Từ tỉnh bốn “B”, Ninh Bình trở thành điểm du lịch hấp dẫn
- 15:45 08-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mùa vàng Tam Cốc - Ảnh: Lê Hồng. |
Điều đó, tạo động lực phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Điểm đến du lịch hấp dẫn nhất
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng, bảo tồn, tôn tạo bao gồm: Cố đô Hoa Lư - Tam Cốc, Bích Động- Khu du lịch sinh thái Tràng An - Núi chùa Bái Đính... Trước khi Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, cả vùng nêu trên là ruộng nước sình lầy “chiêm kê, mùa thối”, xen kẽ những dải đồi trọc, núi đá của tỉnh Ninh Bình một thời được mệnh danh là vùng đất bốn “B” (Buồn, bực, bụi, bẩn). Nguyên do của chữ bốn ‘B’ là vì nghề chính của nhiều người dân là chuyên vào núi phá đá đốt vôi, gây bụi bẩn mù mịt. Được sự chấp thuận của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình mạnh dạn giao cho doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, phối hợp Giáo hội phật giao Việt Nam (GHPGVN) đầu từ xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, với tổng kinh phí hơn 17 nghìn tỷ đồng, thời gian thực hiện70 năm.
Chỉ sau 14 năm xây dựng trên tinh thần hợp tác công-tư, quần thể danh thắng Tràng An với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, phát hiện thêm nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, địa chất, địa mạo; về dấu tích biển xâm thực, người Việt cổ. Trong diện tích 12.254 ha quần thể danh thắng Tràng An chứa nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được nhận diện gồm: 29 di tích lịch sử cấp tỉnh, 20 di tích quốc gia tiêu biểu và hàng nghìn héc-ta rừng đặc dụng xanh ngút ngàn, hút hồn du khách thập phương, nhất là từ khi UNESCO công nhận Tràng An là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới. Ông Nguyễn Xuân Trường, chủ đầu tư cho biết: “ Quần thể danh thắng Tràng An góp phần bảo vệ hàng nghìn héc-ta rừng, núi đá có cây. Trong đó, có hàng trăm héc-ta rừng do chủ đầu tư trồng mới, trở thành lá “phổi’’ bảo vệ người dân Ninh Bình. Theo các nhà nghiên cứu, con người có thể nhịn ăn 90 ngày, uống nước vẫn sống. Song chỉ nhịn thở trong ba phút là có thể chết, thế mà chúng ta chưa thật sự quan tâm đúng mức đến hơi thở, cuộc sống của mình đó là tạo ra: Cây xanh, thảm cỏ, hồ nước như Tràng An”.
Việc hợp tác công-tư của tỉnh Ninh Bình còn tạo ra nhiều công trình kiến trúc tâm linh khác tại núi chùa Bái Đính phục vụ phát triển du lịch của tỉnh như: Điện Tam Thế, điện Giáo Chủ, điện Quan Thế Âm...Trong đó, có nhiều công trình đạt kỷ lục “nhất” Việt Nam và Đông - Nam Á như: Tháp Báo Thiên, tượng phật bằng đồng nguyên chất dát vàng, hành lang tượng La Hán thể hiện triết lý Phật Giáo.Thượng tọaThích Minh Quang, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình, cho biết: “Chùa Bái Đính đạt nhiều kỷ lục là do những đóng góp về trí tuệ, tinh thần, “đóng bè, xếp tập vật chất” của hàng vạn tín đồ phật tử thập phương, trong đó có gia đình phật tử Xuân Trường và doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường. Đây là cơ sở tự viện thuộc GHPGVN quản lý.
Chùa được xây dựng trên tinh thần hợp tác công-tư. Chỉ đạo xây dựng là cố hòa thượng Thích Thanh Tứ, trụ trì đầu tiên ở chùa Bái Đính đã viên tịch. Hiện nay, GHPGVN cử Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN trụ trì và tổ chức hoạt động phật sự theo Hiến chương GHPGVN và các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng,chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tên chùa Bái Đính có nghĩa là hướng về núi Đính vượng khí. Nơi Triều đại nhà Đinh là Nhà nước Trung ương phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta lập đàn tế trời: “Cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa”; nơi Hoàng đế Quang Trung tế cờ tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh.
Đây còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa tín ngưỡng: Tục thờ thần Cao Sơn có công hộ nước, giúp dân; thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không...Chứa đựng linh thiêng đất, trời, lại không thu phí, thu vé thăm quan, vãn cảnh, cho nên hằng năm chùa Bái Đính thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước, quốc tế; hàng nghìn tăng ni, phật tử đến tu tập, gìn giữ những giá trị văn hóa tâm linh của Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành với những thăng trầm lịch sử dân tộc; thu hút hàng chục nghìn học sinh, sinh viên tham gia các khóa tu mùa hè; riêng hè năm 2019, có 3.500 em được học tập: Nghi lễ Phật giáo; học điều hay, lẽ phải; tham gia cầu “Quốc thái dân an, tri ân các anh hùng liệt sĩ”, giúp các em thêm nguồn năng lượng sạch, góp phần xây dựng xã hội an lành.
Từ khai thác du lịch văn hóa tâm linh tại khu vực nêu trên, ngành du lịch Ninh Bình có thêm nhiều bước tiến mới: Lượng khách du lịch tăng bình quân 12,5%/ năm, doanh thu du lịch năm 2018 của tỉnh đạt hơn 3.213 tỷ đồng. Năm 2019, tỉnh phấn đấu đón 7,5 triệu lượt khách du lịch trong nước, quốc tế. Quan trọng hơn là hàng vạn người dân có công ăn việc làm, đời sống ngày càng nâng cao.
Sẵn sàng chào đón năm du lịch quốc gia 2020
Năm du lịch quốc gia 2020 được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình đang đến gần. Nhìn lại việc tổ chức các sự kiện: Đại lễ Phật đản Liên Hiêp Quốc (Vesak) năm 2008; Lễ rước ngọc xá lợi từ Ấn Độ về chùa Bái Đính. Tổ chức Đại lễ Vesak lần thứ hai năm 2014, Ninh Bình đón tiếp 1.500 đại biểu quốc tế đến từ 97 quốc gia, vùng lãnh thổ; đón tiếp hàng chục đoàn nghệ thuật các nước ASEAN... cho thấy Ninh Bình có đủ điều kiện tổ chức thành công ‘‘Năm du lịch quốc gia 2020’’. Đây là địa phương được Tạp chí Du lịch Insider của Mỹ bình chọn đứng đầu “top” 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới năm 2018 (bao gồm: Ninh Bình - Việt Nam; Lake District Cumbria - Anh; Chicago - Mỹ; Mexio City - Mexico; Kazakhstan...). Đó là niềm tự hào lớn đối với Ninh Bình nói riêng và Việt Nam, tạo thêm động lực cho tỉnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch di sản theo hướng liên kết vùng:Tràng An- Bái Đính- Vân Long (Ninh Bình)- Đồng Tâm (Hòa Bình) - Tam Chúc (Hà Nam) - Hương Sơn (Hà Nội). Khi trục liên kết này hoàn thiện sẽ thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình thành vùng trọng điểm quốc gia, quốc tế; thúc đẩy du lịch đồng bằng sông Hồng.
Lễ rước Nước - Ảnh: TRƯỜNG HUY. |
Ông Phạm Văn Hà, Chủ tịch xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, cho biết: Xã có hơn 2.000 lao động làm dịch vụ du lịch tâm linh: Bán hàng lưu niệm, lái xe điện, làm thợ chụp ảnh, hướng dẫn viên du lịch; kinh doanh ăn uống, khách sạn. Thu nhập bình quân đạt năm triệu đồng/ người/ tháng, đến bảy triệu đồng/ người/ tháng. Gia Sinh là xã nghèo nhất huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Đến nay, nhiều hộ nhờ chuyển sang kinh doanh homestay, khách sạn giàu rất nhanh như: Hộ anh Nguyễn Văn Thành ở xóm 4; anh Nguyễn Trọng Trinh xóm 5. Tỷ trọng cơ cấu dịch vụ du lịch, ngành nghề của xã tăng 85%, nông nghiệp giảm còn 15%.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch UBND xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết: “Hiếm có nơi nào trời đất giao hòa, môi trường “ xanh, sạch, đẹp” như quần thể danh thắng Tràng An. Xã có 2300 lao động làm dịch vụ du lịch. Dân có việc làm, đời sống nâng cao, môi trường được bảo vệ thành vùng quê đáng sống, cho nên họ mong muốn tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy hợp tác công-tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phục vụ“Năm du lịch quốc gia 2020” sắp tới. Đây là sự kiện tiểu biểu, là cơ hội quảng bá di sản và các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; quảng bá tài nguyên và các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.
Tỉnh Ninh Bình cần quán triệt tinh thần tiết kiệm ngân sách nhà nước; tăng cường xã hội hóa đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng cho các khu điểm du lịch; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng: Đàn kính thiên, chùa vàng, chùa bạc, lắp đặt hệ thống chiếu sáng quảng trường Đinh Tiên Hoàng.Kết hợp cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù; liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước để khai thác có hiệu quả du lịch tâm linh, văn hóa tín ngưỡng,tôn giáo. Nghiên cứu việc khai lưu trú tại các chùa, các cơ sở tôn giáo, giúp khách du lịch tìm hiểu đời sống văn hóa tâm linh ở mỗi vùng quê, làm phong phú thêm sản phẩn du lịch. Cùng với chú trọng phát triển kinh tế đêm và nhiều loại sản phẩm du lịch khác, mới tạo ra động lực thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình và của cả nước thành ngành kinh tế mũi nhọn.