Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội: Cần có các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em
- 19:28 22-08-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 22/8, Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” do đồng chí Lê Thị Nga – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Trưởng đoàn có cuộc làm việc với UBND tỉnh Nghệ An.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Thái Thanh Quý – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Thanh Lê |
Các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng nguy hiểm
Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của UBND tỉnh khẳng định: Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt các vụ việc xảy ra trên địa bàn, đã sớm bắt tay vào cuộc.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có sự phối hợp chặt chẽ để điều tra truy tố và đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, tình hình tội phạm xâm phạm trẻ em trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp nổi lên các hành vi như: giao cấu với trẻ em, mua bán trẻ em; bạo lực học đường vẫn còn diễn ra trong một số trường học.
Đồng chí Lê Thị Nga phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Đặc biệt, những năm gần đây, phát hiện thủ đoạn mới: các đối tượng tìm đến những gia đình có phụ nữ đang có thai sắp sinh ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ, đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán lại cho người Trung Quốc.
Các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng nguy hiểm, có những trường hợp trẻ em bị xâm hại tuổi còn quá nhỏ. Hành vi kẻ phạm tội mang tính tàn nhẫn, thiếu nhân tính. Đối tượng vi phạm gồm cả thầy giáo, thậm chí có cả những đối tượng là người thân trong gia đình nạn nhân. Hậu quả mà kẻ phạm tội gây ra cho trẻ em, gia đình và xã hội là rất lớn.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Ảnh: Thanh Lê |
Thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị tỉnh Nghệ An trao đổi làm rõ một số nội dung: Khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra truy tố xét xử các vụ xâm hại tình dục trẻ em; bất cập vướng mắc trong giám định pháp y; đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em.
Đoàn cũng đề nghị tỉnh làm rõ: Nguồn lực đầu tư các dịch vụ phòng, chống xâm hại cho trẻ em; ngân sách hỗ trợ can thiệp cho trẻ em bị xâm hại; biện pháp hỗ trợ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nguồn lực bố trí, cán bộ làm công tác trẻ em; vai trò của đoàn thanh niên, phụ nữ trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phòng chống bạo lực gia đình; biện pháp tuyên truyền ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2015 - tháng 6/2019, toàn tỉnh có 113 trẻ em bị xâm hại. Tòa án hai cấp tỉnh Nghệ An đã thụ lý sơ thẩm 113 vụ/143 bị cáo, giải quyết xét xử 109 vụ/136 bị cáo về các vụ án xâm hại trẻ em. |
Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Trong những năm qua tỉnh Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực công tác trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng. Đồng thời đã lồng ghép các mục tiêu về trẻ em vào Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh.
Giai đoạn 2015 - 6/2019 đã ban hành được 71 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác trẻ em nói chung, trong đó có 28 văn bản về phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Tuy nhiên là tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, nhiều vùng miền, trình độ dân trí không đồng đều, bên cạnh đó mặt trái của nền kinh tế thị trường có những tác động không nhỏ tới đời sống người dân... bởi vậy tình trạng xâm hại trẻ em vẫn còn diễn ra đặc biệt ở địa bàn miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên tinh thần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của thành viên đoàn giám sát của Quốc hội, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp ngành, khắc phục những khó khăn để quan tâm thực hiện tốt hơn nữa trong thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh thông tin về các vụ việc xâm hại trẻ em trên địa bàn. Ảnh: Thanh Lê |
Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Lê Thị Nga ghi nhận, đánh giá cao công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em của tỉnh Nghệ An.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý, thời gian tới, tỉnh quan tâm ban hành văn bản; có hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng phổ biến pháp luật và kỹ năng về chăm sóc và bảo vệ trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn lành mạnh; can thiệp hỗ trợ trẻ bị xâm hại kịp thời.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cần tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện vụ việc. Tỉnh nên có các cuộc thanh tra chuyên đề về xâm hại trẻ em; tăng cường phối hợp các cấp, các ngành, quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em,…
Đặc biệt, tỉnh cần căn cứ dự báo tình hình đưa ra các giải pháp phòng ngừa sát thực với địa phương nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, đoàn giám sát của Quốc hội tiếp thu, tổng hợp báo cáo với kiến nghị các bộ, ban, ngành liên quan kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn và các luật liên quan.