Hàng trăm văn bằng "chui" được cấp trót lọt ở Đại học Đông Đô: Lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 15:08 20-08-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ GDĐT cho biết, về việc đào tạo văn bằng tốt nghiệp đại học thứ hai (văn bằng 2), trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định, việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ, ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ về việc cho phép đào tạo văn bằng 2.
Liên quan đến việc trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2, Bộ GDĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của Trường nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng 2.
Từ năm 2016-2018, trường ĐH Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016-2018 gửi về Vụ Giáo dục Đại học của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2. Do Trường không gửi hồ sơ xin phép đào tạo văn bằng 2 nên Bộ GDĐT cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).
Một Bằng cử nhân Ngôn ngữ tiếng Anh do trường ĐH Đông Đô đào tạo 'chui' (ảnh baomoi) |
Về việc quản lý và giám sát phôi bằng, tại Khoản 2 Điều 38 Luật Giáo dục Đại học 2012 quy định cơ sở giáo dục đại học in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học. Như vậy, theo Luật này, Bộ không quản lý phôi bằng đại học mà giao trách nhiệm cho các trường đại học tự quản lý và tổ chức in phôi bằng đại học của mình.
Tại Khoản 1, Điều 15 Thông tư số 19/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015 quy định: Cơ sở giáo dục đại học tự chủ in phôi văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (trừ chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh), chịu trách nhiệm quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Như vậy, theo quy định, Bộ trưởng GDĐT ban hành mẫu văn bằng, chứng chỉ cụ thể của từng cấp học, trình độ đào tạo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở đó, các trường đại học cập nhật thông tin của trường mình vào mẫu văn bằng, chứng chỉ và tổ chức in phôi.
Bộ GDĐT cũng cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra văn bằng 2 được thực hiện trong chương trình kế hoạch chung về thanh tra, kiểm tra. Triển khai kế hoạch thanh tra 2018, Bộ đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của trường ĐH Đông Đô (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19/9/2018). Tuy nhiên, Trường đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, với lý do là vào thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong.
Ngày 28/5/2019, Bộ GDĐT cũng đã ban hành Công văn số 2297/BGDĐT-GDĐH, gửi các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo giáo viên, yêu cầu việc rà soát đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2 của các cơ sở đào tạo.
Trước đó, ngày 30/7/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với 04 bị can trường ĐH Đông Đô, trong đó có Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô Dương Văn Hòa.
Theo cáo buộc, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, trường ĐH Đông Đô đã cấp 600-700 văn bằng giả đào tạo trong thời gian ngắn (2-3 tuần hoặc 2-3 tháng) với mức phí từ 28-35 triệu đồng mỗi văn bằng, thu lợi hàng tỷ đồng./.
Vụ kiện Thần đồng đất Việt: 'Nếu đồng tác giả sẽ chấn động thế giới'