Sớm xử lý dứt điểm tàu thuyền neo đậu trái phép tại cảng Cửa Lò
- 14:10 09-08-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các tàu cá của ngư dân tránh bão ở cảng cá Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN |
Việc làm này đã ảnh hưởng xấu tới an ninh, an toàn hàng hải, nguy cơ làm mất thương hiệu và khả năng thu hút đầu tư phát triển cảng biển truyền thống lớn nhất Nghệ An.
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu tháng 8/2019, tại cầu cảng các bến số 3, 4 và 5 của Cảng Cửa Lò, có hàng chục tàu cá công suất từ 350 CV đến 800 CV neo đậu trái phép, chiếm dụng những bến nước sâu thường là nơi neo đậu bốc dỡ hàng hóa của các tàu nước ngoài.
Trên luồng tàu ra vào cảng, hàng chục tàu thuyền khác neo đậu khiến các tàu hàng ra vào gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh, các tàu thuyền của ngư dân neo đậu trái phép tại đây còn thường xuyên sử dụng mặt cầu cảng làm nơi để sửa chữa ngư cụ, phơi lưới, bốc xếp hải sản, tiếp nhận hậu cần cho những chuyến ra khơi tiếp theo.
Cảng Cửa Lò là cảng quốc tế tổng hợp đầu mối quốc gia loại 1, phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu cho các tỉnh trong khu vực, nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Hàng năm, cảng Cửa Lò tiếp nhận hàng nghìn lượt tàu biển nội địa và quốc tế vào xếp dỡ hàng với sản lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 3 – 4 triệu tấn.
Tình trạng tàu cá của ngư dân ra vào tự do, neo đậu, chiếm dụng trái phép cầu cảng Cửa Lò đã diễn ra gần chục năm nay và có chiều hướng diễn biến ngày càng một phức tạp. Việc làm này đã gây mất an ninh trật tự, an toàn hàng hải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của cảng, của doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng và sự phát triển của tỉnh Nghệ An. Đồng thời, làm xấu đi hình ảnh cảng Cửa Lò trong mắt chủ tàu, chủ hàng bạn bè quốc tế.
Các chủ tàu thuyền neo đậu tại cảng Cửa Lò cho biết, vẫn biết việc neo đậu tàu thuyền tại các bến và luồng ra vào cảng Cửa Lò là trái quy định, song do không có bến neo đậu nên đành phải neo đậu tại đây. Việc neo đậu của các tàu thuyền cũng chỉ thường khoảng từ 5 – 7 giờ sau khi vận chuyển hải sản lên bờ để tiêu thụ và tiếp nhận xăng, nước, thức ăn… cho chuyến ra khơi tiếp theo. Khi có thông báo tàu hàng sắp ra vào cảng, các chủ tàu cá sẽ khẩn trương di chuyển tàu cá ra khỏi khu vực cầu cảng để nhường vị trí cho tàu hàng.
Ông Võ Văn Lý, Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò cho biết, trên thực tế, thị xã Cửa Lò đã xây dựng dự án cảng (bến) cá ở giữa phường Nghi Thủy và Nghi Tân để di chuyển số tàu cá thường xuyên neo đậu trái phép ở cảng Cửa Lò. Song, quá trình xây dựng do không kịp thời điều chỉnh thiết kế nên cầu bắc qua bến 1,2 và 3,4 của cảng Cửa Lò để vào bến cá xây thấp, khiến tàu xa bờ không thể chui qua để vào bến cá được. Bên cạnh đó, luồng vào cũng như khu neo đậu cảng cá này bị cạn so với mớm nước. Điều này dẫn tới số tàu đánh cá xa bờ công suất lớn từ 350CV đến 800CV không thể vào neo đậu.
Do đó, các tàu xa bờ của địa phương phải neo đậu ở luồng ra vào của cảng Cửa Lò để vận chuyển hải sản xuống tàu trung chuyển rồi đưa về bến cá tiêu thụ, làm tốn kém chi phí hơn. Bên cạnh đó, các tàu xa bờ cũng không có chỗ neo đậu nên đành phải chiếm dụng, neo đậu tạm thời tại cảng. Các ngư dân địa phương rất mong muốn thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An bố trí xây dựng nơi neo đậu tàu thuyền mới một cách hợp lý.
Ông Yên Văn Phúc, Phó Giám đốc Xí nghiệp xếp dỡ Cửa Lò thuộc Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh, cho biết, tình trạng tàu thuyền neo đậu trái phép, chiếm dụng cầu cảng, luồng ra vào đã được các cấp chính quyền, lực lượng chức năng hỗ trợ giải phóng, cảng Cửa Lò cũng đã có công văn kiến nghị lên UBND tỉnh Nghệ An, song vẫn chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng này.
Hiện nay, số lượng, tần suất mức độ tàu thuyền ra vào cảng đang ngày một gia tăng. Nhiều tàu nước ngoài rất ái ngại khi vào bốc dỡ hàng tại cảng phải nằm chờ, neo ngoài vùng nước để chờ giải phóng tàu cá trong cảng mới có chỗ để vào. Tình trạng này làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại cảng Cửa Lò.
Nhằm giải quyết tình trạng này, thị xã Cửa Lò đã xây dựng và thực hiện dự án "Xây dựng kè chống sạt lở bờ hữu sông Nam Cấm và nơi neo đậu tàu thuyền phòng tránh thiên tai phường Nghi Tân, giai đoạn 2" được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2016 với tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn đang còn dang dở do thiếu nguồn vốn; trong đó, có hạng mục xây dựng cầu tàu dài khoảng 120 m, rộng 7 m đảm bảo nơi neo đậu cho tàu thuyền và vận chuyển hải sản cho ngư dân.
Tỉnh Nghệ An cùng các lực lượng chức năng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng tàu thuyền chiếm dụng, neo đậu trái phép tại cảng Cửa Lò. Về phương án lâu dài, tỉnh Nghệ An cũng cần ưu tiên nguồn vốn, sớm hoàn thành khu neo đậu tàu cá ở phường Nghi Tân để giải quyết nguyện vọng chính đáng của các ngư dân.