Mẹ làm ruộng, bố phụ hồ nuôi 3 con 'siêu giỏi' ở quê nghèo Thanh Chương
- 11:04 08-08-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vừa đến đầu xóm 1B, xã Thanh Phong hỏi nhà Hưng, người dân địa phương đã nói ngay “tìm nhà thằng Hưng học giỏi phải không”, qua những lời kể chóng vánh trên đường của bà con láng giềng, chúng tôi đã cảm thấy khâm phục và tự hào thay cho em, cho một gia đình nông dân hiếu học, học giỏi.
Trong kỳ thi THPT vừa qua, Hưng có điểm xét tuyển khối A 27,85, trong đó Toán 9,6; Vật lý 9,2; Hóa học 9. Với số điểm này, Hưng trở thành học sinh có số điểm xét tuyển khối A cao nhất Trường THPT Thanh Chương 1 và cao nhất huyện Thanh Chương.
Thủ khoa Nguyễn Văn Hưng. |
Theo Hưng đề thi những môn khối A năm nay không quá khó và Vật lý là môn “xương nhất”. Lúc đang đi học, môn sở trường của Hưng là Vật lý - môn “ruột” gắn liền với em qua nhiều kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Tuy nhiên, điểm Vật lý trong kỳ thi vừa rồi của Hưng lại thấp hơn môn Toán, lý do là “em đã làm sai những câu dễ”.
Hưng kể, ngay sau buổi thi, đã không còn kỳ vọng vào điểm Lý, nên em không bất ngờ khi biết kết quả. Từ kinh nghiệm của bản thân, nam sinh thủ khoa trường huyện muốn nhắn nhủ đến các bạn thi sau là “Đọc kỹ đề và đừng sai câu dễ”.
“Em cũng học bình thường rứa thôi, khi đi học thì chăm chú theo dõi thầy, cô dạy, về nhà thì tích cực làm bài tập. Không như nhiều “cao thủ” khác hay lên mạng tìm hiểu, để nâng cao kiến thức, sưu tầm đề mới, để luyện cách làm bài, em lại thức khuya, dậy sớm, siêng “cày” sách nâng cao và tăng cường học nhóm, trao đổi với bạn bè". Nguyễn Văn Hưng chia sẻ về phương pháp để học tốt các môn khối A và thi được điểm cao. |
Em Nguyễn Văn Hưng và mẹ. |
Biệt danh “thủ khoa trường huyện hai không” bắt nguồn từ việc Hưng không dùng điện thoại cá nhân và không chơi mạng xã hội. “Lý giải” về những việc này, Hưng cho biết “Nhà em điều kiện khó khăn nên bố mẹ không cho mua điện thoại, em cũng không dùng Facebook, không có thói quen lên mạng học tập, nên em không quan tâm lắm”. Hưng cũng thừa nhận một trong những mặt trái của việc không dùng điện thoại và mạng xã hội là “khi cần, người khác khó liên lạc được với em”.
Hưng là con út trong gia đình nông dân có 3 chị em. Bố mẹ Hưng ngoài làm ruộng, chăn nuôi, còn làm thêm nghề thợ xây. Điều mà bà con trong làng, trong xã, ai cũng nể phục nhà Hưng là tuy điều kiện gia đình khó khăn, nhưng cả 3 chị em Hưng đều chăm ngoan, học giỏi, là gia đình hiếu học có tiếng trong vùng. Chị đầu của Hưng là Nguyễn Thị Hằng đang học năm thứ 8 của Đại học Y Hà Nội (Bác sĩ nội trú), chị thứ 2 Nguyễn Thị Hải vừa tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an nhân dân.
Ngoài việc học tập, Hưng còn chăm chỉ làm việc giúp gia đình. |
Riêng Hưng từ năm học lớp 1 đến lớp 12 đều đạt học sinh giỏi toàn diện. Suốt những năm học phổ thông Hưng đã tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi các cấp 2 môn Toán, Vật lý.
Hưng từng đạt một số thành tích như: giải Nhất HSG huyện môn Vật Lý năm lớp 8, giải Khuyến khích HSG tỉnh môn Vật lý năm lớp 9, giải Nhì HSG tỉnh môn Vật Lý năm lớp 11...
Với gia đình Hưng, không chỉ có các con nỗ lực học giỏi mà bố mẹ Hưng cũng quyết tâm vượt khó nuôi các con ăn học. Chắc có lẽ biết trước Hưng sẽ trúng tuyển vào đại học, nên cách nay 2 tháng, ông Nguyễn Văn Tám – bố Hưng đã lên đường vào miền Nam tiếp tục hành nghề thợ xây để kiếm thêm tiền cho Hưng nhập học.
“Điều kiện gia đình thì vất vả, nhưng vợ chồng tui cũng chịu khó để nuôi các con ăn học, mong muốn các con đậu đạt nên người. May mắn là các con đều học được, học được thì phải nuôi. Việc Hưng đạt được điểm cao gia đình rất phấn khởi, còn học trường mô là tùy ở con” Bà Trịnh Thị Năm – mẹ em Nguyễn Văn Hưng. |
Chàng thủ khoa trường huyện “hai không” được mẹ cho là “nhút nhát”, không mạnh dạn lắm khi giao tiếp đã đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội. Với số điểm đạt được, ước mơ lập trình viên máy tính của Hưng đang dần trở thành hiện thực.