Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nữ dân công hỏa tuyến gần 25 năm vô gia cư

Bên trong khu chợ Cồn của xứ Nhút, ít ai có thể biết được gần 25 năm trôi qua, có một người phụ nữ từng không tiếc tuổi thanh xuân cống hiến cho đất nước lại đang phải sống những tháng ngày lay lắt nơi đầu đường xó chợ, không nhà không cửa. Người phụ nữ chúng tôi đang nói đến đó là nữ dân công hỏa tuyến Bùi Thị Tần (sinh năm 1952) trú tại xóm 4, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Cống hiến tuổi thanh xuân

Gặp nữ dân công hỏa tuyến Bùi Thị Tần vào lúc giữa trưa như muốn đốt da thịt bởi cái nắng hè xứ Nghệ, đập vào mắt chúng tôi là một người phụ nữ có gương mặt khắc khổ, hốc mắt thâm quầng đang lủi thủi lợm đếm từng chút ve chai giấy loại để kiếm sống qua ngày.

Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng có lẽ do bệnh tật nhiều, cuộc sống kham khổ, túng quấn nên bà Tần cũng không còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như xưa nữa. Song bà lại tỏ vẻ rất vui mừng khi có người muốn nghe bà kể về những ngày tháng cống hiến sức trẻ cho Đất nước, quê hương của bà và đồng đội: “Con biết không, thời xưa dù gian khổ, khó khăn chồng chất nhưng khí thế thì lúc nào cũng sôi nổi, hừng hực…”.

 Ít ai có thể ngờ, có một nữ dân công hỏa tuyến gần 25 năm qua phải sống chui lủi trong khu chợ Cồn lụp xụp của huyện miền núi Thanh Chương

Năm 1972, khi mới bước qua tuổi đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của thời con gái, cô gái Bùi Thị Tần cùng nhiều đoàn viên khác trong địa phương gia nhập lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực phục vụ cho bộ đội và nhân dân dọc đường Quốc lộ 7 đoạn qua các huyện miền núi Con Cuông – Tương Dương – Kỳ Sơn (Nghệ An).

Trong hồi ức năm xưa gợi về, bà Tần còn nhớ như in những kỷ niệm chân đất, đầu trần đi phục vụ cho quân và dân ta tại vùng đất Nghệ An anh hùng. Người gánh, người gùi và những đoàn xe thồ vận chuyển lương thực, hàng hóa thiết yếu vượt núi, băng đèo hướng về vùng lòng chảo xứ Nghệ.

Trong hành trình phục vụ gian khổ ấy, nữ đoàn viên Bùi Thị Tần tích cực hăng say các hoạt động xã hội, tăng gia sản xuất xây dựng quê hương. Hoạt động nào người cựu dân công hỏa tuyến này cũng hoàn thành xuất sắc.

 2 mẹ con bà Tần sống qua ngày bằng nghề buôn bán rau cỏ và nhặt ve chai

“Nhớ lại những ngày tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực đi qua biết bao nhiêu đường đèo đường suối, ấy thế mà vẫn vui và tràn đầy năng lượng. Tinh thần đứa nào cũng ngùn ngụt, không biết sợ là gì cả”, bà Tần nhớ lại.

Công việc của các dân công hỏa tuyến chủ yếu là đi bộ, đi đêm hôm, tối thui vận chuyển lương thực lên huyện Con Cuông, rồi lại vượt đèo vượt suối lên huyện Tương Dương và vùng biên giới Kỳ Sơn... Những đôi chân của những thiếu nữ cứ vậy dọc ngang băng suối vượt đèo. Tối tới thì tập hợp đi, thuận lợi thì 1 - 2h sáng về, không thuận lợi thì tới sáng. “Ngày đó hồ hởi lắm, cứ đến giờ là đi, đi lâu thành quen, không đi không chịu nổi. Lương thực hồi đó khan hiếm, nên việc vận chuyển cũng phải rất cẩn thận. Ấy thế mà những thiếu nữ chân yếu tay mềm như chúng tôi, ai nấy đều hoàn thành nhiệm vụ” - bà Tần cười hồn nhiên.

Cho đến tháng 4 năm 1973, bà Tần được chuyển về vận chuyển lương thực tuyến đường đi qua huyện Thanh Chương lên Đô Lương. Đến năm 1978 bà Tần xây dựng gia đình.

“Giờ đây, khi đã hòa bình, non sống nối liền một giải nhưng tôi không bao giờ hối hận. Hồi đó mình còn trẻ, ông bà, cha mẹ, cô chú của mình đều theo cách mạng hết. Mình cũng đi, cũng muốn đóng góp cho cách mạng. Đi để cống hiến, góp sức cho nền độc lập, thậm chí hi sinh cho đất nước thì đâu có tiếc gì” - bà Tần tự hào.

