Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ban Giám hiệu 2 lần bị khởi tố, có nên giải thể Trường ĐH Đông Đô?

Không chỉ bây giờ, từ năm 2001, Trường ĐH Đông Đô (lúc đó là Trường ĐH dân lập Đông Đô) đã vi phạm nghiêm trọng đến đến mức ban giám hiệu phải khởi tố.

Từ năm 2001, vi phạm đã xảy ra nghiêm trọng tại Trường ĐH Đông Đô (lúc đó là Trường ĐH Dân lập Đông Đô) khi gọi thí sinh nhập học vượt 2,8 lần so với chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT cho phép (chỉ tiêu tuyển sinh 1.400 nhưng gọi nhập học 4.000).

Qua thanh tra nhà trường, Bộ GD-ĐT phát hiện có nhiều sai phạm như chấm bài thi không thực hiện nghiêm túc. Sau khi chấm lại, hơn 1.600 sinh viên trúng tuyển hệ đại học phải chuyển từ hệ đại học xuống cao đẳng; Hơn 70 thí sinh khác phải buộc thôi học vì điểm thi đầu vào quá kém.

Năm 2002, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội thực hiện khởi tố Phạm Văn Chóng, trưởng phòng đào tạo; Ông Phan Văn Hạp, nguyên phó chủ tịch HĐQT và Ông Trần Văn Đắc, quyền hiệu trưởng.

Tháng 11/2003, TAND Hà Nội tuyên phạt 3 trường hợp trên mức án tù treo từ 24-30 tháng về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sau đó, ông Trần Văn Đắc và Phan Văn Hạp kháng cáo (trừ ông Phạm Văn Chóng). Tại phiên xử của TAND Tối cao (năm 2004) tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù treo với bị cáo Trần Văn Đắc và Phan Văn Hạp.

Trường ĐH Dân lập Đông Đô cũng bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh năm 2002-2003 và tới năm 2003-2004, Bộ mới đồng ý cho trường tuyển sinh trở lại với chỉ tiêu 500.

Ngày 30/7/2019 vừa qua, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang, nguyên là Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương là cán bộ Trường ĐH Đông Đô.

Dù không được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng Trường ĐH Đông Đô vẫn có phôi bằng để hợp thức hóa hàng nghìn văn bằng. Để hợp lý hóa hồ sơ, Trường ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1 đến 2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.

Như vậy trong vòng chưa đầy 20 năm, Trường ĐH Đông Đô đã hai lần sai phạm dẫn tới một số cá nhân bị khởi tố.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, cho hay Trường ĐH Đông Đô được thành lập hợp pháp. Những cá nhân như hiệu trưởng bị truy tố theo Điều 395, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, Khoản 1 Điều 395 quy định : “Người nào chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền một cách lơ là, chậm trễ, tùy tiện gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Như vậy, đây là khởi tố cá nhân và những cá nhân làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

Theo ông Hậu, dù hiệu trưởng và một số cán bộ bị khởi tố, nhưng quyền lợi của sinh viên và những người đã tốt nghiệp vẫn phải được đảm bảo vì có những người đi học thật, thi thật, đáp ứng những quy định về tuyển sinh, điều kiện đầu ra, quy trình tổ chức quản lý đào tạo, đúng với quy chế của Bộ GD-ĐT.

“Không thể đóng cửa Trường ĐH Đông Đô, vì đây là những cá nhân làm sai. Cụ thể là hiệu trưởng và người quản lý liên quan tới việc này. Việc khởi tố và bắt giam, cá nhân đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra và chờ kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền, Bộ GD-ĐT cần có phương án xử lý, mở rộng việc thanh tra kiểm tra việc cấp chứng chỉ, đặc biệt xem việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở một số cơ sở giáo dục đào tạo. Việc lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô bị bắt là do Bộ GD-ĐT không thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên – ông Hậu nói.

Ông Hậu cho rằng, Bộ GD-ĐT cần thanh tra toàn diện, đồng thời sắp xếp lại con người, thực hiện củng cố tổ chức Trường ĐH Đông Đô. Nếu ban lãnh của trường quá tệ, phải chấm dứt hoạt động nhưng phải tính tới phương án có những người không tiêu cực phải được đảm bảo quyền lợi.

Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho hay việc xảy ra ở Trường ĐH Đông Đô là lỗi cá nhân thì phải xử lý cá nhân. Tuy nhiên ông Tùng cũng cho rằng, Trường ĐH Đông Đô đã 2 lần vi phạm nghiêm trọng đến mức truy tố nên có thể xem xét khả năng giải thể.

Theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tại Điều 96 về Giải thể trường đại học, phân hiệu của trường đại học quy đinh, Trường đại học, phân hiệu của trường đại học bị giải thể trong những trường hợp:

Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý và tổ chức hoạt động của trường đại học, phân hiệu của trường đại học;

Hết thời hạn đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;

Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập trường đại học; phân hiệu của trường đại học;

Không thực hiện đúng cam kết thể hiện trong đề án được phê duyệt hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực.

Báo Thanh Niên ghi nhận ý kiến của ông Trần Bá Giao, nguyên Phó Chánh thanh tra, Bộ GD-ĐT cho hay: Khi còn công tác, ông cùng một số cán bộ của Thanh tra Bộ và Vụ Giáo dục ĐH đề nghị lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng cho giải thể Trường ĐH Đông Đô, vì những sai phạm có hệ thống. Cùng với đó là tính đến phương án cho sinh viên chuyển về các trường ngoài công lập khác ở Hà Nội để đảm bảo quyền lợivà nguyện vọng được học tiếp của các em. Qua nhiều lần thanh tra và kiểm tra đều cho thấy, trường không có khả năng đảm bảo các tiêu chí về tài chính, về cơ sở vật chất; nội bộ kiện cáo lẫn nhau nhiều lần; không đủ tỷ lệ giảng viên cơ hữu.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học cũng bày tỏ: "Lần trước, sai phạm xảy ra ở khâu tuyển sinh; đến lần này lại là gian lận về ngành đào tạo. Tôi thiết nghĩ, trường này không chỉ gian lận về ngành đào tạo mà có thể còn gian lận cả quy trình tổ chức đào tạo. Cho nên, trước những sai phạm này, tôi nghĩ Trường ĐH Đông Đô xứng đáng bị giải tán".

Không công khai minh bạch nên mới lừa được xã hội...

Trước cơ chế tự chủ trong bối cảnh năng lực giám sát của cơ quan quản lý có bất cập, để ngăn ngừa chuyện “trường đại học trở thành công xưởng bán bằng”, TS.Lê Viết Khuyến cho rằng, chỉ nên trao quyền tự chủ cho những trường thể hiện được là mình xứng đáng. Bên cạnh đó, mức độ tự chủ của các trường cũng phải khác nhau như tự chủ về tổ chức nhân sự, tự chủ về mặt học thuật, tự chủ về tài chính.

Theo ông Khuyến, đây cũng là xu hướng chung của các trường trên thế giới. Không phải trường nào cũng được tự chủ hoàn toàn. Có những trường vẫn phải chịu sự giám sát của nhà nước.

"Khi anh thể hiện được năng lực của mình, anh có đủ tiêu chuẩn thì khi ấy mới được trao quyền".

Bên cạnh đó, tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm giải trình. Muốn được trao quyền tự chủ cần phải công khai minh bạch.

"Chuyện của Trường ĐH Đông Đô rõ ràng không công khai minh bạch nên mới lừa được xã hội".

Một điểm khác nữa, trao quyền tự chủ không phải trao quyền cho hiệu trưởng muốn làm gì cũng được mà phải trao cho tập thể lãnh đạo là hội đồng trường.

"Tôi thật chưa yên lòng với quy định về thành phần hội đồng trường hiện nay, nhất là đối với trường tư. Trong hội đồng trường toàn là các nhà đầu tư. Cho nên vì lợi ích họ có thể gian lận hoặc thông đồng với hiệu trưởng làm chuyện gian lận.

Như tôi biết ở nhiều nước, dù là trường tư nhưng thành phần hội đồng trường có tỉ lệ rất cao là những nhân vật ưu tú của xã hội được đưa vào. Họ không gắn với đồng tiền phụ cấp nào của trường và coi đây là vinh dự được công đồng giới thiệu vào để giám sát hoạt động của trường đó. Có như vậy mọi thứ mới minh bạch, vì lợi ích chung".