Tiếp tục đề xuất công nhận hôn nhân đồng giới
- 20:45 29-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vào tháng 5/2012, một cặp đồng tính tại Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) tổ chức đám cưới theo nghi lễ truyền thống tại nhà nhưng chính quyền địa phương đã lập biên bản xử phạt. Vụ việc này được nhiều tờ báo đăng tải, dẫn đến những cuộc tranh luận sôi nổi. Khoảng 2 tháng sau, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khi ấy cho biết đang xem xét để đề xuất Chính phủ hợp thức hóa việc hôn nhân đồng giới.
Đến tháng 6/2013, Bộ Tư pháp đã trình dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định hủy bỏ việc cấm hôn nhân đồng giới và cho phép các cặp đồng giới chung sống với nhau. Cũng trong năm 2013, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã bãi bỏ việc xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi tổ chức lễ cưới, việc chung sống giữa những người cùng giới tính. Bước sang năm 2014, Quốc hội thảo luận về dự luật này và chính thức bãi bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”, nhưng Luật lại quy định “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8 Luật 2014).
Theo đó, những người đồng giới tính vẫn có thể chung sống với nhau, có điều pháp luật sẽ không giải quyết khi giữa họ xảy ra tranh chấp.
Theo Bộ Tư pháp, Luật 2014 tuy không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính song đồng thời không can thiệp vào việc sống chung giữa họ vẫn là sự tiến bộ lớn cả trong nhận thức lẫn trong áp dụng pháp luật về tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người đồng tính nói riêng, cộng đồng người yếu thế nói chung. Đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội cũng cho rằng, việc Luật bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” được coi là một bước thay đổi nhất định trong việc nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính của Nhà nước Việt Nam trong tình hình xã hội hiện nay.
Bàn về hôn nhân đồng tính, TS. Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, quy định hiện hành là phù hợp tại thời điểm Luật HNGĐ được ban hành. Tuy nhiên, bà Hòa nhấn mạnh, sự phát triển của xã hội cùng với các quyền con người của công dân ngày càng được pháp luật đảm bảo, do vậy, vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định phù hợp.
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị xem xét việc thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính theo lộ trình phù hợp để đảm bảo quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, góp phần ngăn ngừa kỳ thị đối với những người đồng giới tính và có cơ sở pháp lý giải quyết tình trạng chung sống như vợ chồng giữa người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế;
Từ góc độ chuyên môn, một giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội đặt vấn đề, khoản 2 Điều 8 quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” thì có coi đây là một điều kiện kết hôn không? Khi giảng dạy, giảng viên của Trường hướng dẫn sinh viên cách suy đoán rằng, do tên điều luật là “điều kiện kết hôn” nên những nội dung bên trong được coi là điều kiện kết hôn. Vì vậy, khoản 2 Điều 8 được coi là một điều kiện kết hôn tiếp nối khoản 1 Điều 8.
Tuy nhiên, nếu liên kết các điều luật để nghiên cứu thì Điều 10 về “người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật” lại loại bỏ khoản 2 Điều 8 khi đề cập đến căn cứ để yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nếu liên hệ với thực tế, khi hai người cùng giới tính đến đăng ký kết hôn, chắc chắn cán bộ tư pháp - hộ tịch sẽ từ chối đăng ký kết hôn và dùng khoản 2 Điều 8 làm căn cứ chối từ. Do đó, đây vẫn được coi là một điều kiện kết hôn và cần chỉnh sửa lại Điều 8 cho phù hợp.
Tổng hợp các báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật 2014, Bộ Tư pháp chia sẻ kinh nghiệm quốc tế: Để xử lý vấn đề này, nhiều quốc gia hiện nay đã công nhận hôn nhân đồng tính nhằm đảm bảo quyền con người, quyền bình đẳng, mong muốn được kết hôn với những người có cùng giới tính để đồng cảm, chia sẻ, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
Còn ở Việt Nam, để thực hiện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của những người đồng tính nói riêng, cộng đồng người yếu thế nói chung, thể chế về các vấn đề liên quan cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn trên nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm sự bình đẳng, chống phân biệt đối xử, có cơ chế pháp lý phù hợp với quan hệ sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, hạn chế được những nguy cơ, rủi ro pháp lý phát sinh với họ và những quan hệ xã hội khác liên quan.