Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Em bé bị cho đi lúc 9 tháng tuổi, khóc thét ngày gặp lại mẹ

Khi chị Nhẫn đưa con đi khuất, bà Nhạ khóc như ngất đi. Thằng bé như biết bị nói dối cũng khóc thét lên, đòi về.

Hơn tuần nay, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Nhạ, hiện 65 tuổi bị đảo lộn vì không được chăm sóc bé Nguyễn Gia Huy, 4 tuổi.

Ngồi xem lại những tấm ảnh của Gia Huy trong điện thoại của con gái, bà Nhạ kể: ‘Thằng bé khó ăn lắm. Cháu chỉ thích ăn cơm với nước tương. Tôi phải băm thịt cá thật nhuyễn, trộn lẫn vào cơm cho cháu ăn. Khi giao cho mẹ cháu, tôi dặn kỹ lắm. Không biết mẹ cháu có nhớ mà làm cho con ăn không’. Nói rồi, nước mắt bà rưng rưng.

Chị Nhung, con gái bà Nhạ cho biết, Gia Huy là con nuôi của vợ chồng em trai chị, nhưng bà Nhạ là người chăm từ lúc bé 9 tháng tuổi. Hôm 14/7, bà phải trao cháu cho chị Huỳnh Thị Nhẫn - mẹ ruột Gia Huy.

 Hơn tuần qua, cuộc sống của bà Nhạ như đảo lộn vì không được chăm sóc bé Gia Huy. Ảnh: Thanh Hải.

‘Lúc trao cháu cho Nhẫn, mẹ phải nói dối, hôm nay cả nhà mình đi Suối Tiên chơi. Cháu cầm ba lô đi trước rồi bà ra sau. Thằng bé tưởng thật, nghe lời bà. Cháu ra ngoài cổng, bà cứ đứng thập thò ở cửa nhìn theo. Khi Nhẫn đưa con đi khuất, mẹ khóc như ngất đi. Gia Huy như biết bị nói dối cũng khóc thét lên, đòi về. Thương hai bà cháu nhưng không biết làm sao được’, chị Nhung nhìn mẹ đang khóc vì nhớ Gia Huy nói.

Ở với mẹ, Gia Huy không chịu, đòi bế về bà. Còn bà Nhạ, không được tắm rửa, cho cháu ăn, chơi cùng cháu nên nhớ, ngày nào cũng khóc. Bà muốn gọi video xem hình cháu mà không dám. Bà sợ Gia Huy nhớ bà lại mè nheo mẹ, không chịu ăn sẽ ốm đi.

Bà Nhạ quê xã Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ. Vợ chồng con trai bà bị hiếm muộn. Ba năm trước, nghe tin trong làng có gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, khi đó 23 tuổi có ý định cho con trai là bé Gia Huy vào trại trẻ mồ côi, bà cùng con trai đến xin về nuôi. Là chỗ quen biết, anh Tùng đồng ý cho con.

 Hôm 14/7, chị Nhẫn (mặc áo khoác đỏ, ngoài cùng bên trái) đến đón con sau hơn 3 năm xa cách. Ảnh: Thanh Hải.

Trong biên bản giao con, lập ngày 2/5/2016 tại UBND xã Sơn Dương, anh Tùng viết: ‘Hôm nay, con tôi đã được 9 tháng tuổi. Đáng lẽ, con vẫn còn được bú mẹ. Nhưng vợ tôi tên Huỳnh Thị Nhẫn đã bỏ nhà đi. Tôi đã đi tìm mẹ cho con trai mà không thấy.

Gia đình tôi đang rất khó khăn. Bố mẹ tôi hiện đã già, không thể chăm cháu. Tôi phải đi làm để nuôi ba mẹ. Trong lúc khó khăn như thế này, tôi và gia đình thống nhất cho con trai Nguyễn Gia Huy vào trại trẻ mồ côi để cháu được chăm sóc và nuôi dưỡng. Khi chưa kịp gửi thì vợ chồng con trai bà Nhạ đến xin cháu về làm con nuôi, hứa sẽ chăm sóc tốt.

Thấy hoàn cảnh anh chị ấy đáng thương, kinh tế cũng khá tốt, tôi đồng ý cho con. Tôi và gia đình hứa sẽ đảm bảo pháp luật, không đòi lại con’. Anh Tùng còn hứa, 15 ngày sau sẽ mang giấy tờ đến ủy ban cùng vợ chồng con trai bà Nhạ làm giấy khai sinh cho Gia Huy.

 Biên bản giao con ngày 2/5/2016 tại UBND xã Sơn Dương của anh Tùng khi quyết định cho con. Ảnh: T.A.

Đưa Gia Huy về nhà, bà Nhạ làm cỗ xôi con gà, mua trái cây báo cáo với ông bà và người chồng quá cố về việc gia đình mình có thêm thành viên mới. Hàng xóm khi đó ai cũng đến chúc mừng nhà bà có cháu nội. Vợ chồng con trai bà cũng tập với việc chăm con nhỏ bằng cách sắm cho Gia Huy từ chiếc áo mới, nôi, xe đẩy, bình sữa…

Dù được ba mẹ nuôi yêu thương, nhưng Gia Huy quấy khóc, chỉ theo mỗi bà Nhạ, ai bế cũng không chịu. Để cháu thôi khóc, bà cho ngậm đôi ty nhăn nheo của mình. Cháu mút mãi không ra sữa nên cáu gắt, khóc thét. Còn bà hai đầu ti đỏ ửng, xót rát.

Chẳng còn cách nào khác, bà phải gọi chị Nhung khi đó mới sinh con gái út, đang ở Bình Dương về cho Gia Huy bú chực. ‘Lúc đó, thằng bé mới thôi khóc’, bà Nhạ nhớ lại.

Những ngày sau đó, bà cần mẫn nấu cháo, nghiền lấy nước cho cháu uống. Hơn một tháng sau, Gia Huy cũng quen với việc mình đang có bà nội, bố mẹ mới. Thế nhưng, điều bà Nhạ buồn là gần một tuổi mà em chưa được chích ngừa mũi nào, vì không có giấy khai sinh.

‘Cậu Tùng bảo 15 ngày sau sẽ cùng nhà tôi đi làm giấy tờ cho con trai nhưng không thấy đến. Nóng lòng, con trai tôi qua nhà tìm thì không ai biết nhà cậu ấy đi đâu đến giờ’, bà Nhạ nói. Sau đó, bà cùng vợ chồng con trai đưa Gia Huy vào Bình Dương định cư để có thể đến Bệnh viện Pasteur chích ngừa cho cháu.

 Bà Nhạ cho biết, hiện kinh tế của chị Nhẫn khá khó khăn, vì thế, khi Gia Huy quen mẹ bà sẽ đón về cho bé đi học. Ảnh: T.A.

‘Cháu không có giấy khai sinh nên phải đi chích dịch vụ. Mỗi lần đi, cả tiền xe và tiền thuốc hết mấy triệu. Vợ chồng con tôi là công nhân, kinh tế cũng không khá giả gì, nhưng thương thằng bé đã chịu thiệt vì bố mẹ ruột bỏ’, bà Nhạ nói.

Mọi rắc rối bắt đầu khi Gia Huy lên 3 tuổi. Em không thể đi học vì không có giấy khai sinh, không có tên trong hộ khẩu gia đình. Thấy các bạn trong xóm được đi học, em hỏi bà và ba mẹ: ‘Sao các bạn đi học còn con thì không?’. Bà Nhạ dối cháu: ‘Cháu chờ bà làm giấy tờ xong nhé’.

Lên 4 tuổi, cậu bé lại thắc mắc: ‘Bà nói chờ một tý mà bắt cháu chờ mãi. Bao giờ thì cháu mới được đi học’. Chẳng còn cách nào khác, bà Nhạ cùng vợ chồng con trai đi tìm anh Tùng và chị Nhẫn, nhờ họ đưa giấy tờ để làm giấy khai sinh cho Gia Huy.

Tháng 6 vừa qua, bà Nhạ quyết định đến thị trấn Ngã Năm, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng tìm chị Nhẫn sau thời gian dài con trai bà tìm anh Tùng không được. Nhờ có sự giúp đỡ của công an địa phương, bà tìm được chị Nhẫn chỉ trong một ngày. Khi đó, chị Nhẫn đang làm công nhân ở Đồng Nai. Anh công an của thị trấn Ngã Năm phải gọi vào số điện thoại của chị cho bà Nhạ nói chuyện.

 Ngồi xem lại từng bức ảnh của cháu nội, nước mắt bà Nhạ lại rưng rưng vì nhớ. Ảnh: T.A.

Sau khi hai bên thống nhất thông tin, ngày 14/7, chị Nhẫn cùng mẹ ruột đến nhà bà Nhạ ở phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương đón con. 'Thằng bé rất thích đi học, gặp cô gái nào trẻ cũng thích gọi là cô giáo. Khi Nhẫn đến, tôi phải nói dối: 'Hôm nay cô giáo dạy con đến nhà mình, con phải nhớ đến cho cô bế nhé. Thằng bé tin lắm. Có vậy nó mới cho mẹ bế', bà Nhạ nói, mắt đỏ hoe.

Chiều 19/7, thị xã Dĩ An mưa. Trong căn nhà cấp bốn, rộng 36m2, bà Nhạ gọi điện thoại nói chuyện với chị Nhẫn hỏi thăm tình tình của cháu nội. Đầu dây bên kia, chị Nhẫn cho biết, sau một tuần ở với mẹ, ông bà ngoại, các dì, cậu, Gia Huy không còn khóc nữa. Chị tính khi con ở quen với mẹ sẽ đưa con đến thăm bà Nhạ.

Còn bà Nhạ cho biết, hiện cuộc sống của chị Nhẫn đang khó khăn. Chị năm nay mới 23 tuổi, nên nếu chị đồng ý, hoặc nhận thấy Gia Huy ở với mẹ quá khó khăn, bà sẽ cùng vợ chồng con trai qua đón về nuôi, cho bé một tương lai tốt.

'Thằng bé giờ là cháu nội của tôi rồi. Bây giờ tôi sẽ để cho cháu quen mẹ. Sau này, tôi muốn đón cháu về nuôi, cho cháu được đi học', người phụ nữ quê Phú Thọ nói.