Thấy gì qua điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019?
- 09:57 24-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cả nước có 867.930 thí sinh dự thi môn Ngữ văn. Theo phổ điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có 1.265 em bị điểm liệt, gấp 1,6 lần năm 2018 (với 783 bài), gấp 2,5 lần năm 2017 (510 bài) và xấp xỉ năm 2016 (1.285 bài). Nếu cả nước có 3.147 thí sinh bị điểm liệt từ 1 trở xuống ở tất cả 9 môn thì riêng Ngữ văn đã chiếm 40%.
So với năm 2018 thì điểm thi môn Ngữ văn năm 2019 thấp hơn toàn diện. Năm nay không có thi sinh đạt điểm 9.75 môn văn, trong khi đó năm ngoái có 7 học sinh đạt điểm này. Điểm 9.5 và 9 cũng ít hơn rất đáng kể.
Điều đáng suy nghĩ nhất lại nằm ở số thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) tăng gần gấp 2 lần: 1.265 năm 2019 so với 783 năm 2018.
Đề thi môn Ngữ văn năm nay được xem là không khó, nội dung đề thi chỉ gói gọn trong chương trình lớp 12, các câu hỏi cũng có nhiều cấp độ, nghĩa là dù ở trình độ nào cũng có thể trả lời được 1 hoặc 2 câu hỏi. Nhiều chuyên gia cho rằng, với môn Ngữ văn, chỉ cần làm bài là có điểm. Ấy thế mà năm nay có tới 1.265 em bị điểm liệt! Những thí sinh bị điểm liệt chủ yếu do thái độ không cầu thị, không nghiêm túc trong làm bài. Điều chúng ta quan tâm là tại sao các em lại có thái độ này?
Học Văn không chỉ đơn thuần chỉ để thi
Ở quốc gia nào cũng xem trọng môn Ngữ văn và môn Toán trong nội dung giáo dục. Đây là hai môn học trang bị kiến thức có bản để làm người. Do vậy, việc học sinh lĩnh hội được những kiến thức cơ bản của hai môn học này trong trường phổ thông có ý nghĩa rất lớn. Việt Nam cũng rất quan tâm tới dạy và học hai môn này trong nhà trường. Với môn Toán mọi thứ có vẻ ổn, nhưng với môn Ngữ văn thì tình hình không sáng sủa như vậy.
Trước hết, chúng ta đã thấy những năm gần đây mọi người kêu là học sinh không thích học môn Ngữ văn. Đây là điều đáng buồn, thậm chí là đáng báo động. Đã có bao thế hệ học trò say sưa học môn Ngữ văn, tại sao học sinh hiện nay lại không thích học môn này?
Cũng cần phải nói thêm là ngày xưa cha ông chúng ta học chữ Hán, hầu như chỉ học Văn và ở một mức độ nào đó là học Sử. Ấy vậy mà khi đỗ đạt, làm quan là làm hết mọi việc, từ xử án đến đắp đê. Nói như vậy để thấy môn Ngữ văn cho biết, cho hiểu nhiều thứ chứ không chỉ là chuyện câu cú, văn thơ…
Do vậy, môn Ngữ văn trong nhà trường phải được xem là chiếc gương phản chiếu nhận thức của học sinh về cuộc sống. Để học sinh chán môn Ngữ văn là điều nguy hiểm. Chúng ta phải xem lại nội dung chương trình, cách dạy, cách học một cách nghiêm túc. Không nên chính trị hóa, tư tưởng hóa môn Ngữ văn! Cũng cần bỏ qua những bài văn mẫu. Cần để cho học sinh được tự do sáng tạo trong việc tiếp xúc với tác phẩm văn học và viết ra những gì các em nghĩ.
Học Văn không chỉ để đi thi - Ảnh Hùng Anh |
Cách dạy, cách học, cách chấm môn Ngữ văn cũng nên khác đi!
Như tên gọi của nó, môn Ngữ văn có hai phần: Ngôn ngữ và Văn học. Theo tôi, yêu cầu của phần Ngôn ngữ là người tốt nghiệp THPT đọc thông, viết thạo tiếng Việt là được; nghĩa là viết không sai chính tả và ngữ pháp. Còn phần Văn học thì trừu tượng hơn nhưng yêu cầu học sinh tốt nghiệp THPT cũng biết được cơ bản thành tựu văn chương của nước nhà. Điều quan trọng nhất là phân biệt được cái thiện, cái ác thông qua tác phẩm văn học và có thái độ ủng hộ cái thiện. Yêu cầu cơ bản đối với tất cả học sinh chỉ cần như thế thôi. Còn đối với những người yêu văn chương, có năng khiếu trong lĩnh vực này lại là chuyện khác. Kinh nghiệm cho hay là những người này sẽ tự vun đắp cho mình.
Từ yêu cầu như trên thì cách dạy, cách học môn Ngữ văn trong nhà trường cũng cần đổi khác. Giáo viên cần làm cho học sinh yêu thích môn Ngữ văn, tìm thấy những điều lý thú ngay từ khi còn học ở lớp thấp. Bây giờ những người trưởng thành hầu như ai cũng tham gia mạng nên yêu cầu viết đúng là cần thiết. Uốn nắn viết đúng chính tả và ngữ pháp phải được quan tâm ngay từ lớp Một và rèn luyện thành thói quen khi bước vào lớp Mười hai.
Cách chấm môn Ngữ văn cũng nên đổi khác. Nếu thấy bài làm có thiện chí là có thể cho điểm để các em không bị điểm liệt. Chuyện thí sinh không phân biệt được các thể thơ hay nhà văn với nhà thơ không quá quan trọng. Vì vậy, không nên xem đây là lỗ hổng lớn trong kiến thức về môn Ngữ văn. Cái quan trọng trong việc đọc, học tác phẩm văn chương là nhận dạng và phân biệt giữa cái thiện và cái ác. Thái độ quan trọng nhất đối với người đọc văn, học văn là ủng hộ cái thiện.
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra cách ứng xử đầy bạo lực trong gia đình, trường học, khi tham gia giao thông,… thậm chí, ở công sở có liên quan đến việc nhiều người trở nên thờ ơ với văn chương, với vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ. Tuy nhiên, suy luận một cách logic thì có thể thấy giữa những hiện tượng này có mối liên hệ. Do vậy, các thầy cô giáo dạy Ngữ văn cần phải thấy vai trò và trách nhiệm của mình rất lớn.
Nghệ An: Các trường sẽ tổ chức bốc thăm chọn lớp, chọn giáo viên chủ nhiệm