Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mất cỗ máy in tiền, vua cá tra Việt Nam thua lỗ nặng

Doanh nghiệp của ông trùm cá tra một thời Dương Ngọc Minh mất ngàn tỷ và thua lỗ nặng nề sau khi bán vốn tại cỗ máy in tiền cho Tập đoàn Vingroup của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng.

Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) - Thủy sản Hùng Vương - của ông Dương Ngọc Minh vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 niên độ tài chính 1/4-30/6/2019) với doanh thu giảm mạnh từ mức 1.512 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn chưa tới 530 tỷ đồng.

Thủy sản Hùng Vương của ông Minh cũng ghi nhận lỗ 129 tỷ đồng, so với mức lãi gần 13,7 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, HVG lỗ gần 260 tỷ đồng, nâng tổng lỗ cho đến nay lên 650 tỷ đồng.

Giải thích lý do doanh thu tụt giảm tới gần 65%, HVG của Dương Ngọc Minh cho biết là do công ty đã thoái vốn khỏi CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì,... ), tương đương 1.089,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giá cá nguyên liệu giảm mạnh từ 34.000 đồng/kg về 18.000 đồng/cp, kéo theo giá xuất khẩu thấp. Từ đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 152,45% (tương ứng 92,8 tỷ đồng).

Trong năm 2018, thông qua Chứng khoán SSI, HVG của ông Minh đã thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần tại Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng cho VinEco.

Việc bán Việt Thắng đã khiến chiến lược phát triển của Hùng Vương bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuối 2012, Thủy sản Hùng Vương đã hoàn tất việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Việt Thắng từ 28,54% lên 55,31% và đưa VTF thành công ty con nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị cá tra, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Tới cuối 2015, tỷ lệ nắm giữ của HVG tại VTF đã là hơn 90%.

Sau khi chuyển nhượng cổ cho Vineco, đại hội của VTF cũng đã thông qua nghị quyết cho phép Vineco nhận thêm cổ phần mà không cần phải chào mua công khai. Tỷ lệ tối đa là 60%.

 Ông Dương Ngọc Minh, vua cá tra một thời.

Việt Thắng cũng lấn sân sang lĩnh vực nuôi gia súc với trại heo 1.600 con tại An Giang và thức ăn gia súc gia cầm ở Long An.

Việc bán cỗ máy in tiền Việt Thắng diễn ra trong bối cảnh, HVG của ông Minh gặp rất nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất và thua lỗ lớn. Ông Dương Ngọc Minh từng được xem là “vua cá tra” của Việt Nam với sản lượng xuất khẩu lớn.

Tham vọng của ông Minh rất lớn. Ông muốn xây dựng một chuỗi giá trị khép kín, xây cớ sở chế biến và bảo quản tại Nga... và tăng cường xuất khẩu sang nhiều thị trường chính như Mỹ… Tuy nhiên, việc đầu tư quá lớn khiến HVG gặp khó.

Không chỉ bán VTF, gần đây HVG cũng phải bán rất nhiều tài sản khác để giải quyết các khó khăn về tài chính của công ty, nhất là trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong đó, HVG bị cáp thuế rất cao.

Thủy sản Hùng Vương hụt hẫng khi bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp thủy sản sau đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) của Mỹ: 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).

Với quyết định này của chính quyền ông Donald Trump, tình hình của HVG trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp chưa được cải thiện với dư nợ vay gần 3 ngàn tỷ và lỗ lũy kế giờ đây là 560 tỷ đồng.

Sau cú sốc POR 14, HVG tiếp tục kế hoạch bán tài sản, thoái toàn bộ vốn 51% cổ phần tại Hùng Vương Sông Đốc... Tuy nhiên, tình hình bất ổn tại doanh nghiệp này vẫn còn và câu trả lời cho sự hồi phục vẫn còn ở phía trước.

Giữa tháng 6 vừa qua, HVG cũng đã công bố nghị quyết của Hội đông quản trị (HĐQT) về việc thoái vốn tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre (HBT) và thoái một phần vốn tại CTCP XNK Thủy sản An Giang (AGF).

Theo đó, Thủy sản Hùng Vương sẽ thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương với tổng giá trị là 180 tỷ đồng (tương đương 90% vốn sở hữu). Bên cạnh đó, HVG cũng thoái một phần vốn cổ phần của tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF). Hiện HVG nắm giữ gần 22,4 triệu cổ phần AGF (79,58%) và dự kiến thoái xuống dưới mức 50%.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền bắt đáy đổ vào nhiều cổ phiếu blue-chips đã giúp VN-Index tăng trở lại.

Một số mã nổi bật bao gồm: GAS, Vinhomes, Vincom Retail, PVC, HPG, Petrolimex,...

Các CTCK có những dự báo khá thận trọng.

Theo YSVN, chỉ số VN-Index có thể sẽ sideways trong vùng giá 980-990 điểm trong vài phiên tới. Đồng thời, tâm lý nhà đầu tư cải thiện tích cực hơn, nhưng xu hướng chủ đạo vẫn còn bi quan với thị trường. Đồ thị giá của các chỉ số chính có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy trạng thái đi ngang có thể sẽ còn tiếp diễn trong những phiên tới. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm nhẹ cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là ưu cơ cấu danh mục để hạ tỷ trọng cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/7, VN-Index tăng 5,64 điểm lên 991,66 điểm; HNX-Index không đổi ở mức 104,43 điểm và Upcom-Index tăng 0,45 điểm lên 58,89 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 5,6 ngàn tỷ đồng.