Vị Giám đốc với thói quen... nhặt rác
- 13:42 16-08-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Nói về thói quen “kỳ cục” của mình, anh Trung cho biết, việc làm của anh bắt nguồn từ cảm hứng đối với cái đẹp hoang sơ của Sơn Trà. Trước đây, mỗi thời gian làm việc căng thẳng, anh đều chạy xe lên đây để hòa mình và tận hưởng thiên nhiên. Tuy nhiên, càng ngày anh càng nhận ra Sơn Trà đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải du khách “bỏ quên” mỗi khi lên đây tham quan, du lịch khiến cảnh quan trở nên nhếch nhác, mất đi vẻ đẹp ban đầu, nên anh quyết định dành thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để dạo quanh… nhặt rác.
Không chỉ nhặt rác ở rừng Sơn Trà, anh Đào Đặng Công Trung còn nhặt rác dưới đáy biển. Tuần nào anh cũng dành 1 tiếng để lặn dưới biển vớt rác. “Nhặt rác ở dưới nước khó khăn gấp nhiều lần ở trên bờ, phải lặn xuống độ sâu từ 3 - 12 mét dưới đáy biển khá nguy hiểm và đòi hỏi kỹ năng bơi lặn. Không những thế, dưới đáy biển cũng có nhiều sinh vật có độc, nếu thiếu kinh nghiệm sẽ bị trúng độc và bất tỉnh. Trong quá trình lặn và vớt rác, tôi cũng nhiều lần bị trầy xước cơ thể do bị sóng dập chân va rạn đá ngầm”, anh Trung thổ lộ.
Những loại rác anh Trung vớt, nhặt chủ yếu là bao li lông, chai nhựa, lon bia… Mỗi lần anh gom được khoảng 20 - 30kg rác, có hôm đến 50kg, anh lại tỉ mẩn lựa ra… bán ve chai để dành tiền đó quyên góp cho các hội, nhóm từ thiện. Theo định kỳ, ba lần mỗi tuần sáng tầm 6 giờ 30 đến 8 giờ, chiều tầm 17 giờ 30 đến 18 giờ 30, anh Trung phân chia từng khu vực để nhặt rác.
“Tiếng lành đồn xa”, nhiều bạn trẻ thông qua mạng xã hội đã biết đến công việc của anh Trung nên nhiều nhóm tình nguyện lên để thu gom rác thải, chung tay làm sạch Sơn Trà. Hiện nay, anh Trung đã đưa thói quen này của mình trở thành một hoạt động trong các tour của công ty Danang Ocean Tour. Trong mỗi tour, anh Trung đều trang bị dụng cụ lặn, vợt vớt rác và giỏ đựng cho du khách và dành ra 15 phút để du khách thu gom rác bị vứt bừa bãi tại điểm đến. Ngoài ra, công ty của anh còn tiến hành đổi những chiếc túi ni lông mà du khách mang theo sang túi cói để ngăn chặn những chiếc túi ni lông ấy sẽ vô tình bị vứt lại biển đảo, gây ô nhiễm môi trường.