Điểm danh loạt doanh nghiệp tiếp tay hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ
- 16:37 19-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại cuộc họp báo chuyên đề công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ ngày 19/7, Tổng cục Hải quan cho biết: Cục Điều tra chống buôn lậu và các đơn vị liên quan lập kế hoạch, xác minh thông tin liên quan đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép của 6 Công ty có sản lượng gỗ sản xuất, xuất khẩu lớn, có dấu hiệu tăng đột biến vào Mỹ.
Hải quan ngăn chặn nhiều vụ gian lận xuất xứ. Ảnh: L.Bằng |
6 doanh nghiệp tiếp tay xuất khẩu gỗ dán vào Mỹ
Công ty TNHH VT ...... (thành phố Hà Nội): Qua xác minh, đây là Công ty thương mại, năm 2018 đến hết tháng 3/2019, Công ty đã xuất khẩu 27.051,73 m3, các mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán trị giá hơn 405 tỷ đồng.
Công ty đã được hoàn thuế VAT hơn 32 tỷ đồng.
Công ty TNHH VM....... ( tỉnh Hưng Yên): Từ khi thành lập tháng 1/2018 đến 31/3/2019, Công ty đã sản xuất và bán cho: Công ty TNHH VT để xuất khẩu với số lượng: 5.499,22m khối, trị giá hơn 64 tỷ đồng. Trong đó lô hàng sản xuất từ ván bóc được nhập khẩu từ Trung Quốc, sản xuất ra thành phẩm bán cho Công ty TNHH VV: 8.425 tấm, trị giá 3,3 tỷ đồng.
Công ty trực tiếp xuất khẩu: 79,9m khối gỗ ván ép, trị giá hơn 935 triệu đồng.
Công ty Cổ phần AA ....... ( tỉnh Nam Định): Từ khi thành lập tháng 6/2018, đến tháng 3/2019, Công ty sản xuất và bán cho Công ty TNHH VT để xuất khẩu 5.709m3 để xuất khẩu trị giá hàng hóa hơn 60 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần GR......... ( tỉnh Lạng Sơn): thành lập tháng 6/2018, tính đến tháng 3/2019, Công ty đã sản xuất và bán cho Công ty TNHH VT 24.078m khối gỗ ván ép để xuất khẩu, trị giá: 112 tỷ đồng.
Công ty TNHH FN…….. ( tỉnh Phú Thọ) nhập khẩu nguyên liệu gỗ ván bóc/ ván ép bán thành phẩm từ Trung Quốc: 2.087m3 gỗ ván bóc từ cây gỗ phong trắng/ gỗ bạch dương và 28.935m3 gỗ ván ép/ gỗ dán.
Công ty xuất khẩu gỗ ván ép/ gỗ dán thành phẩm cho 07 đối tác với tổng lượng xuất khẩu là 15.542m3. Công ty đã được hoàn thuế VAT: 12 tỷ đồng..
Công ty TNHH Go ……. ( thành phố Hà Nội): Năm 2018, Công ty TNHH Go đã mở 80 tờ khai hải quan xuất khẩu 12.600m3. trị giá trên 120 tỷ đồng, tuy nhiên Công ty không xin Giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O) cho các lô hàng xuất khẩu này, theo giải trình của Công ty là do đối tác mua hàng không yêu cầu cung cấp C/O. Về nội dung này Cục Điều tra chống buôn lậu đã xác minh và đang chờ trả lời của Hải quan các nước đối tác nhập khẩu gỗ của Công ty.
Buông lỏng chứng nhận xuất xứ
Qua xác minh đối với 6 công ty và kết quả làm việc với các hộ dân, chính quyền một số địa phương, cơ quan hải quan phát hiện một số vấn đề nổi lên liên quan đến vi phạm trong việc doanh nghiệp lập hồ sơ xin cấp C/o như sau:
Kết quả đã xác định Hồ sơ xin cấp C/O của Công ty TNHH VT, Công ty TNHH VM, Công ty Cổ phần Gr và Công ty Cổ phần AA là vi phạm quy định pháp luật:
Các công ty trên đã thừa nhận không mua nguyên liệu gỗ bạch đàn, gỗ keo từ các hộ dân ghi trong hợp đồng.
Các Công ty đã sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp C/O là giả, mục đích hợp thức hồ sơ đầu vào để làm thủ tục xin Giấy chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam cho các lô hàng mà công ty sản xuất để bán cho Công ty khác xuất khẩu hoặc trực tiếp xuất khẩu.
Sử dụng hóa đơn GTGT mua keo, bột mỳ dùng cho nhiều tờ khai để làm hồ sơ xin cấp C/O mà tổng số lượng keo và bột mỳ trong các tờ khai vượt quá số lượng so với số lượng keo, bột mỳ trên hóa đơn GTGT đầu vào.
Có một số doanh nghiệp nhập khẩu ván bóc, bán thành phẩm từ Trung Quốc về để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O.
Đối với Công ty TNHH VT, một số hồ sơ xin cấp C/O cho các lô hàng xuất khẩu của Công ty (do các Công ty sản xuất cung cấp), có sử dụng các giấy tờ không hợp pháp, một số giấy tờ có dấu hiệu làm giả.
Cơ quan hải quan cũng chỉ ra trách nhiệm chính quyền địa phương trong công tác quản lý lâm sản.
Cục Điều tra chống buôn lậu nhận thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong xác nhận hồ sơ lâm sản. UBND một số xã không mở hồ sơ theo dõi khai thác lâm sản, không kiểm tra thực tế trước khi xác nhận hồ sơ lâm sản. Có nhiều hồ sơ lâm sản, số lô, số thửa trên bảng kê lâm sản không có trên thực tế hoặc không đúng với số lô, số thửa mà hộ dân đang trồng và khai thác rừng, cá biệt còn có trường hợp lãnh đạo UBND xã ký, đóng dấu sẵn vào một số đơn đề nghị cấp phép khai thác, Bảng kê lâm sản khai thác, Bảng kê lâm sản rồi đưa cho hộ dân về tự điền thông tin vào các giấy tờ trên.
Việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O của VCCI cũng được xác định là không chặt chẽ.
Cụ thể, một số bảng kê lâm sản, bảng kê lâm sản khai thác không ghi ngày tháng, không có chữ ký của chủ rừng, chữ ký của chính quyền xã, không có chữ ký của người dân trong hợp đồng mua nguyên liệu nhưng vẫn được cấp chứng nhận C/O.
Trong nhiều Bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí “CTC” có mẫu thuẫn, trùng lắp về hóa đơn, số liệu nhưng vẫn được cấp C/O. Hóa đơn nguyên liệu keo, bột mỳ, gỗ ván mặt được các công ty sử dụng nhiều lần trong các tờ khai xin C/O vượt quá số lượng keo, bột mỳ, ván mặt trong hóa đơn đầu vào để sản xuất gỗ dán xuất khẩu không được kiểm tra phát hiện.
Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, việc quy định về xuất xứ theo tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 6 số đối với một số trường hợp là tương đối lỏng lẻo.