Từng mừng đám cưới bạn 1 triệu, chú rể "đứng hình" khi nhìn bên trong phong bì bạn
- 13:39 11-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo phong tục từ xưa, để mừng hạnh phúc cô dâu chú rể, người ta thường mừng quà cưới bằng hiện vật hay tiền. Tiền mừng vốn như thay một lời chúc phúc trăm năm song để bao nhiêu tiền cho hợp lý lại là câu hỏi khiến nhiều người không khỏi đau đầu, nhất là khi mùa cưới đang đến.
Anh chàng trong câu chuyện dưới đây vừa bước chân vào cuộc sống gia đình được vài ngày. Cuộc sống hôn nhân của vợ chồng son còn nhiều điều bỡ ngỡ song điều khiến anh không khỏi bức xúc là khi nhớ lại chuyện mừng cưới của một anh đồng nghiệp của mình. Đọc xong tâm sự của chú rể này, ai nấy đều như nhớ ra một "người quen" nào đó có tính tình hệt như vậy.
"Tính em vốn cũng rộng rãi tiền nong, nhất là tiền mừng, lễ lạt các kiểu. Em quan niệm sống không tính toán thì người ta sẽ quý mà biết điều. Văn phòng em có mấy người thôi nên mỗi lần có đám em đều góp mặt. Mọi người ai cũng rất ý thức và hiểu, trừ anh T. ngồi đối diện bàn em.
Ông này phải cái tính quý tiền hơn quý người, lúc nào cũng tiền, tiền, tiền. Cơm văn phòng trên 35 nghìn là ông thà nhịn chứ không ăn, đồ dùng bình thường như áo mưa, mũ bảo hiểm ông ấy cũng nhặt nhạnh đâu đấy từ mấy cái để quên trong công ty chứ không mua. Trà đá, trà chanh thì phải bao thì ông mới đi, không thì còn lâu vì "tốn thời gian, anh không thích xã giao lê lết".
Ông này lại còn có kiểu tính toán, miễn phí thì không sao nhưng bỏ tiền ra thì luôn mồm đòi xịn, sang chảnh mặc dù tiền ít. Trước em rủ ông đi ăn bún bò Huế ở quán mới, đầu tiên em định trả nhưng ai dè quên ví, thế là ông này nhăn nhó trả tiền. Chỉ 60 nghìn thôi mà về ông ta cứ cằn nhằn: "30 nghìn một bát mà cho có tí thịt, cọng hành úa nhặt ra, không đáng tiền".
Đỉnh điểm là đám cưới em hôm chủ nhật vừa rồi, ông này lôi cả vợ và đứa con trai 3 tuổi đến để ăn cỗ. Gia đình đấy chiếm mất nửa mâm cỗ vị trí đẹp nhất, ăn uống cực nhiệt tình, thậm chí còn xin túi bóng cầm mấy đĩa gà, tôm mang về. Chuyện không có gì để nói đến khi em kiểm tra phong bì, thấy ông này mừng 200 nghìn. Trong khi trước đây em đi cưới ông 1 triệu lận, mà chỉ một mình em đến ăn thôi.
Đến giờ thì em không thể hiểu được nữa, tại sao người như thế vẫn còn sống? Mà, có nên nhắc nhở khéo ông ấy không? Nhắc thì kiểu gì cho thâm mà hợp lý? Hay có phải em đang tính toán quá không nhỉ?".
Phong bì mừng cưới của anh đồng nghiệp thậm chí được chủ nhân "chắc cốp" dán thêm ảnh để tránh trường hợp nhầm lẫn. |
Thậm chí anh đồng nghiệp về nhà còn vô tư gửi tin nhắn khen cỗ ngon, "trách nhẹ" rằng gà chặt hơi to. |
Thiết nghĩ, chiếc phong bì cũng là thay lời chúc mừng, thể hiện tình cảm yêu quý gửi đến cho cô dâu, chú rể thôi song sự không "có qua có lại" của người đồng nghiệp này khiến chú rể không khỏi ngỡ ngàng. Không biết nên im lặng bỏ qua hay nhắc nhở khéo anh đồng nghiệp kia, anh chàng đăng đàn tâm sự liền nhận được rất nhiều lời khuyên.
"200 nghìn mà dẫn cả nhà đi ăn nửa mâm cỗ của người ta thì đúng là khó chấp nhận được quá. Giờ cỗ ở thành phố nhẹ nhàng cũng 300-400 nghìn/người rồi. Mà trước đây bạn ấy cũng mừng 1 triệu, trách anh đồng nghiệp kia "sống lỗi" quá!", một bạn trẻ thở dài bình luận.
Cùng sự bức xúc với cô gái trên, một anh chàng có nickname Dong Thanh Quang chia sẻ: "Nhiều chuyện tưởng như đùa nhưng lại hoàn toàn có thật, đúng là đọc mà "mở mang" đầu óc quá. Mừng 200 nghìn mà về nhà còn nhắn tin trách gà chặt to với kể ra có bia. Chẳng phải bạn tính toán đâu mà những người như thế đáng trách thật".
Hà Mi (27 tuổi) vừa kết hôn cách đây không lâu đã chia sẻ về chính "kỷ niệm đau thương" của mình: "Nói ra thì bảo tính toán nhưng đúng là có những người không biết điều thật. Mình có đứa bạn cưới từ lúc mình mới ra trường. Lúc đấy lương ba cọc ba đồng thôi nhưng mình vẫn cố chắt bóp mừng nó 2 triệu rồi còn đến nhà giúp, về quê quán các kiểu nữa, chẳng hề ngại vất vả gì. Ấy vậy mà đến đám cưới mình, nó nói gọn lỏn một câu bận con nhỏ rồi gửi 500 nghìn tiền mừng. Chồng mình biết chuyện còn cười rồi trêu mình mãi".
Mừng cưới vốn là một phong tục tốt đẹp bao đời nay, thể hiện lời chúc phúc gửi đến cô dâu chú rể. Rất khó để đưa ra được một công thức chung để nói rằng mừng cưới bao nhiêu là đủ song đừng để vì những chiếc phong bì mà khiến tình cảm bị sứt mẻ.