người cùng nhau vui chơi, kết nối tình thần của người dân địa phương và du khách thập phương. Năm 2017, đền Canh đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.