Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học sinh bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vong: Bộ trưởng Nhạ đã nghe chưa?

Việc trường Gateway tự gắn mác “quốc tế” có thể được xem là lỗ hổng trong quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo và cả sự chưa sâu sát của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các cấp quản lý. Vậy Bộ trưởng sẽ nói gì về trách nhiệm buông lỏng này trước Chính phủ, người dân, phụ huynh cả nước?

Chưa thấy người đứng đầu ngành chia sẻ thương đau với gia đình học sinh

Ngày 6/8, bé L.H.L – học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên ô tô đưa đón từ nhà đến trường nhiều giờ.

Vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội suốt mấy ngày qua, nhất là trong thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới 2019 - 2020.
Trước vụ việc đau lòng trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, không để tái diễn sự việc tương tự và hướng dẫn, quy định cụ thể dịch vụ đưa đón học sinh, bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu.

 Đến thời điểm này, chưa thấy người đứng đầu ngành chia sẻ thương đau với gia đình học sinh.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận ngạc nhiên khi đến thời điểm chiều 8/8, vẫn chưa thấy thông tin chỉ đạo từ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng như chưa thấy người đứng đầu ngành giáo dục có những hành động chia sẻ sự mất mát đau thương với gia đình cháu bé.

Trong vụ việc trên, hành động duy nhất của Bộ GD&ĐT cho đến thời điểm này là có công văn gửi Sở GD&ĐT Hà Nội để chỉ đạo dù Bộ này nhận định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Thay vì người đứng đầu ngành thăm hỏi, động viên chia sẻ với gia đình cháu bé, Bộ GD&ĐT cũng giao Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai việc này.

Vụ việc bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra về nguyên nhân dẫn đến bé tử vong. Nhưng những thông tin ban đầu về vụ việc khiến hàng triệu người đau đớn, xót xa.

Bởi chỉ cần là người dân bình thường khi tiếp nhận thông tin diễn biến vụ việc đau lòng đến vậy ai cũng phải lặng người đau đớn. Một cháu bé ngày thứ 2 đến trường (do ngủ quên hay nguyên nhân gì khác) đã phải trải qua 9 giờ đồng hồ bị giam cầm trong xe đến mất mạng do sự tắc trách của những nhân sự trường Gateway - chỉ đó thôi cũng khiến nhiều người phải rơi nước mắt. Nhiều người xa lạ khi biết tin đã đến bệnh viện, đến gia đình chia sẻ động viên trước mất mát lớn lao và đau đớn với những người thân cháu bé.

Nhưng đến thời điểm này, khi cháu bé đã chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng để lại nỗi đau khó có thể nguôi ngoai cho những người thân, để lại sự lo lắng của nhiều phụ huynh trước vấn đề an toàn trường học thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chưa có một lời chia sẻ, động viên với gia đình cháu bé – nạn nhân trong ngành giáo dục mà ông quản lý đã phải mất mạng một cách đầy oan khuất.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có phải chịu trách nhiệm về việc trên?

Hơn nữa, theo diễn biến vụ việc, cháu bé mất đi do sự tắc trách, cẩu thả của giáo viên đưa đón khi quên điểm danh, người lái xe quên kiểm tra còn Ban giám hiệu nhà trường thì vô cảm.

Những sự tắc trách, vô cảm thật đáng sợ ấy lại xảy ra tại một ngôi trường mang danh quốc tế với mức học phí cao ngất ngưởng.

Dù sau khi xảy ra sự việc, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy mới cho biết, trong giấy phép thành lập trường Tiểu học quốc tế Gateway không có chữ “quốc tế” mà tên trường trong quyết định thành lập chỉ đơn giản là Trường Tiểu học Gateway.

Vì sao trường Gateway lại tự gắn mác quốc tế? Dù để quảng bá, thu hút học sinh, hay để thu mức học phí cao hơn cũng là hành vi lừa dối hàng trăm phụ huynh có con theo học tại trường.

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Zing.vn

Tất nhiên, việc trường Gateway tự gắn mác “quốc tế” có thể được xem là lỗ hổng trong quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo và cả sự chưa sâu sát của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các cấp quản lý.

Vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nha sẽ nói gì về trách nhiệm buông lỏng này trước Chính phủ, người dân cả nước và nhất là với các bậc phụ huynh học sinh? Bộ trưởng từng nói “niềm tin của xã hội là nguồn lực của giáo dục”, làm thế nào Bộ trưởng lấy lại được niềm tin của xã hội khi hàng loạt vụ việc xảy ra trong ngành giáo dục mà Bộ trưởng luôn im lặng?