Không thể quan hệ tình dục, cô gái được tạo âm đạo từ niêm mạc miệng
- 07:38 30-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngoài 20 tuổi không có kinh nguyệt
Nguyễn Thanh Lan, 22 tuổi, ở Nghệ An là cô gái xinh đẹp, thông minh. Từ khi học cấp 3 trường chuyên đến nay, Lan luôn đứng top đầu của trường. Sau khi tốt nghiệp ĐH ngành kinh doanh loại giỏi, Lan tiếp tục học lên thạc sĩ.
Tuy nhiên, có một sự thật cô luôn giấu bạn bè khi đến nay vẫn chưa có kinh nguyệt dù cơ thể phát triển hoàn toàn bình thường.
Mẹ của Lan chia sẻ, khi con gái bước qua tuổi 16 nhưng vẫn chưa bị “đèn đỏ”, chị nghĩ con dậy thì muộn nên cố chờ thêm. Tuy nhiên đợi thêm 2 năm nữa vẫn không có tín hiệu gì nên 2 mẹ con quyết định đến BV Phụ sản TƯ thăm khám.
Bác sĩ kết luận cô mắc hội chứng bất sản ống Muller, là một rối loạn bẩm sinh khiến phụ nữ không có âm đạo và tử cung dù buồng trứng và cơ quan sinh dục vẫn phát triển.
Nữ bệnh nhân 21 tuổi hồi phục tốt sau tạo hình âm đạo. Ảnh: T.Hạnh |
Sợ con gái lo lắng, chị trấn an con mọi chuyện vẫn ổn và giấu Lan suốt 1 năm sau đó. Khi 19 tuổi, Lan giục mẹ đi khám trở lại tại một BV tư ở Hà Nội.
Câu nói của bác sĩ “như này thì chửa đẻ gì nữa, phẫu thuật cũng chỉ giải quyết nhu cầu quan hệ vợ chồng thôi” khiến Lan đau nhói. Mọi thứ như sụp đổ dưới chân cô gái trẻ.
Không ngừng hy vọng, Lan đọc nhiều tài liệu nước ngoài về căn bệnh của mình. Ban đầu gia đình định đưa Lan sang Singapore phẫu thuật, tuy nhiên sau khi tìm hiểu kĩ, Lan quyết định đến khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, BV Xanh Pôn, Hà Nội nhờ GS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa sửa lỗi tạo hoá. GS Sơn là người đã sáng tạo ra phương pháp dùng niêm mạc miệng để tạo hình âm đạo với nhiều ưu điểm vượt trội.
Tuy nhiên, ca phẫu thuật bị trì hoãn đến 3 năm đợi ngày Lan tốt nghiệp ĐH, giữa tháng 7 vừa qua, Lan mới quay lại BV Xanh Pôn để sửa lỗi tạo hoá.
Ca phẫu thuật thành công sau hơn 1 tiếng. Sau mổ 4 ngày, Lan đã có thể nói chuyện bình thường, niêm mạc ghép bám tốt vào thành âm đạo mới và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Tương tự Lan, Đặng Cẩm Phương, 21 tuổi ở Quảng Ninh phát hiện bất thường của cơ thể ở tuổi 19 sau khi đi khám tại BV đa khoa tỉnh. Ban đầu, bác sĩ kê thuốc nội tiết cho Phương uống với hy vọng cô gái trẻ sẽ có kinh nguyệt nhưng đợi mãi không có kết quả.
Cô gái trẻ tự ti khi biết cơ thể mình không trọn vẹn nên sau này ngay cả khi đã có bạn trai, Phương cũng không dám tiết lộ, không dám gần gũi, cũng chẳng dám tính chuyện nghiêm túc, lâu dài.
Sau khi tham khảo nhiều nơi, mẹ con Phương quyết định đến BV Xanh Pôn phẫu thuật. Khi đi, Phương phải giấu người yêu đang đi du lịch nước ngoài.
GS Trần Thiết Sơn cho biết, hội chứng bất sản ống Muller hay còn gọi là hội chứng Mayer - Rokitansky – Kuster – Hauser (MRKH) là rối loạn bẩm sinh do đột biến gen khiến phụ nữ đến tuổi dậy thì vẫn không có kinh nguyệt do không có âm đạo và tử cung. Tỉ lệ mắc hội chứng này không quá hiếm, từ 1/4.000 – 1/10.000 bé gái.
