Tốn tiền tỷ để bảo vệ tuyến đường sắt 10 năm không một chuyến tàu ở Nghệ An
- 12:56 26-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tỉnh Nghệ An có chủ trương di dân đến vùng miền Tây trù phú để làm kinh tế mới. Khu vực bình nguyên rộng lớn ở vùng Phủ Quỳ nhanh chóng trở thành những nông, lâm trường bát ngát nhờ nguồn đất đai màu mỡ. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển giữa miền xuôi và miền ngược, năm 1966, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn được hình thành. Tuyến đường dài 32 km, từ thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu), đi huyện Nghĩa Đàn, nay thuộc địa phận thị xã Thái Hòa. Trong ảnh là điểm đầu của tuyến đường này nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua ga Cầu Giát. |
Thời huy hoàng của mình, Cầu Giát - Nghĩa Đàn là tuyến đường sắt hiếm hoi được xây dựng theo hành lang Đông - Tây ở khu vực miền Trung, vốn địa hình nhỏ hẹp. Ban đầu, những chuyến tàu chủ yếu chở gỗ từ vùng Phủ Quỳ về xuôi, sau đó lại vận chuyển phân bón, vật liệu phục vụ nông nghiệp… từ dưới xuôi lên. Ngoài ra, thời gian này, tuyến đường sắt còn có nhiệm vụ quan trọng trong việc vận chuyển nhu yếu phẩm, vũ khí từ đồng bằng lên khu vực Nghĩa Đàn, sau đó theo đường rừng vào Nam, phục vụ cho cuộc chiến tranh đang bước vào giai đoạn ác liệt. |
Vào đầu những năm 1990, mỗi ngày chỉ có 1 đôi tàu khách lên xuống nhưng khi nào cũng chật cứng khách. Hồi đó, có thời điểm một ngày ga Nghĩa Đàn dập cả 2.000 vé nhưng vẫn không đủ. Do chưa có máy in nên Trưởng ga hay nhân viên đều phải vùi mình vào mà dập vé. Đến nỗi cuối ngày tay ai nấy đều đen nhẻm màu mực... |
Giai đoạn tuyến đường sắt này hoạt động hiệu quả nhất là vào thập niên 70. Lúc đó, tuyến đường được xem như huyết mạch thông thương giữa miền xuôi và miền ngược của tỉnh. Thời điểm này, mỗi ngày với 4 chuyến tàu qua lại, tuyến đường sắt đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Phủ Quỳ nói riêng và cả tỉnh nói chung. Hàng hóa vận chuyển trên tuyến đường này ngày đó chủ yếu là gỗ, khoáng sản và cả vũ khí. Trong ảnh, nhiều đoạn đường sắt giờ đã bị cỏ cây chen lấn sau gần 10 năm không có tàu chạy qua. |
Kể từ nửa cuối thập niên 90 trở về sau, những chuyến xe đò chạy tuyến Vinh - Nghĩa Đàn xuất hiện ngày càng nhiều. Lúc này, tuyến Tỉnh lộ 537 mà nay là Quốc lộ 48 được đầu tư mở rộng; những đoàn ô tô vận tải nối đuôi nhau ngược xuôi. Cũng từ đó, khách dần chuyển từ đi tàu sang đi xe khách vì sự tiện lợi, liên tục những chuyến tàu lên xuống trống toa. Gắng gượng mãi với những chuyến tàu “không người”, đến năm 2006, Công ty Đường sắt đành phải dừng hoạt động vận tải hành khách. 6 năm sau, đến năm 2012, chuyến tàu hàng cuối cùng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong ảnh, nhiều đoạn đường sắt đã bị chồng lấn khi làm đường bộ. |
Cảnh hoang sơ ở ga Nghĩa Đàn, điểm cuối của tuyến đường sắt. Theo lãnh đạo Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh, hạn chế của đoạn đường sắt này là tốc độ di chuyển. Do đường dốc, những chiếc cầu lại từng bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh nên chỉ chạy được 15 km/h. Vì thế mà chỉ hơn 30 km nhưng mất đến 2 tiếng, trong khi đi bằng đường bộ chỉ mất khoảng nửa tiếng. Bên cạnh đó, mặc dù giá vận chuyển của đường sắt rẻ nhưng do kinh phí bốc dỡ tốn kém, cộng với sự bất tiện bởi thời gian di chuyển chậm nên các chủ doanh nghiệp, nông, lâm trường ở Phủ Quỳ dần chuyển qua sử dụng đường bộ. Ngoài ra, khoáng sản ở khu vực Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn trước đây vận chuyển thô về xuôi đi đường sắt là hợp lý. Nhưng giờ đây họ đã chế biến sẵn, với những kiện hàng nhỏ, vận chuyển bằng đường bộ cơ động hơn nhiều. |
Tòa nhà này đã từng là một trong những nơi sầm uất nhất ở Phủ Quỳ, nay đang trong tình trạng "dọa sập". Mặc dù gần 10 năm không tàu chạy, nhưng mỗi năm Nhà nước vẫn phải chi trả hàng tỷ đồng cho việc bảo vệ, duy tu tuyến đường. Vì sự tốn kém này, đến năm 2014, ngành phải cắt giảm nhân lực, chỉ giữ lại 10 nhân viên bảo vệ. Ga Nghĩa Đàn bỏ hoang, không còn người trông coi. |
Hiện nay, mỗi năm ngân sách Nhà nước vẫn phải bỏ ra 1,4 tỷ đồng để chi trả lương cho nhân viên. 10 người này được phân bổ ở 2 trạm ga Quỳnh Châu và Nghĩa Thuận, phụ trách bảo vệ hành lang cho 2 đoạn đường. Trong ảnh, nơi tuyến đường sắt chạy ngay dưới đường Hồ Chí Minh. |
Nhiều năm không được sử dụng, hiện tuyến đường này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo ghi nhận, phần lớn các thanh tà vẹt của đường ray đã bị mục nát, đinh ốc bị hoen gỉ nặng, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều tuyến đường ngang được người dân đắp đất đá chồng lên đường ray để xe cộ qua lại dễ dàng hơn. Các nhà ga như bị bỏ hoang... |
Cảnh hoang tàn ở một trạm gác chắn. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, sắp tới dự án đường cao tốc Bắc - Nam được triển khai, chủ đầu tư cũng sẽ phải xây dựng một tuyến cầu vượt với số tiền rất lớn chỉ để tránh tuyến đường sắt bỏ hoang này. |