Gần 25 năm sống chui lủi nơi đầu đường xó chợ

 Với mẹ con bà Tần "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường", khu chợ trở thành chốn quen thuộc đi về.

40 năm trôi qua, mọi thứ đã được đổi thay, thế nhưng khi kể lại cuộc đời của mình, bà Tần lại buồn rầu bởi số phận như những trang bi kịch. Lau giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ vì sương gió, bà Tần cho biết cuộc đời và con đường tình duyên của bà không được thuận buồm xuôi gió. Sau khi tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, năm 1978 bà Tần trở về quê kết duyên cùng ông Nguyễn Văn Nhị ở xóm 4, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Thế những, cuộc sống hôn nhân của bà Tần lại chẳng may mắn khi vợ chồng bà sống với nhau hơn 15 năm nhưng không có một người con nào.

Rồi hôn nhân đứt gánh giữa đường, bà Tần rời nhà chồng với đôi bàn tay trắng. Từ đó tới nay, cuộc sống nay đây mai đó với nghề lượm ve chai, buôn bán ở chợ cứ thế trôi qua. Người phụ nữ một thời chinh chiến là vậy, nay lại phải sống cuộc sống nơi đầu đường xó chợ, không nhà không cửa gần 25 trôi qua.

Ngày ngày, người dân nơi khu chợ Cồn vẫn thấy bóng dáng bà Tần lủi thủi lượm nhặt ve chai với buôn bán đủ nghề. Cuộc sống bần cùng, thế nhưng ai nấy cũng đều cảm thương và đặt câu hỏi, những trường hợp như bà Tần, tại sao chính quyền địa phương không tạo điều kiện giúp đỡ bà. Trong lúc bà đã dành cả tuổi thanh xuân của mình, cống hiến sức trẻ cho đất nước?

 Góc chợ là nơi học tập của con gái bà Tần

Đến khu chợ thăm bà Tần, người phụ nữ kham khổ đang nằm nghỉ trên những tấm phản tre cũ nát, giữa túp lều chợ liêu xiêu, bà Tần khóc nghẹn: “Cuộc đời cứ phiêu dạt như thế, muốn nằm đâu thì nằm, muốn ngồi đâu thì ngồi, cả khu chợ này, ngoài giờ họp chợ thì chỉ có mình tôi thôi. May mà ngày xưa, trong một lần đi nhặt ve chai trong xã, nghe dân làng nói có đứa trẻ bị bỏ rơi, tôi liên chạy vội tới xin đưa về nuôi. Thế là có mẹ có con, không thì buồn lắm. Thấm thoắt đó đã mười mấy năm trôi qua”.

“Hai mẹ con cứ nay đây mai đó, rồi thuê kiot lụp xụp ở ven chợ tháng mấy chục nghìn, mẹ con nương tựa vào nhau. Lúc trời nắng thì ra nằm ngoài chợ cho mát, những ngày mưa gió thì mẹ con mỗi người một góc tìm nơi trú ẩn. Cuộc sống của con người mà chẳng bằng lũ chuột chú ạ”, bà Tần lau vội giọt nước mắt trên gò má.

Theo bà Tần cho biết, đã mấy năm nay, 2 mẹ con cố gắng từ việc buôn bán rau cỏ, nhặt ve chai với mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mẹ con bà có cơ hội mua miếng đất nhỏ theo định giá nhà nước. Thế nhưng, năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, bà Tần chân đất đầu trần đội đơn đi xin từ cấp xã đến cấp huyện nhưng không được giải quyết. Ròng rã mấy năm, bà dường như chân đã mỏi, nhưng vẫn mong muốn chính quyền xem xét cho những người có công như bà, để những năm cuối đời, bà có chỗ ra vào, khi nhắm mắt xuôi tay, có nơi để đứa con gái thờ phụng.

 Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến của bà Tần.

Tôi chỉ mong chính quyền tạo điều kiện cho tôi mua một miếng đất nhỏ theo định giá của nhà nước, chỉ đủ dựng một gian nhà nhỏ thôi cũng được. Chứ gần 70 tuổi rồi, sắp nằm xuống lỗ rồi mà 2 mẹ con vẫn phải sống cảnh không nhà không cửa, chui lủi nơi xó chợ”, bà Tần xót xa.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Phú, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương (huyện Thanh Chương) cho biết, hoàn cảnh bà Tần đúng là như vậy, thế nhưng ở địa phương chỉ có đất phân lô bán nền theo hình thức đấu giá, không có đất bán cho người dân theo định giá nhà nước. Chúng tôi cũng đã báo cáo nội dung đơn của bà Tần lên cấp huyện, nhưng chưa thấy huyện ý kiến chỉ đạo.