Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lý do ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu

Áp lực gia tăng vốn huy động trung - dài hạn và tăng nền tảng vốn cấp hai khiến nhiều nhà băng đẩy mạnh phát hành trái phiếu.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK: EIB) là cái tên mới nhất góp mặt vào danh sách nhà băng phát hành trái phiếu gần đây khi thông qua chủ trương phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu.

Trước Eximbank, LienVietPostBank cũng hoàn tất việc bán 3.100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. VPBank cũng đã phát hành 300 triệu USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm. Trước đó, BIDV, VietinBank, HDBank hay ACB cũng thông qua những kế hoạch tương tự.

Động thái này xuất phát từ hai nguyên nhân chính là áp lực tăng vốn cấp hai để có dư địa tăng trưởng tín dụng, đáp ứng Basel II và việc phải đáp ứng lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.

 Giao dịch tiền mặt tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú

Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán MB (MBS) thống kê cho biết, trong nửa đầu năm nay, tổng các ngân hàng thương mại đã huy động gần 18.200 tỷ đồng trái phiếu, chủ yếu là kỳ hạn 3-5 năm. Nếu tính cả những đợt phát hành gần đây, tổng giá trị công cụ nợ này đã vượt 1 tỷ USD.

Trao đổi với VnExpress, TS Cấn Văn Lực cho biết, những quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc siết dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn là áp lực khiến các nhà băng phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn, theo hướng gia tăng vốn trung - dài hạn.

Theo dự thảo Thông tư 36, cơ quan giám sát đưa ra hai kịch bản đề xuất, trong đó sớm nhất là tháng 7/2021, hệ thống ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn về mức 30%. Tỷ lệ này với cả hai phương án sẽ giữ ở mức 40% tới cuối tháng 6/2020. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến tháng 4/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài - hạn của khối ngân hàng cổ phần là 31,52%, trong khi ngân hàng quốc doanh ở mức 30,99%.

Một số nhà băng có tỷ lệ phát hành trái phiếu quy mô lớn gần đây, thực tế, cũng có tỷ lệ cho vay trung - dài hạn tương đối cao. Đơn cử như VPBank, theo báo cáo tài chính quý I, tỷ lệ vay trung - dài hạn trên tổng dư nợ cho vay của nhà băng này đạt gần 66%.

Ở nguyên nhân thứ hai, TS Cấn Văn Lực cho rằng, áp lực gia tăng nền tảng vốn cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng tăng phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ đúng với các đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm.

Thông tư 19/2017 của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: "Tại thời điểm xác định giá trị, nếu thời hạn nợ thứ cấp trên 5 năm, toàn bộ giá trị trái phiếu chuyển đổi, công cụ nợ được tính vào vốn cấp 2". Vốn cấp 2, dù bị giới hạn không vượt quá vốn cấp 1, nhưng cũng là một yếu tố quan trọng để xác định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng. Việc gia tăng nền tảng vốn tự có là điều kiện kiên quyết khi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel II đang tới gần.

Cùng nhận định với TS Cấn Văn Lực, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô Công ty chứng khoán BIDV (BSI) cũng cho rằng việc đẩy mạnh vốn cấp 2, song hành với các chương trình tăng vốn điều lệ là điều cần thiết để đảm bảo "quota" tăng trưởng tín dụng trong tương lai, đồng thời đảm bảo mức độ an toàn của hệ thống.

Tuy nhiên, chuyên gia này thấy còn một yếu tố khác là thị trường trái phiếu đang sôi động hơn trong giai đoạn gần đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt phát hành.

Trong khi thị trường chứng khoán giao dịch chậm lại, ngoại tệ không "tăng nóng", kênh trái phiếu đang "lên ngôi" như một hình thức đầu tư có tính sinh lời tốt hơn. Thống kê của MBS cho thấy, các đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại kỳ hạn 2-3 năm thường có lãi suất từ 6,5-7,3% mỗi năm, con số này cũng tương đương lãi suất huy động dài hạn của một số ngân hàng nhưng đòi hỏi số tiền gửi phải có quy mô lớn.

Trong khi đó, những kỳ hạn trái phiếu dài hơn (5-7 năm) thường có lãi suất thả nổi, bằng trung bình kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 1,2-2%, có thể đạt tới 8-9%. Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh mới đây cũng chia sẻ, lãi suất trái phiếu hiện nay không chỉ hấp dẫn với các tổ chức tài chính mà ngay cả với nhà đầu tư cá nhân cũng thu hút nhiều sự quan tâm.

Trong báo cáo chiến lược tháng 7 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, sự thu hút từ các kênh đầu tư như trái phiếu, bất động sản là một trong những yếu tố khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán bị phân tán.