Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Sinh viên để hết tâm trí vào cái ăn, cái mặc thì thật nhỏ nhoi và bạc nhược”

Đó là chia sẻ của GS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với các sinh viên trong ngày khai giảng năm học mới 2019-2020 diễn ra sáng nay, 10/9.

Thay mặt lãnh đạo nhà trường, GS Nguyễn Văn Minh gửi lời chào đón các thầy cô và hơn 2400 tân sinh viên khóa 69.

 GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại lễ khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Thanh Hùng

Chính thức khởi đầu một thời kỳ mới trong cuộc đời của mỗi tân sinh viên, GS Minh nhắn nhủ quá khứ là hành trang, thôi thúc để vươn lên nhưng chớ sống chỉ bằng quá khứ, mà hãy nghĩ về tương lai và hành động để có tương lai tốt đẹp.

“Hãy biết nghĩ đến miếng cơm manh áo, nhưng thanh niên, sinh viên mà suốt ngày lầm lũi để hết tâm trí dồn vào cái ăn, cái mặc cho riêng mình thì thật nhỏ nhoi và bạc nhược.

Hãy vượt thoát lên hoàn cảnh để làm những điều cao cả, xây những chí lớn cho đời. Công cha, nghĩa mẹ là nặng sâu, nhưng hãy nghĩ điều thiêng liêng hơn, đó là đất nước.

Giấc mơ xa không phải đi tìm mỏ vàng đào lên để bán, không phải chiêm bao để lười biếng trị vì. Giấc mơ xa phải từ đất, từ người, từ những nặng lòng với nỗi đau nghèo khó và đất nước của mình sao vẫn lắm khó khăn.

Đừng kỳ vọng vào sự may rủi để mang về hạnh phúc. Một thời rộ lên đi đào đá quý, một thời rộ lên vào núi tìm vàng, và xa hơn là một thời mong đổi đời vào rừng thiêng tìm trầm về bán… Những thứ quý giá đó liệu có mãi còn cho thế hệ tương lai?”, GS Minh chia sẻ.

 

Ông Minh chia sẻ bản thân cảm thấy xót xa, nặng trĩu lòng khi trong chuyến đi công tác các tỉnh miền núi mùa hè vừa qua, ông tiếp xúc với nhiều học sinh nhưng mong ước chỉ là tốt nghiệp phổ thông để tìm việc làm ở các khu công nghiệp, hay học thêm một thứ tiếng để đi bán hàng bên kia biên giới.

“Đến bao giờ, giấc mơ của những đứa trẻ vùng biên không phải dừng lại ở khu công nghiệp, ở chỗ bán hàng mà khát vọng đổi đời phải từ đất, từ rừng.

Cuộc đời ta cũng lớn lên từ đất, sao không gieo được vào lòng người giấc mơ biến đất cằn thành màu mỡ, biến đồi núi hoang vu thành những nương vườn trái chín sum suê”.

Ông Minh cho hay, các sinh viên cần trăn trở để hun đúc ý chí, chứ không phải trăn trở để buông xuôi. Không hiểu sâu xa, không có tình yêu thương sâu nặng với con người, quê hương, đất nước thì những ước mơ chỉ là huyễn hoặc mà thôi và làm sao có những khát vọng để thay đổi cuộc đời.

“Đến tuổi này, các em đừng mơ những giấc mơ đơn độc. Thành công của những ước mơ riêng tư cùng lắm thì thay đổi một phận đời, nhưng đất nước này cần biết bao những ước mơ cao cả để mai ngày hiện thân một dân tộc tự cường…Hãy mở toang cái đầu ra để đón những luồng suy nghĩ mới của thời đại. Sự vụn vặt, tiểu tiết trong tư duy cần loại bỏ ngay. Các em là công dân của thời đại hiện đại. Điều đau đáu là chúng ta vẫn để đất nước còn nghèo. Có khi nào trong khoảng nghĩ suy của các em vọng lên những điều trăn trở để dốc lòng cho một tương lai?”.

 Nữ sinh sư phạm rạng rỡ ngày khai trường.

GS Minh cho rằng, cần thấm thía sức mạnh ngày nay phải là sức mạnh trí tuệ và hiện thực hóa điều đó bằng một nền giáo dục tiến bộ được vận hành bằng những chủ nhân có đủ tài năng. Và chính các tân sinh là những chủ nhân đó.

“Có lẽ đâu đó còn có cách nhìn về nhà giáo một cách chưa đúng mực, chúng ta hãy bằng hành động và việc làm để thay đổi cách nhìn. Hãy nỗ lực để trở thành một người thầy đúng nghĩa. Đừng đòi hỏi sự thừa nhận khi chính chúng ta làm chưa tốt thiên chức của mình. Vì vậy, bền bỉ rèn luyện, nỗ lực học tập, trau dồi nghề nghiệp là tiền đề cho thành công tương lai”.

Ông Minh cũng bày tỏ không muốn các học trò quan niệm mình là “người lái đò trên bến vắng”, mà hãy là người của thời đại, người dẫn dắt trí tuệ và tâm hồn.

Tại buổi lễ, GS Minh cũng đại diện nhà trường trao tặng bằng khen cho các tân sinh viên là học sinh giỏi quốc tế, quốc gia và thủ khoa đầu vào năm 2019.

 

 Vụ trẻ bị tím mông ở trường: Hiệu trưởng, giáo viên đến nhà xin lỗi