Bà Lam nói gây tàn phá lớn cho Hong Kong, từ chức nếu có thể
- 08:29 03-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nói rằng bà đã gây nên “tàn phá không thể tha thứ” cho Hong Kong và sẽ từ chức nếu có thể, hãng tin Reuters trích bản ghi âm cuộc họp kín tuần trước giữa bà Lam và một nhóm doanh nhân được công bố ngày 2-9.
Tại cuộc họp kín, bà Lam nói rằng bà bây giờ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hong Kong rất hạn chế bởi những bất ổn ở Hong Kong đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia và chủ quyền đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.
Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam tại một cuộc họp báo ngày 5-8. Ảnh: REUTERS |
"Trong tình huống như vậy, không gian chính trị cho trưởng đặc khu, người phục vụ cả chính phủ trung ương và người dân Hong Kong theo hiến pháp, là rất, rất hạn chế", bà Lam nói.
“Nếu tôi có lựa chọn, điều đầu tiên tôi làm từ chức và gửi lời xin lỗi sâu sắc”, bà Lam nói.
Tại cuộc họp tuần trước, bà Lam cho biết chính quyền Bắc Kinh không đặt ra bất kỳ hạn chót nào để chấm dứt khủng hoảng trước lễ kỷ niệm quốc khánh 1-10 và “hoàn toàn không có kế hoạch” triển khai Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) để đối phó biểu tình ở Hong Kong.
Theo Trưởng Đặc khu Hong Kong, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh nhận thức rõ thiệt hại tiềm tàng đối với danh tiếng của Trung Quốc từ việc đưa quân đội vào Hong Kong xử lý biểu tình.
“Họ biết cái giá sẽ là rất lớn. Họ quan tâm tới hình ảnh quốc tế của đất nước mình. Trung Quốc mất một thời gian dài để xây dựng hình ảnh không chỉ là nền kinh tế lớn và còn là nền kinh tế lớn có trách nhiệm. Do đó, từ bỏ sự phát triển tích cực rõ ràng không nằm trong chương trình nghị sự của họ", bà Lam nói.
Dù vậy, bà nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã sẵn sàng cho tình trạng bất ổn kéo dài, ngay cả khi điều đó khiến kinh tế Hong Kong chịu thiệt hại nặng nề.
Cảnh sát chống bạo động ở ga tàu điện ngầm ở Hong Kong sáng 2-9. Ảnh: AP |
Theo Reuters, giọng điệu của bà Carrie Lam trong đoạn ghi âm trái ngược gương mặt cứng rắn của bà trong những lần xuất hiện công khai. Giọng bà có đôi khi nghẹn ngào khi nói về tác động của cuộc khủng hoảng kéo dài 3 tháng đối với cuộc sống cá nhân của mình.
"Trưởng đặc khu đã gây ra tàn phá lớn thế này cho Hong Kong là không thể tha thứ được. Hiện tại tôi rất khó đi ra ngoài. Tôi không thể đi trên đường, đến trung tâm thương mại hay tiệm làm tóc. Tôi không thể làm bất cứ điều gì vì nơi tôi đến sẽ xuất hiện trên mạng xã hội”, Trưởng đặc khu Hong Kong nói.
Theo bản ghi âm, bà Lam cũng nói về tầm quan trọng của luật pháp Hong Kong và việc khôi phục sự ổn định cho thành phố hơn 7 triệu người này, cũng như việc cần thiết phải nỗ lực để đưa ra thông điệp của chính quyền.
Trong khi nói rằng bây giờ không phải là lúc để "tự thương hại”, bà Lam bày tỏ thất vọng vì không thể “giảm áp lực cho lực lượng cảnh sát hay đưa ra giải pháp chính trị đối với những người biểu tình ổn hòa đang tức giận với chính quyền, đặc biệt là với tôi”.
“Việc không thể đưa ra giải pháp chính trị để xoa dịu căng thẳng là nỗi buồn lớn nhất của tôi”, bà nói.
Hàng ngàn sinh viên tổ chức biểu tình tại trường ĐH Trung văn Hương Cảng. Ảnh: SCMP |
Ba nguồn tin tham dự cuộc họp kín này đã xác nhận bà Lam đưa ra những bình luận trên tại cuộc họp kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Bản ghi âm về những tuyên bố của bà kéo dài 24 phút được Reuters thu được. Cuộc họp này là một trong nhiều “phiên họp kín” mà bà Lam đã nói là bà đang làm việc với “những người thuộc mọi tầng lớp” ở Hong Kong.
Trả lời Reuters, một phát ngôn viên của bà Lam cho biết bà đã tham dự hai cuộc họp hồi tuần trước và có sự tham dự của giới doanh nhân. Tuy nhiên, vị phát ngôn viên này từ chối bình luận về những gì bà Lam đã nói tại các sự kiện trên. Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc cũng chưa đưa ra bình luận.
Bà Lam trở thành lãnh đạo Hong Kong vào tháng 3-2017 và thề sẽ “thống nhất xã hội” và hàn gắn những chia rẽ ở Hong Kong. Thời gian đầu làm lãnh đạo Hong Kong, bà Lâm thúc đẩy một loạt chính sách gây tranh cãi của chính quyền, gây ra sự chỉ trích công khai ở Hong Kong.
Bà Lam hiện là người ít được tín nhiệm nhất trong số bốn lãnh đạo thành phố kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.