Cảnh giác với chiêu trò tuyển người bán hàng trên Facebook
- 07:43 22-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có nhận được đơn thư của một số bạn đọc phản ánh về việc một fanpage của công ty mỹ phẩm Hàn Quốc Shenshido Việt Nam-Hàn Quốc (gọi tắt là Shenshido) tự nhận là có trụ sở tại số 68 đường số 19, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM có hành vi chiếm đoạt tiền của họ.
Đăng thông tin lên Facebook là có tiền
Theo phản ánh của chị Bùi Xuân Lập (Quảng Ngãi), tháng 6-2019, chị được bạn giới thiệu một fanpage có tên Shenshido tuyển cộng tác viên (CTV) đăng bài quảng cáo. Công việc chủ yếu là rao bán sản phẩm mặt nạ collagen Hàn Quốc lên Facebook, có thu nhập 8-15 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, Shenshido sẽ gửi thông tin sản phẩm cho CTV đăng lên tài khoản Facebook cá nhân của mình. Sản phẩm là mặt nạ Hàn Quốc có giá 368.000 đồng/túi, bán cho khách giá 588.000 đồng/túi. Mỗi ngày đăng một bài, công ty sẽ trả 40.000 đồng nếu không bán được hàng và 80.000 đồng nếu bán được sản phẩm. Hai tuần công ty thanh toán một lần bằng hình thức chuyển khoản hoặc gửi qua bưu điện.
Thấy công việc đơn giản, lại có cơ hội kiếm tiền chênh lệch nên chị Lập đồng ý. Công ty cam kết nếu khách hàng không hài lòng về sản phẩm có thể trả lại, công ty sẽ hoàn tiền.
Sau vài ngày đăng bài, có một khách hàng trên Facebook đặt mua 10 túi mặt nạ collagen. Chị Lập liền liên hệ công ty mua hàng và thanh toán số tiền 3.680.000 đồng. Sau khi nhận hàng công ty chuyển qua bưu điện, chị gọi cho khách mua thì số điện thoại không liên lạc được. Chị bèn liên hệ với phía Shenshido để báo tình hình nhưng cũng không liên lạc được.
Chị Nông Thanh Tuyền (Đà Nẵng) cũng bỏ ra gần 10 triệu đồng mua 15 túi mặt nạ, sau đó chị cũng không liên lạc được với khách mua cũng như bên công ty Shenshido.
Có nhiều người khác cũng bị rơi vào tình trạng tương tự.
Sản phẩm là mặt nạ collagen Hàn Quốc được công ty Shenshido quảng cáo tuyển cộng tác viên trên Facebook. Ảnh: CÙ HIỀN |
Thận trọng với giao dịch trên mạng xã hội
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Chương Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM, xác nhận phường Phú Mỹ không có đường số 19, trên địa bàn cũng không có công ty mỹ phẩm cao cấp Shenshido Việt Nam-Hàn Quốc hoạt động. Chúng tôi cũng không tìm thấy thông tin nào về hoạt động của công ty Shenshido.
Do tên công ty Shenshido rất dễ nhầm lẫn với Shiseido, một hãng mỹ phẩm Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã liên hệ với phía Shiseido để tìm hiểu sự việc. Sau khi được chúng tôi cung cấp thông tin về vụ việc công ty Shenshido bán hàng trên Facebook, đại diện phía công ty cho biết Shiseido là đơn vị hoạt động độc lập ở Việt Nam, không liên quan gì với Shenshido.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena, chia sẻ: Do cơ chế hoạt động của mạng xã hội (MXH) cho phép mọi người đăng tin nhưng không được kiểm chứng nên tình trạng lừa đảo qua MXH nói chung, qua Facebook nói riêng diễn ra ngày càng phổ biến.
Hình thức lừa đảo đang phổ biến qua MXH là việc bên bán hàng online đăng bán những sản phẩm có giá trị nhỏ nhưng chất lượng tốt. Sau khi lấy được lòng tin của khách hàng, người bán bắt đầu đăng bán các sản phẩm có giá trị cao lên đến tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu. Sau khi bán được hàng và nhận tiền, người bán sẽ hủy toàn bộ thông tin giao dịch trước đó cũng như trang thông tin của họ. Với chiêu thức này, bên bán hàng online thu được rất nhiều tiền của những người nhẹ dạ cả tin, rất nhiều người đã sập bẫy.
Để tránh được những rủi ro trên, khi muốn thực hiện các giao dịch trên mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng, người dùng phải kiểm tra thực tế thông tin bên bán cung cấp. Nếu thấy thông tin không rõ ràng, mập mờ thì không thực hiện giao dịch.
Khó xử lý tội danh lừa đảo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết trong việc này, những người tham gia mạng lưới CTV bán hàng cho Shenshido cũng có lỗi bởi không xác minh thực tế về công ty, không tìm hiểu về sản phẩm trước khi hợp tác. CTV là người bán hàng trên MXH còn phải có trách nhiệm tìm hiểu về sản phẩm có hợp pháp hay không. Nếu hàng đó không có hóa đơn, chứng từ, không có xuất xứ thì người này vô tình đã tiếp sức cho hành vi buôn lậu. Đối với công ty này, lực lượng chức năng rất khó xử lý tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi họ có giao dịch bán hàng - có thu tiền nên để xử lý hình sự là rất khó. |