Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cần lập chuyên án điều tra mua bán bằng lái xe giả

Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng, hành vi mua bán GPLX giả vô cùng nguy hiểm, có thể gây nên các vụ TNGT nghiêm trọng.

 Ông Trần Hữu Minh

Sau loạt bài “Thâm nhập đường dây làm giả bằng lái xe” của Báo Giao thông, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng lập chuyên án điều tra và truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán GPLX giả.

Theo ông Minh, đây là hành vi vô cùng nguy hiểm. Việc lái xe sử dụng giấy tờ như bằng lái, giấy khám sức khỏe giả thực chất là người không có bằng nhưng vẫn điều khiển phương tiện cơ giới (đây là hành vi Luật GTĐB đã nghiêm cấm), thiếu năng lực, kỹ năng và không bảo đảm sức khỏe, có thể gây nên các vụ TNGT nghiêm trọng, đe dọa an toàn và tính mạng của người dân.

Với lái xe cá nhân vi phạm này đã rất nguy hiểm, nhưng với lái xe kinh doanh vận tải thì còn nguy hiểm gấp bội phần vì họ chuyên chở rất nhiều hành khách, hàng hóa trên các phương tiện có sức chứa, tải trọng lớn và tốc độ cao. Đây là tội phạm có tính chất hình sự cần phải được xử lý bằng các giải pháp mạnh.

Trước tiên, chúng ta cần thực hiện tuyên truyền để người dân nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò của một GPLX hợp pháp. Tuy nhiên, tuyên truyền không phải là giải pháp quyết định, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xây dựng và triển khai các chuyên án điều tra, truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán GPLX giả (và cả giấy khám sức khỏe). Với những phản ánh của báo chí vừa qua, có thể thấy không khó để phát hiện và lần ra dấu vết của các đường dây mua bán GPLX, giấy khám sức khỏe giả đang tồn tại trên thị trường. Khi có đủ căn cứ vi phạm cần xử phạt thật nghiêm và truyền thông mạnh trên toàn quốc. Nội dung này đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo và giao nhiệm vụ rõ ràng trong cuộc họp về các giải pháp khẩn cấp bảo đảm TTATGT vào đầu năm 2019.

 Một số chiếc GPLX và hồ sơ GPLX giả bị cơ quan chức năng tịch thu trong thời gian qua


Cần tăng cường chế tài xử phạt với các cá nhân mua bán bằng giả, xử phạt thật nặng hành vi sử dụng bằng giả vì đây đều là hành vi cố tình vi phạm có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các hành vi này về bản chất là tội phạm hình sự và cần phải xử lý về mặt hình sự kết hợp với phạt nặng về hành chính. Cần đặc biệt lưu ý nội dung này trong đợt xây dựng hướng dẫn thực hiện Điều 260, Khoản 4, Bộ luật Hình sự, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định thay thế Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong thời gian tới.

Để giải quyết vấn đề GPLX giả cần xây dựng và liên thông dữ liệu cũng như quy trình phát hiện bằng giả. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc làm giả bằng lái xe không phải là việc quá khó khăn (rất khó phát hiện bằng mắt thường), bởi vậy các quốc gia phát triển đã chuyển sang mô hình kiểm tra đối chiếu trên hệ dữ liệu quốc gia ngay tại hiện trường.

CSGT khi dừng xe có thể truy cập trực tiếp vào hệ dữ liệu và có được đầy đủ thông tin cá nhân bao gồm cả hình ảnh và nhận diện người lái xe, bởi vậy các GPLX giả mạo sẽ bị phát hiện tức thì. Việc này cần trở thành một quy trình bắt buộc. Để làm được điều này, cần lập hệ dữ liệu quốc gia dùng chung về bảo đảm ATGT, trong đó chia sẻ, kết nối trực tuyến giữa các ngành GTVT, Công an, Y tế và Tài chính. Đây là nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong cuộc họp trực tuyến ATGT toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2019.