Nghi Phong- Nghi Lộc: Chính quyền bất lực trước hành vi “cướp đất” xây nhà trái phép của dân?
- 09:00 02-08-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà đất của dân đang sở hữu hợp pháp, lại là tài sản đang thế chấp ngân hàng thì bị kẻ khác phá dỡ, xây dựng trái phép, thậm chí đã hoàn thiện và cho thuê, thách thức dư luận, luật pháp. Vai trò của chính quyền ở đâu khi để vụ việc kéo dài gây bức xúc dư luận như vậy?
TÓM LƯỢC VỤ VIỆC
Bà Ngô Thị Dung, sinh năm 1955, là thân nhân liệt sỹ, gửi đơn đến báo Pháp luật Việt Nam trình bày: Bà là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất có tổng diện tích 782m2 thuộc thửa đất số 71, tờ bản đồ số 23, tại xóm 22, xã Nghi Phong, được UBND huyện Nghi Lộc cấp GCNQSDĐ ngày 29/11/2016. Năm 2017, anh H.T.Q (con trai bà Dung) cần tiền để đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, nên bà Dung đã thế chấp mảnh đất cùng ngôi nhà nêu trên cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh TP Vinh.
Bà Dung trở về nhà chỉ biết ôm di ảnh anh mình khóc than khi tài sản bị đập phá |
Trước lúc đi nước ngoài, vợ chồng anh Q mâu thuẫn nên đã ly hôn, để lại 2 đứa con nhỏ cho bà Dung nuôi nấng, chăm sóc. Do ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, và cũng để tiện cho việc làm ăn, bà Dung đã đưa hai cháu nhỏ lên xóm 4, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên Thuê nhà ở.
Đến ngày 28/3/2019, bà Dung quay trở lại nhà của mình với ý định thuê người sửa sang lại căn nhà cấp 4 để ở thì phát hiện một nhóm người đang đập phá, dùng máy xúc san ủi ngôi nhà của bà và tiến hành tập kết vật liệu xây dựng trái phép trên mảnh đất nói trên của bà.
Thấy người lạ đến san lấp, xây nhà trên đất nhà mình lập tức bà Dung trình báo với UBND xã Nghi Phong. Lạ lùng là trước hành vi vi phạm pháp luật như vậy, chính quyền xã này vẫn “đủng đỉnh” không giải quyết.
AI XÂM HẠI ĐẾN QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA BÀ DUNG?
Đến trưa ngày 29/3/2019, bà Dung quay lại miếng đất của mình, yêu cầu nhóm người dừng thi công, xây dựng thì bị bà Võ Thị Hằng (xóm Thái Thịnh, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) ngăn cản và ra lệnh cho nhóm người tiếp tục thi công. Trong phút chốc ngôi nhà cấp 4 của bà Dung bị san phẳng.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Dung |
Bà Dung cho biết: “Khi tôi phản ứng thì lập tức bị bà Hằng chửi bới xông vào tát liên tiếp lên mặt, giật điện thoại của tôi rồi ra lệnh cho nhóm thanh niên “xăm trổ” tới định lột quần tôi. Đồng thời, yêu cầu tôi tránh ra để họ tiếp tục xây dựng trái phép”.
Vụ việc ngày càng nóng lên vì có dấu hiệu hình sự như công nhiên huỷ hoại tài sản công dân, xây dựng trái phép nhà cửa trên đất thuộc sở hữu của người khác. Sau rất nhiều lần trực tiếp tới UBND xã Nghi Phong kêu cứu, mãi đến ngày 31/03/2019, UBND xã Nghi Phong mới cử ông Nguyễn Đình Lý, Phó Chủ tịch cùng tổ công tác xuống hiện trường, lập biên bản đối với bà Võ Thị Hằng và yêu cầu nhóm người dừng thi công ngay lập tức.
Tuy nhiên việc ban hành văn bản mà không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời của UBND xã Nghi Phong đã không phát huy tác dụng. Nhóm người trên, dưới sự chỉ đạo của bà Hằng vẫn tiếp tục thi công công trình trái phép trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Dích dắc của vụ việc này xuất phát từ một vụ việc dân sự. Bắt nguồn từ việc anh Q con bà Dung đã có lần giao dịch chuyển nhượng đất cho ông Võ Văn Cư, ở xã Phong Thịnh- Thanh Chương- Nghệ An. Cụ thể, vợ chồng anh Q chuyển nhượng cho ông Cư 375. 36m2 đất với giá 938.400.000 đồng. Ông Cư đặt cọc trước 700.000.000 đồng, sau khi tách thửa xong sẽ hoàn thành nốt số tiền còn thiếu là 238.400.000 đồng. Tuy nhiên vì một số lý do, anh Q không tách được thửa cho ông Cư, nên sau đó, anh Q lại sang tên toàn bộ miếng đất cho bà Dung và đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Trao đổi với bà Dung về việc giao dịch này, bà cho biết: “Đúng là có chuyện mua bán giữa vợ chồng Q và ông Cư. Tuy nhiên, do nhiều lần đi tách thửa bất thành vì đất đang bị kiện với nội dung: Chủ tịch xã cấp đất sai cho chủ cũ. Đến năm 2013, vợ chồng Q ly hôn. Sợ đất không lấy được mà tiền cũng mất nên ông Cư đã thống nhất nhận lại tiền cọc. Sau khi đi lao động ở nước ngoài, Q đã gửi trả tiền cho ông Cư 3 lần: Lần 1 vào ngày 1/2/2015: 100 triệu đồng thông qua chuyển khoản. Lần 2, Quang chuyển tiền về cho tôi chuyển khoản cho ông Cư 50 triệu đồng. Lần thứ 3 đưa tiền mặt trực tiếp cho ông Cư 50 triệu đồng, tổng cộng là: 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến năm 2018 thì ông Cư không đồng ý lấy tiền nữa và đòi đất, nên đã “thuê” bà Võ Thị Hằng đến tổ chức phá nhà, cướp đất xây dựng trái phép”.
