Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vốn giảm nghèo bị "ngâm"

Có đến 47 địa phương tỉ lệ giải ngân thấp, cá biệt có 5 địa phương chưa giải ngân được đồng nào từ nguồn vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia vào ngày 25-7, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đưa ra thông tin đáng chú ý: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các chương trình mục tiêu quốc gia - bao gồm Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - trong 6 tháng đầu năm chỉ mới đạt 23% kế hoạch năm.

Thủ tục giao vốn chậm

Theo ông Võ Thành Thống, có đến 47 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Cá biệt có 5 địa phương chưa giải ngân được đồng vốn nào là Cà Mau, Khánh Hòa, Hòa Bình, Quảng Ninh và Đắk Nông; 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 10% là Thái Bình, Tiền Giang, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai. Chỉ có 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao hơn tỉ lệ chung của cả nước là Hưng Yên (80%), Bến Tre (47%), Vĩnh Long (63%), Nghệ An (45%), Tây Ninh (44%) và Lạng Sơn (45%).

Riêng Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ông Trần Thanh Nam, cho biết tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2019 còn chậm, chỉ đạt trên 35%; trong đó tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt khoảng 24% so với kế hoạch. Đáng nói, tiến độ thực hiện chương trình của một số địa phương, vùng còn chậm và thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước. Theo ông Trần Thanh Nam, tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho chương trình này chậm là do thủ tục giao vốn chậm, năng lực của ban quản lý dự án ở địa phương yếu. Dù vậy, do các công trình nông thôn mới nhỏ nên các địa phương khẳng định sẽ giải ngân xong vào cuối năm nay.

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, nêu thực trạng đáng lưu tâm, đó là tỉ lệ các xã, thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn rất thấp, mới có 44/292 xã, nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra cho năm 2019-2020. Phó Thủ tướng còn nêu ra vướng mắc trong thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng mô hình giảm nghèo. Đặc biệt, Phó Thủ tướng phê bình vấn đề giải ngân chậm trong 2 chương trình, gây cản trở tới ý nghĩa an sinh xã hội của chương trình, tác động đến người dân, nhất là ở các vùng khó khăn. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương quyết liệt giải quyết những tồn tại này.

 Cụm dân cư ở xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: KỲ NAM

Chậm vì phải chờ trình HĐND

Ngày 26-7, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với các địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Hòa Bình, khẳng định nguyên nhân là do thay đổi quy định dẫn đến vướng thủ tục. "Ngày 31-12-2018, Thủ tướng giao kế hoạch vốn cho tỉnh Hòa Bình, theo quy định phải trình HĐND. Tuy nhiên, HĐND tỉnh Hòa Bình kỳ họp cuối năm 2018 đã họp từ ngày 6 và 7-12 rồi. Vì thế, phải chờ đến kỳ họp của HĐND tỉnh tổ chức vào ngày 16 và 17-4-2019, chúng tôi mới trình, mới ra vốn, triển khai được" - ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, vướng mắc này xuất phát từ Nghị định 120 ngày 13-9-2018 của Chính phủ quy định phải trình HĐND. "Năm ngoái, Hòa Bình giải ngân được vì theo Nghị định 136 ngày 31-12-2015 (hướng dẫn Luật Đầu tư công), chỉ cần trình qua Thường trực HĐND tỉnh là được. Năm nay, Nghị định 136 hết hiệu lực, còn Nghị định 120 quy định phải trình HĐND nên chúng tôi cứ chờ mãi, thành thử nó mới chậm" - ông Phúc cho biết thêm.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tính đến cuối tháng 7-2019, tổng kế hoạch các nguồn đầu tư công năm 2019 của tỉnh đã phân bổ trên 2.916 tỉ đồng. Trong đó vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia là 186,4 tỉ đồng (xây dựng nông thôn mới: 131,1 tỉ đồng, giảm nghèo bền vững 55,3 tỉ đồng). Trong 5 tháng đầu năm 2019, tỉnh chưa giải ngân được đồng nào. Đến tháng 6, giải ngân được 6,16 tỉ đồng, bằng 3,3% kế hoạch và đến hết tháng 7 giải ngân được 17,682 tỉ đồng, bằng 9,5% kế hoạch. Ngoài ra, nguồn vốn nước ngoài (ODA) 375,151 tỉ đồng đến nay tỉnh vẫn chưa giải ngân…

Lý giải về việc chậm hoặc chưa giải ngân được các nguồn vốn kể trên, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, lại nêu ra những lý do khác nhau: Do một số dự án còn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; một số dự án mới triển khai các bước thủ tục chuẩn bị thực hiện đầu tư nên mới bắt đầu giải ngân trong quý II/2019; một số dự án mới được giao bổ sung kế hoạch vốn, đang làm thủ tục giải ngân...

Tăng trưởng tín dụng cho 2 chương trình

Để đẩy nhanh việc triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ NN-PTNT rà soát, đánh giá kết quả đạt được, các hạn chế, vướng mắc, báo cáo tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Nam Định, gắn với tổng kết Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tập thể, sắp xếp công ty nông - lâm nghiệp; đề xuất tới Chính phủ, trung ương các phương hướng triển khai trong giai đoạn tới. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT tháo gỡ vướng mắc, kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công liên quan tới 2 chương trình trên. Các bộ NN-PTNT, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT hướng dẫn các địa phương sớm tổng hợp thông tin để báo cáo nhu cầu, kế hoạch, kinh phí triển khai 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch tài chính, ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với các bộ, ngành đề xuất khung khổ, thể chế về tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và 5 năm tiếp theo, nâng tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia trên nguyên tắc không làm tăng cấp bù, mà cơ bản trên cơ sở huy động tín dụng xã hội, quay vòng vốn.