Người đặt camera quay lén khách du lịch tắm trên tàu đối mặt với án phạt hành chính hay hình sự?
- 10:35 18-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 15/7, UBND TP Hạ Long chính thức ban hành văn bản số 5171/UBND đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh từ chối cấp phép, rời cảng bến, đình chỉ hoạt động trên vịnh Hạ Long đối với tàu du lịch Hùng Long 66 QN-6096 do bà Lê Thị Hương làm chủ để phục vụ công tác điều tra.
Thời gian từ chối cấp phép bắt đầu ngay từ ngày 15/7 cho đến khi có văn bản chấp thuận hoạt động trở lại của UBND TP Hạ Long.
Trước đó, ngày 13/7, TP Hạ Long nhận được phản ánh của đoàn khách du lịch đi tham quan vịnh Hạ Long trên tàu Hùng Long 66 QN-6096 bức xúc về việc thuyền viên làm việc trên tàu có hành vi sử dụng camera điện thoại để ghi hình khách du lịch tắm nước ngọt trên tàu.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND TP Hạ Long đã giao Công an TP Hạ Long chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xác minh, điều tra làm rõ vụ việc nêu trên và xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có).
Liên quan đến vụ việc này, nhiều độc giả đặt vấn đề vậy người có hành vi đặt camera quay lén sẽ bị xử lý như thế nào theo luật định?
Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý dẫn quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, được quy định như sau: "Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác".
Theo ông Lê Văn Kiên, sinh hoạt cá nhân (tắm rửa, thay quần áo…) là đời sống riêng tư của mỗi cá nhân được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra. Vì vậy, sinh hoạt cá nhân được hiểu là bí mật đời tư của mỗi cá nhân. Theo quy định trên, sinh hoạt cá nhân của mỗi người được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố tư liệu về sinh hoạt cá nhân của người khác phải được sự đồng ý của họ.
"Vì vậy, người có hành vi quay trộm cảnh sinh hoạt cá nhân của người khác là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bí mật đời tư", luật sư Kiên nói.
Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý |
Luật sư Kiên phân tích thêm, về dân sự: Người có hành vi xâm phạm, gây ra thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị xâm hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Còn về xử lý hành chính, luật sư Kiên dẫn khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013, người nào thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Cũng nhận định về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi đặt thiết bị quay lén là vi phạm pháp luật về quyền bí mật đời tư của cá nhân.
Luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự |
Luật sư Sơn cũng dẫn Điều 38 Bộ luật Dân sự đã quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Người có hành vi xâm phạm, gây ra thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị xâm hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Luật sư Sơn phân tích thêm, về xử lý hành chính, theo khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013, người nào thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Về hình sự, trường hợp việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân có được do quay lén với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân mà bị hại chứng minh được thiệt hại thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS.
Theo đó, mức phạt tiền cao nhất là 30 triệu đồng, phạt tù lên đến hai năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Nếu người vi phạm có hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến các đoạn clip quay lén với nội dung nhạy cảm thì người vi phạm có thể bị truy cứu về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được quy định, hướng dẫn tại Điều 326 BLHS với mức phạt tù cao nhất là 15 năm.
Trong trường hợp này, cơ quan công an cần làm rõ động cơ, mục đích của người vi phạm. Ngoài ra cũng cần làm rõ tính chất, mức độ của hành vi đó. Xem người vi phạm đã sử dụng sản phẩm quay lén để làm gì? vào mục đích gì? từ đó làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.