Sửa lỗi tạo hoá bằng phương pháp "Made in Việt Nam"
Để tạo hình âm đạo, bác sĩ phải tạo khoang âm đạo mới có vị trí và kích thước tương tự âm đạo thật, khoảng 8-9 cm x4 cm. Công đoạn này yêu cầu phẫu thuật viên phải bóc tách thật khéo léo vì vị trí này sát trực tràng, niệu đạo.
Sau đó bác sĩ sẽ lấy một phần niêm mạc miệng ở 2 bên má, môi trên, môi dưới, ngách tiền đình rồi đục lỗ mắt lưới để làm tăng diện tích, sau đó sẽ cuộn vào khuôn nong và ghép vào khoang âm đạo vừa tạo.
TS.BS. Phạm Thị Việt Dung, thành viên ekip phẫu thuật cho biết, khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, BV Xanh Pôn bắt đầu áp dụng phương pháp đục lỗ mắt lưới niêm mạc miệng để tạo hình âm đạo từ năm 2013 đến nay. Trung bình mỗi năm phẫu thuật cho 15 – 20 trường hợp được phẫu thuật theo kỹ thuật này và đều đạt kết quả khá, tốt.
Đây cũng là phương pháp đã được GS Sơn giới thiệu tại nhiều hội nghị quốc tế về tạo hình thẩm mỹ.
Theo TS. BS. Dung, với những trường hợp bất sản âm đạo, nhiều nơi trên thế giới và nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam vẫn dùng vạt da đùi, vạt da bẹn, da bụng để tạo hình âm đạo.
Tuy nhiên những vùng da này có nhiều nhược điểm như làm thay đổi hình dạng vùng kín do vạt da co kéo và vạt da dày, lấp đầy khoang âm đạo gây khó quan hệ tình dục, sẹo vùng ranh giới giữa vạt da với vùng xung quanh cũng thường co cứng gây đau khi quan hệ. Hơn nữa, bệnh nhân phải chịu sẹo khá rõ nơi cho chất liệu ghép.
Một số nước trên thế giới trước đây dùng một đoạn ruột non để tạo hình âm đạo nhưng khiến người bệnh khó chịu vì bị tiết dịch ẩm cả ngày. Hiện một số nơi áp dụng phương pháp ghép da nhưng âm bị đạo chật, nông, khô, cứng và dễ bị co.
Với phương pháp tạo âm đạo từ niêm mạc miệng, hiện trên thế giới mới có vài bài báo đề cập đến việc sử dụng chất liệu này song vì không đục lỗ nên không làm tăng được diện tích âm đạo.
TS. BS. Dung cho biết thêm, niêm mạc miệng có tính chất mô học tương đồng với niêm mạc âm đạo, có khả năng tiết dịch nên sau khi tạo hình, không chỉ giải quyết về mặt giải phẫu mà âm đạo mới vẫn mềm mại, trơn nhẵn, đủ độ ẩm nên khi quan hệ tình dục, bệnh nhân không bị đau.
TS. BS. Dung chia sẻ, những phụ nữ mắc hội chứng MRKH sẽ không thể quan hệ tình dục được. Nếu may mắn được phát hiện bệnh khi còn trẻ, phẫu thuật kịp thời sẽ giúp đời sống vợ chồng ít ảnh hưởng. Tuy nhiên có không ít phụ nữ không có thông tin, không biết mình bị bệnh, đến khi lấy chồng rồi cố chịu đựng nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến tâm, sinh lý và hạnh phúc gia đình.
Hầu hết các bệnh nhân mắc hội chứng này vẫn có buồng trứng bình thường nên vẫn có thể lấy trứng thụ tinh nhân tạo và nhờ mang thai hộ.
Mới nhất, một nữ bệnh nhân từng được TS Dung phẫu thuật tái tạo âm đạo cách đây 2 năm nhắn tin thông báo với bác sĩ đã lập gia đình và có một bé trai kháu khỉnh nhờ thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ.