Hạn hán dai dẳng: Cây chết khô, hồ trơ đáy ở Nghệ An
- 16:07 24-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hồ cạn kiệt nước ở Lam Sơn, Đô Lương Ảnh: Quang An |
Ngẩn ngơ nhìn đồi chè chết dần
Phó Chủ tịch xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) Lương Quảng Ba dẫn chúng tôi vào bản Muộng. Dưới trời nắng như đổ lửa, gió Lào bỏng rát, những triền đồi trơ trọi đá mồ côi, chỗ vằn vện màu nâu như da báo. ‘‘Hơn 50 ngày nóng cực độ, chỉ lác đác vài trận mưa, khiến hầu hết khe suối đều khô cạn. Toàn xã có trên 45 ha chè chết cháy, chủ yếu loại chè trồng năm ngoái, sức đề kháng yếu lại thiếu nước’’, ông Ba cho hay. Hun hút dưới lòng khe, bất chấp nắng gắt, thấp thoáng bóng bà con dân bản người kéo dây điện, kẻ hì hục lắp máy bơm cứu chè. Còn nước còn tát!
Ông Lương Văn Phượng (bản Muộng) nhìn trời, ngao ngán: ‘‘Hạn hán vài ba ngày nữa, đồi chè chết ráo’’. Chưa bao giờ đồi cây khát nước đến thế. Trận mưa hiếm hoi tuần rồi chỉ trong chốc lát, hy vọng vườn cây tái sinh bỗng vụt tắt khi gió Lào từ rừng hoang tiếp tục thốc thẳng xuống, dàn trận với nắng nóng khốc liệt tấn công dải đất miền Trung. Gió càng mạnh, càng bỏng rát. Ông Phượng thuộc diện ‘‘nhà có điều kiện’’, phóng xe xuống thị trấn Dùng tậu ngay cái máy bơm chở về. Khổ nỗi, đồi chè ngất ngưởng trên cao, con suối thì xa tít tắp. Tốn thêm hàng trăm mét dây điện, ống nhựa, không thể bơm được nước lên đồi vì điện quá yếu. Một bộ phận cư dân ‘‘có điều kiện’’ hơn những người nông dân chân lấm tay bùn như ông Phượng vào bản Muộng mua đất, lập trang trại, đường dây hạ thế bị chia sẻ, thành ra điện yếu hẳn. Máy bơm không nổ, nước không lên được.
‘‘Cái quạt, cái bóng đèn điện cũng yếu. Dân bản kêu lên xã, xã họp hội đồng kiến nghị lên huyện. Huyện kêu lên tỉnh. Tỉnh kêu sang điện lực. Không thấu, không nhúc nhích. Dân bản Muộng không thể múc từng xô, quảy từng gánh nước cứu chè’’, một người dân bức xúc.
Thanh Chương đẹp và thơ mộng, ẩn hiện thác Mưa, đảo chè. Nhưng đi dọc đường mòn, đôi lúc không dám nhìn lên đồi, vì xót xa. Đồi chè, rừng chè, chỗ thì lá đang rũ xuống, dần khô héo; chỗ cả triền đồi phủ phục, màu vàng chuyển sang xám đen, chè chết đứng trên đồi. ‘‘Toàn huyện trồng được trên 4.400 ha chè, hạn hán đã làm hơn 758 ha chết khô’’, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Đình Thanh nói. Các xã có diện tích chè ‘‘tử vong’’ nhiều nhất gồm Thanh Đức, Thanh An, Thanh Thủy.
Để trồng được 1ha chè, nông dân phải bỏ ra từ 50 đến 70 triệu đồng, chăm sóc trong vòng 4 năm mới thu hoạch vụ đầu tiên. Không chỉ Thanh Chương, huyện miền núi Anh Sơn cũng lâm vào tình trạng tương tự, hàng trăm ha chè chết héo. Riêng tại Thanh Chương bà con đã mua 1.401 chiếc máy bơm nước để cứu chè. ‘‘Chúng tôi chỉ đạo các xã đo đếm, nghiệm thu diện tích chè chết tại từng xóm, thôn, bản để trình tỉnh hỗ trợ thiệt hại mùa màng cho dân’’, ông Thanh cho biết.
Vườn cà chua của nông dân xã Quỳnh Minh- huyện Quỳnh Lưu khô héo |
Hồ đập trơ đáy, thiếu nước sinh hoạt
Trận hạn hán khốc liệt, dai dẳng kéo dài từ đầu tháng 6/2019 đến nay chưa có dấu hiệu kết thúc. Sau gần một tháng quần thảo dải đất Bắc Trung Bộ, ngày 2/7, một trận mưa dội xuống làm nguội những đám cháy rừng, nhưng không khí lại bị hâm nóng ngay sau đó bằng những đợt gió Lào cuồn cuộn và nắng như trút lửa. Một vài cơn dông kéo đến, một vài nơi có mưa nhẹ, lượng mưa chỉ đủ để tráng qua lớp đất đang đảo điên cơn khát. ‘‘Thời điểm này năm ngoái, dù nắng gắt nhưng Nghệ An vẫn có khoảng 38 hồ đầy nước, nhưng nay hầu hết đã cạn, hơn 100 hồ dưới mực nước chết. Căng lắm!’’, ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi nói.
Số liệu từ đơn vị chuyên môn này cũng cho thấy, trong tổng số 625 hồ chứa nước toàn tỉnh, ngoài 100 hồ ‘‘báo động đỏ’’ nêu trên thì số hồ còn lại mực nước đã hao hụt, bốc hơi 60-70%. Căng thẳng nhất về nước tưới là các huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương.
Mực nước sông Lam đã và đang xuống thấp, khiến việc vận hành hệ thống máy bơm gặp nhiều khó khăn tại các địa phương ven sông, điển hình là Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh. Hiện tại, các huyện nói trên phải bơm luân phiên, cứ huyện này được bơm nước từ sông Lam 3 ngày liên tục lên tưới cho đồng ruộng thì các đơn vị kia phải ngừng bơm, vì không đủ nước.
Tại huyện Nghi Lộc, ngành thủy lợi phối hợp với chính quyền địa phương đắp đập, chặn sông Cấm để tích nước dự trữ cho các xã Nghi Phương, Nghi Thuận. Hàng ngàn máy bơm dã chiến ‘‘canh’’ mực nước sông Lam, sông Cấm. Mỗi đợt triều lên, nước mặn đẩy nước ngọt từ cửa biển vào đất liền, tranh thủ lúc nước ngọt dâng thì các doanh nghiệp thủy lợi và bà con nông dân phát máy nổ, bơm nước vào ruộng. ‘‘Phải túc trực, nắm chắc lịch thủy triều lên xuống và thường xuyên kiểm tra, đo độ mặn PH mới đón lấy được nước’’, ông Thành nói.
Ngày 23/7, trời Nghệ An- Hà Tĩnh nhiều mây nhưng không một giọt mưa, không khí oi bức, ngột ngạt. Trận hạn hán kéo dài gần 2 tháng qua không chỉ khiến hồ đập trơ đáy, sông cạn, cây chết, cháy rừng, mà còn tác động đến vấn đề cấp thiết hàng ngày của mỗi người dân. Tại nhiều nơi của Nghệ An, nhiều hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.
Ngày 23/7, Sở NN-PTNT Nghệ An có văn bản khẩn gửi các Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, đề nghị điều tiết lưu lượng nước từ ngày 23/7 đến ngày 1/8, đảm bảo việc cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh cho người dân phía hạ du.Thủy điện Bản Vẽ là hồ lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, dung tích 1,8 tỷ m3. Từ tháng 6, lưu lượng về hồ rất thấp (32m3/s, trong khi trung bình nhiều năm là 137m3/s). Trong đó có những ngày lưu lượng trung bình về hồ đạt 17m3/s, thấp nhất từ khi có hồ thủy điện Bản Vẽ tới nay. |
Nghệ An: Xử phạt DN chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường