Sẽ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
- 11:03 24-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư đã sửa đổi 30 điều, bổ sung 3 điều vào Luật Đầu tư.
Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư sẽ bổ sung quy định tại Điều 5 nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý áp dụng các biện pháp cần thiết như từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đình chỉ hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư…trong trường hợp các hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường.
Bãi bỏ Điều 12 về bảo lãnh Chính phủ đối với một số dự án quan trọng để thực hiện thống nhất theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý nợ công.
Hoàn thiện một số quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Đối với các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, Luật này cũng đã bãi bỏ 14 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời, sửa đổi 8 ngành, nghề và bổ sung 4 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật.
Dịch vụ đòi nợ thuê sắp bị cấm |
Đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ trước đó đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Một mặt, có ý kiến cho rằng, việc cấm này là có cơ sở bởi dịch vụ đòi nợ có nhiều biến tượng và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, gây mất an ninh trật tự, nhất là khi nhiều cá nhân, công ty thu hồi nợ hành xử manh động, uy hiếp, gây áp lực cho con nợ, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của con nợ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cấm hẳn kinh doanh dịch vụ đòi nợ không phải là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các hành vi bạo lực, tội phạm.
Thực tế cho thấy, hành vi đòi nợ mang tính chất côn đồ, bạo lực có thể diễn ra ngay cả ở các tổ chức tín dụng, không nhất thiết là ở các công ty đòi nợ. Do đó, vấn đề quan trọng không phải là cấm các tổ chức được kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà là quy định và giám sát chặt chẽ các biện pháp đòi nợ không được phép thực hiện.
Một điểm đáng lưu ý, đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ được đưa ra trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa thể chặn đứng được nạn tín dụng đen. Hiện "vòi bạch tuộc" tín dụng đen vẫn tiếp tục vươn dài, len lỏi vào mọi ngóc ngách, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, xã hội.
Biểu hiện chính của tín dụng đen là lãi suất cắt cổ, gắn với hoạt động của các băng nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật. Cho tới nay, các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen chưa cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc. Điều đó khiến tình trạng tín dụng đen vẫn tiếp tục phát triển và chưa thể ngăn chặn được.