Nơm nớp lo sạt lở dưới chân Thủy điện Châu Thắng
- 13:58 04-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà bà Nguyễn Thị Lục ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến sạt lở nghiêm trọng dưới chân thủy điện Châu Thắng. |
Ký ức kinh hoàng về đợt sạt lở vào đêm 27/7/2018 vẫn khiến gia đình bà Nguyễn Thị Lục, bản Minh Tiến, xã Châu Tiến, rùng mình khi nhắc lại. Chỉ trong vòng 1 đêm, phần sau căn nhà kiên cố của gia đình bị đổ sập khi nước lũ cuộn về nhanh, hơn 180 m2 bị sạt lở.
Với gia đình ông Phan Huy Ngọc, căn nhà sàn bằng gỗ khang trang bị sụt lún hết phần móng và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Hơn 1 năm trôi qua, mùa mưa lũ bắt đầu, các hộ dân nơi đây lại sống trong nỗi sợ hãi sạt lở.
Có mặt tại bản Minh Tiến, mặc dù một số hộ dân bị sạt lở nhiều đã đầu tư nguyên vật liệu để làm kè bằng rọ đá từ nguồn tiền hỗ trợ của Thủy điện Châu Thắng, nhưng cũng chỉ là biện pháp tạm thời.
Chỉ tay về phía khu vực sạt lở của gia đình, bà Nguyễn Thị Lục cho biết: “Đợt bão số 4 vừa qua, gia đình cuống cuồng chuẩn bị chạy lũ. Nước dâng cao cách nền nhà gần 1m, đất đá kè mới làm cũng trôi hết rồi. Chỉ cần nước lũ lên vài đợt nữa là sạt lở hết xuống sông. Nước xoáy sâu tạo hàm ếch bên dưới, bên trên đổ sụp lúc nào không biết. Những bụi tre nhà tôi năm ngoái cách bờ hơn 15 mét mà giờ đã ra phía ngoài sông Hiếu".
Từ đó đến nay, nhà ông Ngọc tiếp tục bị sạt lở khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh, tường bao quanh bị nứt… Ông Ngọc cho biết: “Đợt này, nguy cơ trôi hết nhà tắm, nhà vệ sinh xuống sông Hiếu vì nền đã sụt lún và nứt toác hết rồi. Gia đình tôi giờ chỉ muốn xin chuyển đi chỗ khác chứ ở đây nguy hiểm lắm”.
Căn nhà của ông Phan Huy Ngọc ở bản Minh Tiến bị nứt nền nhà, có thể đổ sập xuống sống bất cứ lúc nào. |
Khu vực sạt lở dọc sống Hiếu, bản Minh Tiến có 22 hộ dân sinh sống. Điều đáng nói, nơi đây nằm dưới chân đập Thủy điện Châu Thắng khoảng 1 km. Vùng sạt lở có chiều dài khoảng 800 m, có nơi sạt lở chỉ cách Quốc lộ 48 khoảng 30 m. Theo các hộ dân, cứ mùa mưa lũ đến, Thủy điện Châu Thắng xả lũ, dòng chảy của sông Hiếu đổ mạnh về phía bờ sông khu vực dân cư sinh sống, gây sạt lở.
Trước những lo lắng của người dân, ông Sầm Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, cho biết: “Xã cũng đã làm việc với huyện, Thủy điện Châu Thắng và có biết thông tin về dự án xây bờ kè mềm (kè làm bằng rọ đá) quanh khu vực sạt lở tại bản Châu Tiến, nhưng chưa biết dự án này đã được tỉnh phê duyệt chưa. Chính quyền xã và bà con nơi đây mong muốn dự án sớm được thực hiện để giải quyết vấn đề sạt lở, bà con an tâm sinh sống. Trước mắt, trong mùa mưa lũ, lãnh đạo xã theo dõi sát sao tình hình, yêu cầu thủy điện xả lũ đúng quy trình, thông báo đầy đủ cho xã và người dân trước khi xả lũ”.
Ông Lê Hải Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quỳ Châu thông tin, khu vực sạt lở đã được tỉnh và huyện khảo sát nhiều lần, đã lập phương án xây dựng bờ kè mềm chiều dài dọc sông Hiếu khoảng 500m. Kinh phí của dự án này lên đến hàng chục tỉ đồng. Huyện không có nguồn vốn để làm, dự án này thuộc của tỉnh.
Ông Hồ Ngọc Thiết, Giám đốc Thủy điện Châu Thắng cho hay, sau khi sạt lở xảy ra, Thủy điện Châu Thắng đã hỗ trợ các hộ dân tổng số tiền hơn 300 triệu đồng để khắc phục. Những lo lắng của người dân mỗi khi mùa mưa lũ về là chính đáng.
Khi dự án kè mềm chống sạt lở ở bản Châu Tiến được xây dựng, Thủy điện Châu Thắng sẵn sàng chia sẻ một phần kinh phí. "Chúng tôi luôn đồng hành với bà con và thể hiện trách nhiệm của mình", ông Hồ Ngọc Thiết khẳng định.
Thủy điện Châu Thắng đóng tại địa bàn xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) do Công ty cổ phần Prime Quế Phong khởi công xây dựng vào tháng 2/2015; phát điện vào tháng 5/2017, hồ chứa 18 triệu m3, công suất 14 MW. |