Thiếu hơn 800 giáo viên nhưng không được hợp đồng
- 22:03 22-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giáo viên H.Phú Quốc trong giờ dạy |
Chiều 22.7, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết trong năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục của tỉnh gặp khó vì thiếu giáo viên (GV) với số lượng lớn. Theo đó, toàn tỉnh hiện thiếu hơn 800 GV, “thê thảm” nhất là huyện đảo Phú Quốc hiện thiếu hơn 130 GV, có trường thiếu đến 41 GV. Đầu tháng 8 tới đây, khi Phú Quốc nhận thêm lượng học sinh từ đất liền đến thì số GV thiếu sẽ còn tăng lên.
Bà Giang cho biết việc thiếu GV đã xảy ra suốt từ năm 2015 đến nay, có năm thiếu hơn 1.000 GV. Tình hình càng gặp khó khăn hơn khi vào cuối tháng 6.2019, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị không ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ. Theo đó, văn bản chỉ đạo không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.
Công văn này thực hiện theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29.11.2018 của Chính phủ. Theo bà Giang, lẽ ra Nghị định này phải có thông tư liên bộ (Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ) kèm theo thì địa phương mới thực hiện được. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư liên Bộ nên gây khó cho ngành giáo dục Kiên Giang.
Bà Giang cho biết ngành giáo dục không thể không có hợp đồng vì 3 lẽ: Thứ nhất, do tính chất đặc thù của việc dạy học, khi GV vắng dạy vì bất cứ lý do gì cũng phải có người dạy thay; nếu GV nghỉ hưu, chuyển công tác, nghỉ việc, bị kỷ luật, nghỉ ốm, tai nạn ... thì tất yếu phải có người dạy thay thế ngay, không được chậm trể dù một ngày (phải hợp đồng GV cấp tốc)... không thể để học sinh nghỉ học chờ các cơ quan chức năng tổ chức kỳ thi tuyển viên chức hằng năm. Thứ 2, nhiều môn (ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc, năng khiếu) đang khuyến khích đưa vào nhà trường, chủ yếu theo cơ chế xã hội hóa, không bố trí biên chế, thì không thể không hợp đồng GV.
Thứ 3, tình hình thiếu hụt biên chế kéo dài, tình trạng thừa thiếu GV cục bộ, nếu không hợp đồng GV thì chỉ có thể khống chế tỷ lệ học sinh đến trường. Vì vậy, nếu thực hiện triệt để các văn bản này thì năm học 2019 - 2020 hầu hết các trường học trong tỉnh rất khó có đủ điều kiện đón tất cả học sinh trong độ tuổi đến trường.
Về chỉ đạo của Sở, bà Giang cho biết công văn chỉ yêu cầu UBND các huyện thị chỉ đạo chứ không phải Sở GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo, Sở chỉ nắm để đưa ra đánh giá tác động chung thôi chứ không trực tiếp quản lý tất cả.
Trước mắt, Sở chỉ có thể kiến nghị các cấp, trong đó có Bộ GD-ĐT nên làm việc với Bộ Nội vụ và ra một thông tư liên tịch giúp thực hiện Nghị định 161 để làm cơ sở cho địa phương thực hiện. Ngoài ra, cố gắng đến đầu năm học ngành mới rà soát xem số lượng thừa thiếu như thế nào rồi tính, chứ đột ngột cắt hợp đồng thì rất khó.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm học 2019 - 2020, có trường phải phân công GV dạy dư đến 10 tiết/tuần hoặc có GV tiểu học phải dạy 2 lớp. Vấn đề này lại sẽ gây khó cho việc chi trả chiết tính dư giờ sau này.