Chồng làm lật đoàn tàu để sát hại vợ
- 11:04 17-08-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hành vi phá hoại xảy ra từ tháng 10/2004 đến tháng 3/2006. Trong một số vụ, kẻ gian dùng sơn xịt viết bên cạnh đường ray dòng chữ "Trộm đồ cho công ty Kiện Đạt Hưng". Tuy nhiên, cảnh sát không phát hiện bằng chứng buộc tội người của công ty này, ý đồ vu oan đánh lạc hướng của thủ phạm được cho là quá rõ ràng.
Cảnh sát nhận định phá hoại đường ray không phải việc đơn giản, trừ khi là người trong ngành đường sắt, còn người bình thường khó có thể làm được. Vì vậy, cảnh sát điều tra về các nhân viên đường sắt bất mãn, đồng thời thu thập bút tích của toàn bộ các nhân viên trên tuyến đường này nhưng không tìm được nghi phạm.
Trong lúc cuộc điều tra không có kết quả, tối 17/3/2006 vụ phá hoại thứ tám xảy ra khiến các toa thứ tám, chín, mười của đoàn tàu R104 bị lật khỏi đường ray, văng xuống dưới dốc. Toa thứ bảy và toa thứ sáu cũng bị lật ngang.
Đoàn tàu bị lật khỏi đường ray vào ngày 17/3/2006. |
Vụ phá hoại lần này gây ra cái chết của một phụ nữ và làm bị thương nhiều người khác. Lý Song Toàn, chồng của nạn nhân tử vong, cũng ở trên tàu nhưng may mắn thoát nạn. Hai người kết hôn chưa được hai năm.
Cảnh sát được biết sau khi đoàn tàu bị lật, Toàn và anh trai là Lý Thái An cùng đi chuyến tàu này đỡ vợ từ trong toa xe ra. Bệnh viện kết luận cô này không bị gãy xương hay chảy máu, chỉ có các triệu chứng tim đập nhanh, mê man, cần nằm viện theo dõi. Nhưng chỉ hai tiếng sau vụ tai nạn, vào lúc 0h50, vợ Toàn đột nhiên hôn mê và tử vong.
Bốn ngày sau, có người tố cáo với cảnh sát rằng vợ Toàn có hợp đồng bảo hiểm rất lớn. Toàn cũng từng nhận được khoản tiền bảo hiểm khá lớn khi vợ trước chết vì bị rắn độc cắn. Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện hơn một năm trước, vợ chồng Toàn cũng ở trên một đoàn tàu bị nạn do đường ray bị phá hoại, nhưng khi đó không có thương vong.
Nghi ngờ, cảnh sát mở cuộc điều tra, dự định khám nghiệm tử thi vào ngày 23/3. Nhưng sáng hôm ấy, lực lượng chức năng nhận được tin Toàn tự tử tại nhà. Dù nghi phạm quan trọng đã chết, cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra.
Cảnh sát phát hiện, Toàn đã mua bảo hiểm cho vợ với giá trị 71 triệu Đài tệ. Hơn nữa Toàn từng làm thợ rèn, thợ sắt, có khả năng phá hoại đường ray. Lời khai của người tố cáo cũng có căn cứ.
Người tố cáo là nhân viên đường sắt tên Hoàng Phúc Lai, bạn thân của Toàn. Khi biết cảnh sát bắt đầu điều tra vụ việc, Lai đến tự thú và khai nhận mình cùng Toàn đã xịt chữ lên đường ray. Theo Lai, Toàn đã lên kế hoạch giết vợ lấy tiền bảo hiểm từ trước khi cưới, từng rủ rê và hứa hẹn sẽ chia cho mình 10 triệu Đài tệ.
Theo kế hoạch, Lai là người phá đường ray, Toàn cho vợ uống thuốc an thần ngủ say, sau khi tàu lật sẽ nhân cơ hội tiêm nọc rắn. Nhưng tới ngày hẹn, Lai đột nhiên cảm thấy sợ hãi nên rút lui.
Lai kể sau đó, Toàn thuyết phục được anh ruột là Lý Thái An tới hỗ trợ phá hoại đường ray. Một ngày trước vụ án, Toàn còn nhờ Lai chở An đến địa điểm gây án nhưng Lai từ chối.
Tổng hợp lời khai của Lai, kết quả khám nghiệm pháp y và lời khai của hành khách trên tàu, cảnh sát được biết Toàn định tiêm thuốc độc cho vợ nhưng bị phát hiện nên dừng lại. Ngườ vợ và Toàn vốn ngồi toa thứ hai không bị lật. Hắn định dìu vợ vào toa thứ bảy nhưng không được, chỉ có thể vờ làm hành khách toa thứ sáu.
Cảnh sát đặt giả thuyết sau khi vợ được đưa tới bệnh viện, Toàn đi theo nhưng không tìm được cơ hội. Khoảng 0h40, có quan chức đến thăm các nạn nhân vụ tai nạn, nhân cơ hội mọi người tiễn vị này ra về, Toàn tiêm thuốc vào ống truyền dịch cho vợ.
Toàn (trái) và vợ. |
Việc xét xử diễn ra không thuận lợi. Các vấn đề liên quan cơ bản được làm rõ, nhưng Toàn đã tự tử. Bên công tố cũng không có bất cứ bằng chứng nào để buộc tội An. Bằng chứng duy nhất chỉ là lời khai của Hoàng Phúc Lai về việc Toàn nói sẽ nhờ An phá đường ray.
Luật sư biện hộ cho rằng lời khai của Lai là "bằng chứng nghe đồn", là lời kể của người thứ ba về lời nói của nghi phạm, không thể dùng làm bằng chứng buộc tội An. Tuy nhiên, tòa án địa phương huyện Bình Đông vẫn tuyên phạt An án tù chung thân, tước quyền lợi chính trị suốt đời.
Xử lý đơn kháng cáo của An, tòa án cấp cao thành phố Cao Hùng cho rằng bằng chứng nghe đồn vẫn có giá trị buộc tội. Hơn nữa, tòa án cũng có thể áp dụng các quy định ngoại lệ để tìm được chân tướng. Dù vậy, tòa giảm mức án chung thân xuống còn 18 năm tù.
Không đồng ý, An tiếp tục kháng án lên tòa tối cao. Thẩm phán tòa tối cao không đề cập đến vấn đề đây có phải bằng chứng nghe đồn hay không, mà cho rằng quy trình kiểm tra nói dối của Lai có vấn đề nên hủy phán quyết của tòa án cấp cao, yêu cầu điều tra xét xử lại.
Sau 10 năm xét xử và nhiều lần hủy phán quyết, cuối cùng tòa án tối cao cũng chấp nhận kết quả phán quyết của tòa án cấp cao thành phố Cao Hùng, An phải chịu mức án 13 năm tù vào năm 2016.