8 lỗi cần tránh khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học
- 07:44 23-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo quy định của Bộ GD-ĐT thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học đã đăng ký ban đầu. Sau đây là những lỗi sai trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng thường gặp mà các chuyên gia tuyển sinh chỉ ra thí sinh cần tránh để không bị trượt oan.
Chọn thứ tự các nguyện vọng chưa phù hợp
Thí sinh thường có tâm lý sợ rớt đại học nên chọn thứ tự ưu tiên đầu tiên là các ngành/trường có điểm thấp để chắc chắn đậu đại học mà không quan tâm đến sự phù hợp của ngành nghề và trường.
Thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến |
Theo quy định, các nguyện vọng được thí sinh lựa chọn trong đợt 1 này đều là nguyện vọng 1 nên các nguyện vọng được xét công bằng với nhau. Thí sinh nên chọn các nguyện vọng ưu tiên đầu tiên là các ngành/trường phù hợp nhất với mình và có thể điểm hàng năm cao hơn mức điểm của mình một chút, tiếp theo là các nguyện vọng phù hợp và có điểm hàng năm gần với điểm của mình và sau đó là các nguyện vọng phù hợp và có điểm hàng năm thấp hơn điểm thi của mình. Khi đó cơ hội trúng tuyển vào các ngành/trường phù hợp nhất với mức điểm chênh lệch so với điểm thi của mình không nhiều.
Không chọn ngành học trái nhau
Rất nhiều thí sinh không xác định dduocj mình muốn học ngành nào nhất, hoặc do chỉ thích một trường duy nhất nên bằng mọi giá phải đậu vào trường đó. Vì vậy có trường hợp trường thí sinh thích có bao nhiêu khối ngành thì chọn tất cả, miễn sao trúng tuyển vào trường. Điều này dẫn tới sau thời gian nhập học nhưng phát hiện ra ngành học này không phù hợp nên kết quả học không tốt hoặc bỏ học. Do vậy thí sinh cần xác định ngành yêu thích nhất và chọn những trường có đào tạo ngành này có mức điểm chuẩn các năm trước gần với mức điểm của mình, sau đó điều chỉnh nguyện vọng theo thứ tự điểm chuẩn giảm dần.
Tưởng nhầm có nhiều đợt điều chỉnh nguyện vọng
Thí sinh thường nghĩ rằng có nhiều đợt thay đổi nguyện vọng nên chủ quan không đăng ký thay đổi nguyện vọng. Theo quy định mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 1 lần và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức đăng ký trực tuyến từ ngày 22 đến 29/7/2019 hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển trong thời gian từ ngày 22/7 đến ngày 31/7/2019.
Đối với phương thức điều chỉnh trực tuyến, thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu đăng nhập vào trang thisinh.thithptquocgia.edu.vn thực hiện việc điều chỉnh nhưng phương thức này chỉ được chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký trước đó.
Trong trường hợp, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển thêm nguyện vọng, muốn điều chỉnh khu vực và đối tượng ưu tiên, bắt buộc phải sử dụng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký và nộp trực tiếp tại điểm thu nhận hồ sơ, đồng thời nộp thêm lệ phí đối với số nguyện vọng tăng thêm.
Đăng ký quá nhiều nguyện vọng và không theo nhóm ngành gần nhau
Thí sinh không tìm hiểu kỹ ngành học đào tạo hay sau khi ra trường làm việc gì, những trường nào có đào tạo ngành này, mức điểm nhận hồ sơ và điểm chuẩn hàng năm là bao nhiêu nên cứ chọn đại ngành học và chọn quá nhiều nguyện vọng dẫn đến khi có kết quả, thí sinh trúng tuyển vào ngành không đúng sở thích của mình.
Theo quy chế, thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Tuy nhiên phải chọn những ngành thật sự yêu thích và chọn trường phù hợp với mức điểm của mình. Nếu đã đăng ký quá nhiều nguyện vọng, thí sinh nên chọn lọc lại nhóm ngành và những trường mình yêu thích, nên điều chỉnh lại còn từ 4-5 nguyện vọng là hợp lý.
Không biết có thể đăng ký thêm nguyện vọng bằng cách nộp phiếu điều chỉnh trực tiếp, không đăng ký trực tuyến
Thí sinh có 2 cách để điều chỉnh nguyện vọng là điều chỉnh bằng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp và điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến. Tuy nhiên, trường hợp có sai sót về khu vực, đối tượng ưu tiên, thí sinh cần điều chỉnh hoặc muốn đăng ký xét tuyển thêm nguyện vọng thì bắt buộc phải điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp bằng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký và nộp trực tiếp tại các điểm nhận hồ sơ chứ không điều chỉnh trực tuyến.
Không tính toán hay làm bản nháp trước khi điền thông tin đăng ký
Do sự chủ quan cũng như không cẩn thận khi điền thông tin đăng kí, một số thí sinh đã điền sai thông tin điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh cần viết ra bản nháp những điều dễ nhầm lẫn (mã trường, mã ngành, tên ngành, tổ hợp xét tuyển…). Sắp xếp, tính toán các nguyện vọng sao cho phù hợp ở bản nháp đó, xong rồi mới điền vào phiếu đăng kí. Trong quá trình điền thông tin, thí sinh nên tập trung ghi rõ từng nội dung, ghi theo những gì đã sắp xếp trong bản nháp để tránh nhầm lẫn không đáng.
Quên mật khẩu đăng nhập
Khi đăng ký dự thi THPT quốc gia, thí sinh đã được cấp tài khoản và mật khẩu đăng nhập. Hiện nay do thí sinh sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội nên dễ xảy ra tình trạng quên mật khẩu. Vì vậy khi đăng nhập tài khoản lần đầu thí sinh nên đổi lại mật khẩu cho dễ nhớ và không được để lộ thông tin tài khoản của mình cho người khác nhằm bảo mật thông tin cá nhân. Trường hợp mất hoặc quên mã đăng nhập và mật khẩu, có 2 cách để lấy lại mật khẩu như sau: Cách 1: Thí sinh nhấn vào link “quên mã đăng nhập” trên màn hình đăng nhập, sau đó làm theo các bước để lấy lại mã đăng nhập. Cách 2: Trường hợp thí sinh không có hoặc nhớ email, thí sinh liên hệ điểm thu nhận hồ sơ để xin cấp lại mã đăng nhập.
Nhờ người đăng ký hộ
Do không định hướng được tương lai của mình và với tâm lý theo bạn, không tự tin vào quyết định của mình nhiều thí sinh đã nhờ người thân đăng ký nguyện vọng giúp. Đến khi có kết quả thì nhận ra ngành đã đăng ký không phù hợp với khả năng và sở thích của mình… Do vậy thí sinh cần xác định rõ mục tiêu của mình hoặc tham khảo ý kiến của gia đình, thầy cô, chuyên gia tư vấn khi điều chỉnh nguyện vọng.