Nợ nần quật ngã nhiều sao sân cỏ
- 20:00 22-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhắc tới Marcos Evangelista de Morais (tên đầy đủ của Cafu) không thể không nhắc tới sự nghiệp thi đấu đáng nể trong màu áo đội tuyển quốc gia Brazil. Với lối chơi đầy tốc độ bên hành lang cánh phải của đội bóng vàng xanh, Marcos đã đặt cho biệt danh Cafu bởi gợi nhớ đến hình ảnh Cafuringa, một huyền thoại bóng đá người Brazil từng chơi cho những CLB như Fluminense và Atlético Mineiro vào thập niên 1970.
Trong suốt quãng thời gian 16 năm khoác áo đội tuyển Brazil (từ năm 1990 đến năm 2006), cận vệ kỳ cựu Cafu đã thiết lập một loạt kỷ lục mà khó cầu thủ nào có thể xô đổ trong một sớm một chiều. Cụ thể, Cafu hiện đang nắm giữ kỷ lục là cầu thủ khoác áo đội tuyển Brazil nhiều lần nhất: 142 lần. Đồng thời, Cafu còn ghi tên mình vào lịch sử với tư cách là cầu thủ đầu tiên tham gia 3 trận chung kết World Cup liên tiếp: 1994, 1998 và 2002. Cá nhân Cafu đã hai lần đoạt danh hiệu vô địch World Cup vào các năm 1994 và 2002.
Quá khứ huy hoàng như vậy, tiếc là thảm cảnh bây giờ của Cafu khiến các fan sốc nặng. Cùng lúc, một loạt tờ báo tại Brazil đã đăng tải thông tin về việc cựu hậu vệ từng khoác áo một số CLB tại Italia như AS Roma, AC Milan… bị tòa án tịch thu một loạt tài sản đứng tên mình như trang trại, biệt thự, xe hơi đắt tiền.
Vì đâu đời Cafu lại "lên voi, xuống chó" bất ngờ tới như vậy? Đó hẳn là câu hỏi được rất nhiều fan cùng đặt ra vào lúc này đây. Không thừa khi nhắc lại Cafu thuộc mẫu cầu thủ chỉ chăm chăm "cày ải" trên sân cỏ và không có tỳ vết gì trong cuộc sống riêng tư.
|
Theo tờ Folha de Sao Paulo số ra mới đây, căn nguyên khiến cựu danh thủ 49 tuổi lâm vào tình cảnh khốn đốn tới mức bị tòa án Brazil tịch thu tài sản là bởi màn làm ăn thua lỗ. Mặc dù tích lũy được khối tài sản kha khá song Cafu vẫn ôm mộng làm giàu hơn nữa.
Cùng với một số đối tác khác, Cafu đã cho mở công ty Capi Penta International Player trong năm 2004 với hoạt động chủ yếu là khai thác và quản lý bản quyền hình ảnh cho cầu thủ nói riêng và giới vận động viên thể thao nói chung.
Thời gian đầu, công ty Capi Penta International Player hoạt động khá tốt với doanh thu tăng lên theo từng quý, từng năm. Chắc mẩm cơ hội đã đến, Cafu quyết tâm "chơi lớn" khi mở rộng hoạt động của công ty riêng rồi đầu tư ồ ạt vào một loạt lĩnh vực vốn được coi là "trái kèo" như mở học viện bóng đá, mở nhà máy rượu, kinh doanh bến tàu, hồ câu…
Nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn, nhà vô địch World Cup 1994 và 2002 cùng cô vợ Regina đã đã dùng rất nhiều tài sản có giá trị để đem ra thế chấp với ngân hàng hòng vay số tiền lên tới hàng chục triệu USD.
"Cafu từng rất kỳ vọng vào việc triển khai nhiều dự án cùng lúc", nguồn tin thân cận từ Cafu chia sẻ trên tờ Folha de Sao Paulo, "Đó thực sự là tâm huyết cũng như niềm hy vọng lớn lao của anh ấy". Đáng buồn cho Cafu khi lời lãi chẳng thấy đâu, thay vào đó anh đã phải nhận những "bàn thua nặng đô".
Bất chấp nỗ lực xoay sở theo kiểu "giật gấu vá vai" của Cafu và ê kíp cộng sự, tình hình kinh doanh từ công ty Capi Penta International Player vẫn trong cảnh bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Từ chỗ được nhiều đối tác săn đón trọng vọng, Cafu giờ đây biến thành kẻ nợ như chúa chổm. Báo hại cho phía ngân hàng đã phải nhờ cậy đến sự can thiệp từ tòa án để tịch thu những tài sản mà vợ chồng Cafu đã thế chấp nhằm siết nợ.
"Tôi biết mình sẽ phải làm những gì cần thiết để vượt qua giai đoạn không mấy dễ chịu như hiện nay", Cafu lên tiếng khẳng định, "Đây là vấn đề cá nhân của tôi và tôi mong muốn có được sự tôn trọng riêng tư từ mọi người để không làm phức tạp hóa vấn đề". Theo đánh giá từ một số chuyên gia kinh tế, nếu không có sự chuyển biến tích cực hơn nữa, viễn cảnh Cafu buộc phải đưa ra tuyên bố phá sản sẽ sớm xảy đến.
Cùng với Cafu, một cựu danh thủ Brazil khác là Ronaldinho cũng đang trong tình cảnh khốn đốn khi bị nhà chức trách nước này tịch thu một loạt tài sản có giá trị như xe hơi, căn hộ. Rắc rối bắt đầu xảy đến khi Ronaldinho xây những công trình phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường ở Rio Grande do Sul.
"Ro vẩu" đã bị chính quyền bang Rio Grande do Sul phạt khoản tiền tương đương 1,75 triệu bảng vì tội phá hủy môi trường. Do tài khoản ngân hàng của Ronaldinho chỉ còn lại số tiền tương đương… 5 bảng, chính quyền bang Rio Grande do Sul đã buộc phải tiến hành tịch thu tài sản với hy vọng gỡ gạc lại số tiền mà Ronaldinho bị phạt.
Danh sách sao sân cỏ lâm vào cảnh túng quẫn, sống vất vưởng bởi bi kịch phá sản sau khi giải nghệ còn có sự góp mặt của một số gương mặt quen thuộc khác trong làng túc cầu thế giới như Emmanuel Eboue, David James, Kenny Sansom, John Arne Riise, Lee Hendrie, Eric Djemba-Djemba, Martin Keown, Andy Cole, Danny Murphy…
Đa phần những "ông sao" này đều rơi vào tình trạng nợ nần triền miên bởi làm ăn thua lỗ từ những dự án kinh doanh thiếu tính khả thi. Thế mới thấy, thương trường khắc nghiệt đến mức như thế nào với cánh cầu thủ vốn dĩ chỉ quen chuyện "đá đấm" trong chốn cầu trường.