Nơi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 0%, 3 học sinh đã có vợ
- 08:37 17-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một ngày sau khi Sở GD&ĐT Quảng Ngãi công bố kết quả thi THPT quốc gia 2019, ngày 16/7, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề Minh Long vắng lặng.
Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề Minh Long. Ảnh: Minh Hoàng. |
Học sinh thường xuyên nghỉ học để mưu sinh
Năm học 2018-2019, trung tâm có 57 học sinh học 3 lớp THPT. Cơ sở này có 13 cán bộ, trong đó, 7 giáo viên đứng lớp.
Đến các bản làng ở huyện Minh Long, nhà của các học sinh vừa thi rớt tốt nghiệp đều khóa cửa. Người dân địa phương cho hay vào mùa hè, các em thường xuyên theo cha mẹ lên núi làm rẫy hoặc đi làm thuê kiếm sống ở các huyện lân cận.
Hơn 20 năm gắn bó với ngành giáo dục, thầy Huỳnh Quang Tải, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề Minh Long, chưa bao giờ cảm thấy u buồn, "sốc nặng" như kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm nay.
"Nghe đồng nghiệp điện thoại báo tin cả lớp 12 thi tốt nghiệp rớt sạch, tôi không thể tưởng tượng nổi. Những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của trung tâm luôn đạt hơn 80%, nhưng năm nay thì không em nào đậu, nên xót xa, buồn lắm", ông Tải thổ lộ.
"Xuất phát thấp"
Theo các giáo viên, kỳ thi năm nay, trung tâm có 13 nam sinh đăng ký, trong đó có 3 thí sinh tự do (một bạn sau đó bỏ thi). Đề thi được đánh giá quá sức các em ở huyện vùng cao này.
Dãy phòng học của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề huyện Minh Long. Ảnh: Minh Hoàng. |
Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, vào mùa thu hoạch cây gỗ keo hoặc thu hoạch lúa, học sinh ở trung tâm nghỉ dài ngày, ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy. Thầy cô rất khó bù lấp khoảng trống kiến thức bị thiếu hụt.
Ông Nguyễn Văn Cáng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề huyện Minh Long, cho hay sau khi nghe kết quả tốt nghiệp 0%, giáo viên trong trường buồn "mất ăn, ngủ".
Giám đốc Trung tâm nhìn nhận hoàn cảnh kinh tế của gia đình học sinh vùng cao huyện Minh Long khó khăn, các em lại có nền tảng kiến thức "đầu vào" thấp. Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần nhìn nhận thực trạng giáo dục ở các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa để có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững cho học sinh khu vực này.
"Học sinh vào học ở trung tâm, độ tuổi thấp nhất từ 20 đến 22, một số em tuổi đời lên 30-40. Lớp 12 của trung tâm thi tốt nghiệp THPT năm nay, 3 học sinh đã có vợ, bận rộn gia đình nên việc học tập, tiếp thu kiến thức gặp nhiều khó khăn", ông Cáng nói.
Điểm danh thủ khoa ở Lạng Sơn: Vắng bóng thí sinh công an, quân đội