Như vậy với vụ việc ông Cư không đồng ý vơí giao dịch dân sự nói trên thì có thể kiện ra toà án giải quyết chứ không thể gọi người phá huỷ tài sản và xây dựng trái phép trên mảnh đất không phải của mình.
Còn chưa nói đến việc mảnh đất này đang được bà Dung thế chấp tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh TP Vinh để vay tiền cho con đi xuất khẩu lao động. Hành vì tự ý phá dỡ, xây dựng trái phép trên mảnh đất này là xâm hại đến tài sản của ngân hàng và chủ sở hữu tài sản.
Ngôi nhà cấp 4 của bà Dung bị san phẳng để xây một ngôi nhà trái phép khác |
Ngày 03/04/2019 ngân hàng cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Nghi Lộc, Công an huyện Nghi Lộc và Công an xã Nghi Phong để yêu cầu dừng xây dựng trái phép trên tài sản thế chấp tại ngân hàng. Văn bản nêu rõ: “Sau khi xác minh và kiểm tra thực tế hiện trạng của tài sản, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh TP Vinh nhận thấy có sự đập phá tài sản và có sự xây dựng các công trình trái phép trên đất đang thế chấp tại Ngân hàng khi chưa được sự cho phép của Ngân hàng và Chủ sở hữu tài sản. Đây là hành vi bất chấp pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi, lợi ích của Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam.
Yêu cầu các cơ quan sở tại có các biện pháp cưỡng chế dừng việc xây dựng trái phép trên tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng, kiểm tra thiệt hại và yêu cầu các bên liên quan khôi phục lại hiện trạng và đền bù thiệt hại trên đất bị phá dỡ trái phép theo đúng quy định của pháp luật”.
PHẢI CHĂNG CÓ SỰ “BẢO KÊ” NÊN SAI PHẠM CHƯA ĐƯỢC XỬ LÝ?
Điều lạ lùng là sai phạm rõ mồn một như vậy nhưng các cơ quan chức năng của huyện Nghi Lộc vẫn chưa có các động thái xử lý dứt điểm vụ việc. Đến nỗi hiện trạng ngôi nhà của bà Dung hiện nay ngoài bị đập phá, xây mới, còn đang được cho người khác “mượn” lại như chẳng có chuyện gì xảy ra! Hiện tại ông Võ Văn Cư đang cho ông Lê Tuấn Anh và bà Nguyễn Thị Thơi “mượn” đất và nhà để ở và kinh doanh.
Vụ việc được bà Dung gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Công an huyện Nghi Lộc. Nhưng chính Công an huyện cũng chậm chạp trong việc xử lý vụ việc. Bằng chứng là để UBND tỉnh phải ban hành văn ban hành văn bản nhắc nhở công an huyện đôn đốc giải quyết việc đơn tố cáo của công dân. Cụ thể, ngày 07/06/2019 UBND tỉnh ban hành văn bán số 443, gửi Trưởng công an huyện Nghi Lộc, nội dung văn bản ghi rõ: “Nội dung công dân tố cáo, UBND tỉnh đã có Văn bản số 257/UBND-TCD ngày 18/04/2019 chuyển đơn đến Công an huyện Nghi Lộc, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/05/2019; nhưng đến nay tỉnh chua nhận được kết quả giải quyết của công an huyện Nghi Lộc.
Yêu cầu Công an huyện Nghi Lộc thực hiện nghiêm túc Văn bản số 257/UBND-TCD ngày 18/04/2019 của UBND tỉnh. Kết quả thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/06/2019”.
Văn bản của UBND tỉnh Nghệ An nhắc nhở công an huyện Nghi Lộc chậm xử lý đơn tố cáo của công dân |
CẦN SỚM GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT
Đến nay sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự vẫn đang chưa được Công an huyện Nghi Lộc vào cuộc xử lý một cách triệt để. Chính sự chậm chạp này khiến dư luận hoài nghi về sự thiếu minh bạch trong xử lý vụ việc. Việc ngang nhiên phá hoại tài sản công dân, xây dựng nhà trái phép trên đất đang thế chấp tại ngân hàng và đất không thuộc sở hữu của mình, người bình thường cũng thấy bất thường chứ chưa cần đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Động thái mới nhất, bà Ngô Thị Dung đã phải làm đơn tố cáo khẩn cấp lần 3 gửi đến ông Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về dấu hiệu bao che không khởi tố vụ án của Công an huyện Nghi Lộc.
Qua vụ việc này, kính đề nghị các cơ quan chức năng huyện Nghi Lộc, nhất là Huyện uỷ, Uỷ ban Kiểm tra của huyện cần vào cuộc chỉ đạo để vụ việc được giải quyết một cách đúng pháp luật để bảo vệ lẽ phải, công bằng tránh gây những hoài nghi cho dư luận vì sự thiêú minh bạch, chậm chạp trong xử lý các đơn thư tố cáo của công dân.