Những dòng cảm tưởng của ông Putin, Obama về Chủ tịch Hồ Chí Minh
- 13:34 01-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong bài viết “50 năm giữ vững lời thề làm theo di chúc Bác Hồ "vĩnh biệt Người, chúng ta thề”, tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng, cán bộ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xây nhịp cầu hữu nghị mãi mãi nối liền bàn tay, khối óc và trái tim của nhân dân Việt Nam với bạn bè năm châu bốn biển”.
Người vun đắp cho tình hữu nghị quốc tế
Cho đến những ngày cuối đời, Người vẫn vun đắp cho tình hữu nghị quốc tế, vẫn nhắc nhở trung thành với nguyên tắc cao cả của chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Di chúc Người để lại không những phản ánh tâm hồn cao đẹp, đạo đức trong sáng, “muôn vàn tình thân yêu” của lãnh tụ với Tổ quốc, với nhân dân, mà với cả phong trào cách mạng thế giới, với bạn bè khắp năm châu, với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hoà bình, công lý, cho cơm áo và hạnh phúc con người.
Sáng 13/5/1965, Người viết về phong trào cộng sản thế giới: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”; “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý có tình”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đoàn đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc bên ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, tháng 2/1960. Ảnh: Tư liệu |
Theo lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn tích cực củng cố sự đoàn kết nhất trí của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên cơ sở của chủ nghĩa Mác Lê nin, chủ nghĩa quốc tế vô sản; ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và CNXH.
Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa Thủ đô là “biểu hiện sáng ngời của mối tình Xô – Việt đời đời bền vững” và tượng đài hùng vĩ nhất để kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hữu nghị Đông Dương là những thắng lợi lịch sử 3 nước (Việt Nam - Lào - Campuchia) giành được.
Dưới ngọn cờ hữu nghị quốc tế do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, Việt Nam luôn kề vai sát cánh với các lực lượng tiến bộ, sẵn sàng góp sức vì hòa bình, ổn định và phát triển của các quốc gia, khu vực.
Dù bối cảnh quốc tế nhiều thay đổi song Đảng vẫn kiên định chân lý Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ xuất sắc đấu tranh cho sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản đã chứng minh bằng cả cuộc đời cách mạng của mình.
Đó là "Người nào yêu Tổ quốc, yêu nhân dân mình tha thiết thì cũng không khi nào phản bội lại các lý tưởng của tình đoàn kết quốc tế và ngược lại chỉ những người theo chủ nghĩa quốc tế một cách kiên định thì mới là người yêu nước chân chính, mới đem lại lợi ích to lớn cho Tổ quốc mình, nhân dân mình".
Thực hiện lời dặn của Người, nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình đang bền bỉ nỗ lực góp phần vun đắp cho tình hữu ái quốc tế mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Những dòng cảm tưởng
Bài viết “Đoàn kết quốc tế trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Th.s Lường Thị Lan, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Th.s Lê Thị Bích Ngọc, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cũng cho biết, chính những tư tưởng và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phong trào cách mạng dân chủ trên thế giới mà cho đến ngày nay, hầu hết các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, kể cả những người có tư tưởng đối lập về chính trị khi đến Việt Nam đều vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 2/3/2001, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga V.I Putin khi đến thăm nhà sàn đã ghi lại những dòng cảm tưởng: "Tôi thành thực được làm quen với cuộc sống người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Một người mà tên tuổi đã đọng lại trong lịch sử thế giới".
Tại nhà sàn Bác Hồ, ngày 23/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama viết cảm tưởng: "Mong rằng quan hệ nồng ấm giữa 2 dân tộc chúng ta tiếp tục phát triển".
Tổng thống Mỹ Barack Obama ghi lưu niệm khi tới thăm nhà sàn Bác Hồ ngày 23/5/2016. Ảnh: TTXVN |
Ngày 23/3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In tới thăm nơi ở và làm việc trong những năm cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xúc động ghi lại những dòng cảm tưởng: "Tôi luôn khắc sâu vào tim tinh thần yêu nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Có lẽ cho đến cả mai sau nơi ở và làm việc của Người tại khu Phủ Chủ tịch luôn mãi là nơi hội tụ tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè và nhân dân thế giới.
Trong bài viết: “Bối cảnh lịch sử ra đời bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của tác giả Trần Thị Thuấn (cán bộ Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch) cũng cho biết:
Ngày 13/3/1991, Tedy Rusdy, Thống chế không quân Indonesia viết: “Chính từ nơi đơn sơ mộc mạc này đã sản sinh ra những ý tưởng quan trọng và lớn lao cho cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam, cũng như cho thế giới thứ ba thoát khỏi ách thống trị của đế quốc, thực dân”.
Ngày 23/3/1993, Sitaram Yeuchory, đoàn đại biểu đảng Cộng sản Ấn Độ viết: “Ở Ấn Độ, chúng tôi vẫn hằng nâng niu những kỷ niệm về Người, cũng như tình cảm dành cho nhân dân Việt Nam. Theo ý nguyện của Người, chúng tôi đang phấn đấu cho ý tưởng một thế giới đại đồng mà Người đã để lại trong bản Di chúc nổi tiếng của mình”.