Biến động mới, ông lớn số 1 Việt Nam chấp nhận bước lùi 7 ngàn tỷ
- 15:11 22-08-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP, Vietnam Airlines (HVN) vừa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2019 đã được đại hội cổ đông thường niên 2019 của doanh nghiệp này thông qua cách đây vài tháng.
Theo đó, ông lớn hàng không Vietnam Airlines đã quyết định giảm kế hoạch doanh thu hợp nhất 2019 hơn 7,1 ngàn tỷ đồng, về mức hơn 104 ngàn tỷ đồng. Vietnam Airlines điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm giảm trong bối cảnh doanh thu 6 tháng đầu năm vẫn tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về lợi nhuận, hãng chưa đề cập nhưng trong 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế giảm 5,3% so với cùng kỳ và chỉ đạt 47,5% chi tiêu đề ra cho cả năm. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh theo chênh lệch tỷ giá theo các qui định hiện hành, HVN có thể ghi nhận lợi nhuận tăng thêm.
Vietnam Airlines giảm kế hoạch doanh thu 2019. |
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2019, Vietnam Airlines đã đưa ra kế hoạch tăng quy mô đội tàu bay đến năm 2025 dự kiến đạt 135-177 chiếc. Theo Bloomberg, Vietnam Airlines đang xin phép chính phủ mua 100 tàu bay, trong đó xem xét các dòng máy bay A320 của Airbus và B737 Max của Boeing để đặt hàng chắc chắn mua 50 chiếc và quyền chọn (option) mua 50 chiếc khác.
Tuy nhiên, vấn đề gần đây trở nên rất phức tạp sau khi dòng Boeing 737 Max bị cấm bay trên toàn cầu do hai vụ tai nạn thảm khốc tại Indonesia và Etiopia. Vietnam Airlines có thể sẽ phải thuê tạm một số tàu bay trong thời gian đầu do các nhà sản xuất đang gặp quá tải với số đơn hàng cao kỷ lục.
Thị trường hàng không Việt Nam gần đây phát triển bùng nổ với sự xuất hiện thêm nhiều hãng hàng không tham gia vào thị trường cũng như xếp hàng đợi được cấp phép. Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng ấn tượng và có tiềm năng hàng đầu khu vực, nhưng cũng đã bắt đầu có dấu hiệu bão hòa.
Cạnh tranh trên thị trường hàng không lớn dần. |
Vinpearl Air của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng vừa được Cục Hàng không đánh giá đủ điều kiện thành lập hãng hàng không. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý Vinpearl Air về quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường và khuyến nghị Vinpearl Air nên duy trì quy mô 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.
Thị trường hàng không Việt Nam bắt đầu thay đổi lớn sau khi có sự xuất hiện của VietJet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Chỉ sau vài năm, hãng hàng không này đã vượt mặt ông lớn VietNam Airlines chiếm thị phần vận chuyển hành khách lớn nhất. Thị trường càng trở nên sôi động hơn sau khi Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết xuất hiện hồi đầu năm nay.
Sở dĩ nhiều người trong ngành lo ngại thị trường hàng không có thể sớm bão hòa bởi nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại và có thể rơi vào suy thoái nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tăng lên, bất đồng giữa các nước lớn về hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc.
Tỷ phú giàu nhất Việt Nam cũng nhảy vào lĩnh vực hàng không. |
Sự xuất hiện của nhiều hãng hàng không mới khiến "ông lớn" Nhà nước VietNam Airlines gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, VietNam Airlines cũng có lợi thế của người đi trước và có lợi thế độc quyền tự nhiên với khối lượng tài sản khấu hao đã lâu và chi phí trung bình giảm. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là các hãng hàng không mới không có cơ hội. Vốn dài, tiềm lực tài chính mạnh và công nghệ quản trị mới tốt hơn,... sẽ giúp các doanh nghiệp đi sau.
Thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 22/8, tiếp tục diễn biến tích cực với nhiều cổ phiếu bluechips tăng giá mạnh. Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 1.200 đồng lên 123.600 đồng/cp ngay khi mở cửa và sắp lấy lại ngưỡng kỷ lục mọi thời đại vừa lập gần đây.
Bảo Việt (BVH) cũng tăng mạnh, còn lại đa số cổ phiếu lớn khác tăng nhẹ.
VN-Index đang hướng tới ngưỡng 1.000 điểm.
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Theo MBS, hôm 21/8, thị trường tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp nhờ hoạt động đổi trụ thành công với việc trở lại của nhóm cổ phiếu trụ như Vingroup, ngân hàng, dầu khí,... Đây cũng là chuỗi tăng dài nhất kể từ đầu tháng 5 là giai đoạn mà thị trường chỉ đạt mức cao nhất 992,84 điểm. Lúc này, các yếu tố trong và ngoài nước cũng đang hỗ trợ xu hướng tăng điểm của thị trường, việc thanh khoản gia tăng cùng mạch bán ròng của khối ngoại có dấu hiệu chấm dứt sẽ là lực đẩy giúp thị trường chinh phục ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm trong các phiên tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/8, VN-Index tăng 9,71 điểm lên 994,38 điểm; HNX-Index tăng 0,04 điểm lên 103,01 điểm và Upcom-Index tăng 0,12 điểm lên 57,842 điểm. Thanh khoản đạt 240 triệu đơn vị, trị giá 5,7 ngàn tỷ đồng.