Thanh Chương (Nghệ An): Tự ý khai thác nước không phép để bán làm nước sinh hoạt?
- 19:14 21-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người dân xã Xuân Tường (huyện Thanh Chương) phản ánh, nguồn nước từ đồi Khe Mua, lâu nay phục vụ sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm hộ dân các xóm: 5,6,7. Thế nhưng, từ khi ông Lưu Viết Ngân ở xóm 6, đưa máy khoan công nghiệp về làm giếng lấy nước để kinh doanh thì nguồn nước ở đây cũng cạn dần, giếng của nhiều hộ dân xung quanh bị hụt nước. Người dân cũng cho rằng, việc khai thác nước ngầm đem bán của ông Ngân là trái với pháp luật.
Ông Ngân chỉ cho PV xem giếng lấy nước ngầm trên khu vực Khe Mua |
Ông Ngân làm thợ điện nước. Năm 2007, ông lấy nguồn nước Khe Mua dẫn về nhà để dùng (nhà ông cách giếng này chừng 200 m) và có bán cho ít hộ xung quanh. Từ năm 2013, khi thấy nhu cầu nước sinh hoạt tăng lên, ông Ngân đã bỏ ra 14 triệu đồng thuê máy khoan địa chất công trình về khu vực Khe Mua khoan sâu hàng chục mét để lấy nước ngầm. Khoan xong, ông cho lắp một ống nhựa phi 110, chọc thủng các lỗ, nước ngầm từ các lỗ này tự chảy vào giếng bên cạnh có dung tích 30m3 để lấy về bán cho các hộ ở xa nguồn.
Cũng từ đó, mực nước giếng của các hộ xung quanh sụt giảm dần. Một người dân ở xóm 6, bức xúc: “Nhiều năm nay, có 15 hộ có giếng bị cạn do ông Ngân lấy nước quá nhiều, đến mùa nắng nóng năm nay thì mọi việc càng tồi tệ hơn. Chúng tôi dùng nước giếng cứ vài ngày phải nhờ ông Ngân đóng van đường ống để nước trong giếng dâng lên một chút mới có mà dùng”.
Ông Ngân chỉ cho PV xem giếng lấy nước ngầm trên khu vực Khe Mua |
Còn ông Ngân thì thừa nhận: “Các hộ dân gần giếng khoan của ông chỉ những ngày hè mới hụt nước. Khi nhiều nhà giếng cạn không đủ nước thì tôi đã khóa không dẫn nước về, vừa cho các hộ dân dùng giếng có nước để dùng lại vừa dự trữ nước trong giếng của mình, làm vậy cho cân bằng. Vì bình thường nếu mở cả thì người ta hết nước dùng nên mình sẽ bị phàn nàn” - Ông Ngân, lý giải.
Ông Ngân kinh doanh nước là do nắm bắt nhu cầu của dân cộng với kinh nghiệm của thợ làm điện nước đã giúp ông tạo một hệ thống ống dẫn đi khắp xóm. Với cách thức, lấy nước ngầm qua giếng trên đồi. Khi giếng này tích đủ nước, ông mở van nước tự chảy (khi cần thiết ông còn dùng máy bơm chìm đặt ở giếng đẩy nước về) theo ống dẫn về bể lớn với dung tích khoảng gần 100m3 xây ở trong vườn. Bể này vừa chứa nước dự trữ, vừa tạo áp để dẫn nước đi theo đường ống chính dài đến vài km mà ông đã bỏ ra hàng trăm triệu để lắp đặt trước đó rồi theo đồng hồ nước vào nhà dân.
Lúc đầu, ông huy động gần chục hộ sống gần quốc lộ 46A nhưng xa nguồn nước, mỗi hộ đóng góp 1 triệu đồng để ông đưa nước về. Thấy những hộ trên có nước dùng, nhiều nhà khác cũng muốn có nước. Nắm thời cơ, ông nhập đồng hồ đo nước về bán cho các hộ. Còn đường ống, trang thiết bị tính từ sau đồng hồ trở vào nhà và tiền công ông lắp đặt gia chủ phải chịu.
Bể trữ nước hàng trăm m3 của ông Ngân để bán cho người dân xung quanh |
Ông Ngân tiết lộ, do sợ đầu tư vào sẽ thu hồi vốn chậm nên khi đấu nối vào hệ thống đường ống, ông yêu cầu chủ hộ cho ứng một số tiền, sau đó, trừ vào tiền nước hàng tháng. Vì muốn có nước dùng nên ai cũng phải đưa tiền ứng trước, nhờ tiền đó, ông Ngân tái đầu tư vào đường ống. “Trước đây, tôi cho làm hợp đồng có phô tô mỗi nhà giữ mỗi bản nhưng giờ không làm hợp đồng nữa. Ngoài tiền ứng, tôi yêu cầu đầu tư mỗi nhà 1 triệu đồng bao gồm tiền đồng hồ đo nước và tiền công, về sau hạ xuống còn 800 ngàn đồng dân mới chịu (gồm 500 ngàn tiền đồng hồ nước và 300 ngàn tiền công - PV)” - Ông Ngân nói.
Đến nay, có 120 hộ dân đã sử dụng nước từ đường ống của ông Ngân. Tiền nước hàng tháng, ông thu theo “tinh thần tự nguyện”, sau khi kiểm đếm qua đồng hồ nước, 1m3 nước có giá 5.000 đồng. Nhà dùng ít thì dăm ba khối, nhà nhiều thì từ 20 đến 30 khối nước. Nói là vậy nhưng khi chúng tôi xin được xem sổ thu tiền nước thì ông Ngân từ chối.
Ông Ngân cũng khẳng định, ông không lấy nước tự chảy trên khe như những nơi khác vì sợ bẩn mà lấy nước ngầm. Để chắc ăn cho việc đầu tư của mình, ông Ngân cũng giữ phiếu kết quả thử nghiệm mẫu nước từ năm 2007, với 5 chỉ tiêu do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An thực hiện. Phiếu này là “bảo bối” để ông trình với khách hàng và cơ sở để ông yên tâm đầu tư lắp đặt và bán nước lâu nay. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phiếu này không còn giá trị pháp lý.
Ông Ngân có dự định mở rộng quy mô để số lượng người dân dùng sẽ tăng lên. Còn về thủ tục khai thác nước ngầm, kinh doanh nước, ông Ngân nói, biết đã lâu, nhưng bỏ ra làm mà không thu lãi bao nhiêu nên không làm.
Phiếu kết quả thủ nghiệm từ 12 năm trước, không số, không có giá trị pháp lý được ông Ngân xem như “bảo bối” để được bán nước sinh hoạt |
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, không chỉ ông Ngân mà còn có bà Nguyễn Thị Mỹ, nhà ở trước cổng UBND xã, 2 năm nay, cũng làm 400m đường ống bán nước qua đồng hồ cho 15 hộ, với giá 5.000 đồng/1m3. Bà Mỹ tiết lộ, bà đã thuê máy về đào giếng để lấy nước ngầm và bơm lên bồn nước 2.000 lít sau đó xả theo đường ống để bán cho dân. Bà còn cho dân thuê nhà để lấy nước làm xưởng đá lạnh.
Còn ông Nguyễn Phùng Hòa, Chủ tịch UBND xã Xuân Tường thì cho rằng, không có chuyện nhà bà Mỹ bán nước theo đồng hồ. Còn ông Ngân không lấy nước ngầm vì ở địa phương nước ngầm phải khoan sâu từ 30m đến 50m thì mới có. Đây là nước chảy từ trên khe xuống, họ xây bể để trữ nước. Do nhu cầu về nước của dân nên họ tự góp tiền mua đường ống, lắp đặt để sử dụng(?).
Theo Luật Tài nguyên nước và Nghị định 201/2013/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất (nước ngầm) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên đến dưới 3.000m3/ngày đêm thì phải xin phép chính quyền cấp tỉnh. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm; giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân có chiều sâu lớn hơn 20m thì phải thực hiện việc đăng ký khai với chính quyền cấp huyện. Vì thế, việc tự ý đào giếng khai thác nước ngầm và xây dựng đường ống để kinh doanh nước sinh hoạt của ông Ngân là trái với quy định của pháp luật. Đó là chưa bàn đến chất lượng nguồn nước nói trên có đảm bảo vệ sinh hay không?