Hàng chục tỉ đồng 'đổ' xuống biển, cảng cá vẫn bị bồi lấp
- 09:51 02-08-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Luồng lạch tại cảng cá Cửa Sót bị bồi lấp khiến tàu ngư dân ra vào gặp khó |
Muốn vào cảng chờ triều cường
Tháng 5.2017, Thanh Niên từng có bài viết phản ánh về tình trạng cảng cá Cửa Sót bị bùn cát bồi lắng nghiêm trọng, khiến nhiều tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh bị gãy chân vịt, bánh lái khi vào cảng, còn tàu có công suất lớn không thể cập bến.
Ngay sau khi báo phản ánh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở NN-PTNT tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện dự án nạo vét luồng lạch cảng cá với kinh phí hơn 40 tỉ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Theo thiết kế, dự án sẽ nạo vét hơn 400.000 m3 cát với chiều dài 3 km, chiều rộng 30 m, có độ sâu luồng là 3 m. Dự án khi hoàn thành sẽ đảm bảo cho tàu thuyền của ngư dân có công suất từ 90 CV đến 300 CV ra vào an toàn, đặc biệt là vào bên trong âu cảng tránh trú an toàn trong những ngày xảy ra mưa bão.
Ngư dân Nguyễn Văn Huề (62 tuổi, ngụ xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cho biết, đến tháng 8.2018, dự án nạo vét cảng cá hoàn thành khiến ngư dân vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, luồng lạch đã nhanh chóng bị bồi lấp trở lại, khiến ngư dân hoài nghi về tính hiệu quả của dự án được đầu tư hàng chục tỉ đồng này.
“Hàng chục tỉ đồng đổ xuống biển mà như không. Tôi có thuyền đánh cá công suất dưới 90 CV mà cũng nhiều lần bị gãy chân vịt khi ra vào cảng. Còn tàu thuyền trên 200 CV thì khi đánh bắt về phải chờ ngoài cửa biển, đợi triều cường dâng cao mới vào cập cảng được”, ông Huề ngao ngán nói.
Với chủ các tàu cá có công suất lớn trong và ngoại tỉnh, thời gian qua thường xuyên cũng phải chờ triều cường đạt đỉnh mới đưa tàu vào được cảng cá để xả hàng và tiếp nhiên liệu. Khi muốn ra khơi đánh bắt cũng phải chờ thời điểm con nước lên cao. Chính vì những bất cập này, nhiều chủ tàu cá ngoại tỉnh đã rời đi, kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng Cửa Sót bị ảnh hưởng.
Ngư dân Trần Văn Huấn (quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bức xúc: “Thời gian qua, sau mỗi lần ra khơi đánh bắt trở về, tàu cá công suất gần 300 CV của tôi phải đậu cách cảng cá khoảng 3 km, phải bỏ tiền thuê thuyền nhỏ tăng bo hải sản vào cảng xả hàng. Nếu chờ thời gian thủy triều lên để vào trong cảng thì thì hải sản đánh bắt được sẽ bị ươn, giá trị bán ra sẽ bị thương lái ép”.
Vẫn chờ tham mưu
Ông Lê Tiến Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim, buồn bã cho biết, mặc dù tỉnh đã bỏ kinh phí rất lớn để nạo vét cảng cá Cửa Sót, nhưng gần 1 năm qua, có hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân ra vào cảng bị mắc cạn nên gãy trục và chân vịt.
“Theo tôi, nếu như tỉnh không có kinh phí để bố trí cho việc nạo vét luồng lạch tại cảng cá thường xuyên, nên có cơ chế chính sách giao cho doanh nghiệp nạo vét theo hình thức xã hội hóa kết hợp tận thu sản phẩm. Phương án này sẽ bảo đảm được luồng lạch cho bà con ngư dân, và nhà nước không cần bỏ tiền ra mà còn thu được tiền thuế”, ông Hải nói.
Theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, hiện nay luồng vào cảng cá Cửa Sót chỉ sâu trên dưới 1 m, nên chỉ có tàu công suất 90 CV mới ra vào được. “Ngoài dịch vụ hậu cần tại cảng cá bị đình đốn, điều mà chúng tôi và ngư dân lo ngại nhất là vào thời điểm mưa bão, tàu cá không vào được trong âu cảng để tránh trú, hoặc trên đường vào cảng mà bị mắc cạn thì hậu quả sẽ khôn lường, bởi không phải lúc nào bão vào cũng có triều cường.
Chúng tôi đề xuất lên cấp trên giao việc nạo vét cho doanh nghiệp thực hiện theo hình thức xã hội hóa, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời”, ông Sơn lo lắng.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Trà, Phó ban Quản lý dự án đầu tư công trình, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, giải thích sau khi dự án nạo vét cảng cá Cửa Sót hoàn thành, ban quản lý cũng đã có phương án đề xuất với UBND tỉnh bố trí kinh phí để duy tu bảo dưỡng luồng lạch thường xuyên.
Bởi theo nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi, thì hàng năm, cảng cá Cửa Sót sẽ bị bồi lấp bởi một lượng cát rất lớn, tương đương với khoảng 100.000 m3. “Sau khi nhận được tờ trình về việc thẩm định phương án nạo vét duy tu hàng năm theo hình thức xã hội hóa kết hợp tận thu sản phẩm từ Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh và tỉnh cũng đang yêu cầu các sở, ngành tham mưu về vấn đề này”, ông Trà nói.