Viện KSND tối cao đề nghị thu hồi hơn 1.633 tỉ đồng từ BIDV
- 14:18 19-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2 |
Viện KSND tối cao vừa có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, theo hướng: hủy phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, Hồ Thị Đi để xét xử phúc thẩm lại, không cho các bị cáo này được hưởng án treo. Đồng thời, hủy phần quyết định hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Lê Đài và giữ nguyên phần quyết định hình phạt của bản án sơ thẩm đối với Lê Đài.
Đối với phần dân sự và xử lý vật chứng, Viện KSND tối cao kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy phần trách nhiệm không phải hoàn trả số tiền hơn 1.633 tỉ đồng của BIDV chi nhánh sở giao dịch 2 và chi nhánh Hải Vân, từ đó giữ nguyên phần quyết định của bản án sơ thẩm buộc BIDV phải hoàn trả lại cho CB Bank hơn 1.633 tỉ đồng.
Ngoài ra, nội dung kháng nghị của Viện KSND tối cao còn đề nghị hủy phần thu hồi 4.500 tỉ đồng từ CB Bank để xét xử phúc thẩm lại theo hướng không thu hồi 4.500 tỉ đồng từ CB Bank, trả lại cho Phạm Công Danh, từ đó khấn trừ nghĩa vụ của Phạm Công Danh trong vụ án đối với CB Bank.
Trước đó, tháng 12.2018, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án vụ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 6.126,8 tỉ đồng cho CB Bank, tiền thân TrustBank), do Phạm Công Danh và đồng phạm thực hiện.
Cụ thể, về trách nhiệm hình sự, HĐXX phúc thẩm y án 30 năm tù đối với Phạm Công Danh, tổng hợp hình phạt ở cả hai giai đoạn của vụ án. Các bị cáo đồng phạm còn lại kháng cáo, nhưng không được HĐXX chấp nhận, y án từ 3 năm tù hưởng án treo đến 10 năm tù.
Với kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM không đồng tình với bản án sơ thẩm khi cho 4 bị cáo: Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh được hưởng án treo, HĐXX phúc thẩm nhận định, mức độ phạm tội của 4 bị cáo này bị hạn chế, phụ thuộc vào Phạm Công Danh. Ngoài ra, 4 bị cáo có cùng hành vi phạm tội ở hai giai đoạn của vụ án, chỉ là tài xế, tạp vụ, nhân viên... đứng tên công ty cho Danh, không hưởng lợi, nếu không tách vụ án ra thành hai giai đoạn thì cũng không ảnh hưởng đến hình phạt nên án sơ thẩm cho 4 bị cáo này hưởng án treo là phù hợp.
Ngoài ra, HĐXX phúc thẩm cũng chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Lê Đài do bị cáo này có tình tiết giảm nhẹ mới.
Vì sao không thu hồi 1.633 tỉ đồng từ BIDV Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm, HĐXX cấp này nhận định tuy bị cáo Phạm Công Danh lấy 1.633 tỉ đồng từ hành vi phạm tội trong vụ án để tất toán các khoản vay khác của Tập đoàn Thiên Thanh tại BIDV chi nhánh Hải Vân, BIDV sở giao dịch 2, nhưng 1.633 tỉ đồng này đã hòa vào tổng dòng tiền chung của BIDV năm 2012, 2013 và không còn lưu lại tại BIDV. Ngoài ra, theo HĐXX phúc thẩm, BIDV là ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước nắm giữ 95% vốn điều lệ, hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo BIDV hoàn thiện phương án cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Do đó án sơ thẩm tuyên thu hồi và buộc BIDV phải trả 1.633 tỉ đồng cho CB Bank là không đúng, ảnh hưởng đến giao dịch của BIDV, ảnh hưởng đến nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, gây thiệt hại cho nhà nước. Từ đó, cấp phúc thẩm sửa nội dung này của bản án sơ thẩm, tuyên không thu hồi hơn 1.633 tỉ đồng từ BIDV để trả lại cho CB Bank. |