Lãnh đạo huyện miền Tây xứ Nghệ đồng loạt “vạch tội” các nhà máy thủy điện
- 21:44 10-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2019/07/10/L__nh______o_huy___n_mi___n_T__y_x____Ngh_________ng_lo___t____v___ch_t___i____c__c_nh___m__y_th___y___i___n.mp4[/presscloud]
Chiều 10/7, tại buổi thảo luận tổ kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, đại diện các huyện miền núi Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đồng loạt phản ánh về tình trạng các nhà máy thủy điện xả lũ gây thiệt hại đến cuộc sống của người dân.
Toàn cảnh thảo luận tổ kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII |
Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết, việc quy hoạch xây dựng ồ ạt các dự án nhà máy thủy điện theo bố cục bậc thang trong những năm trước đã gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống dân sinh. Chưa năm nào tình trạng ngập lụt tại một số huyện miền núi tỉnh Nghệ An lại nặng nề như đợt mưa lũ xảy ra trong tháng 8 và đầu tháng 9/2018 vừa qua.
“Trên địa bàn nhiều ngôi nhà bị đổ sập do nước lũ, nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Các nhà máy thủy điện vận hành gây ra hệ lụy, ngập lụt, gây thiệt hại lớn cho người dân là điều không thể chối cãi”, ông Hải nhấn mạnh.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ năm 2018. |
Đặc biệt, năm 2018, sau 2 đợt xả lũ của thủy điện, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương có 65 hộ bị ảnh hưởng và thiệt hại. Ở đợt 1 có 34 hộ dân, đợt 2 có 31 hộ dân. Những hộ dân này được UBND tỉnh đưa vào Dự án “Di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất”. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa có nhiều chuyển động, người dân đang phải sống trong lều bạt, tạm bợ.
Vì vậy, đại diện huyện Tương Dương đề nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá thực tế về thiệt hại, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các thủy điện, các đơn vị liên quan để có chính sách khắc phục các thiệt hại; đồng thời đánh giá lại quy trình vận hành liên hồ chứa, cắm lại mốc ngập lũ của các lòng hồ để có phương án phòng tránh, xử lý; xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo lũ sớm.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng phát biểu hội nghị. |
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng cho biết, trên địa bàn hiện có đến 10 dự án thủy điện, trong đó có 3 dự án đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, khi thủy điện về, toàn bộ diện tích đất rừng, đất lúa sinh lợi rất lớn hàng năm cho cộng đồng nay không còn nữa. Ngoài ra, tỷ lệ đói nghèo, không có việc làm, tư liệu sản xuất thiếu ở nơi tái định cư mới đã khiến cuộc sống của người dân phải “tha phương cầu thực”.
Việc thi công và đưa vào hoạt động các dự án thủy điện trên địa bàn đã làm hủy diệt nguồn thủy sinh trên sông Nậm Nơn, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ dân làm nghề chài lưới trên sông. Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Hoàng đề nghị tỉnh cần dừng triển khai 2 dự án thủy điện trên địa bàn Kỳ Sơn, gồm thủy điện Nậm Mô I và thủy điện Mỹ Lý.
Việc xả lũ đã khiến nhiều nhà dân bị nước cuốn. |
Trao đổi về việc này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông cho rằng, không phủ nhận những đóng góp của các nhà máy thủy điện trong nhiều năm qua. Nhưng từ các đợt lũ lụt trong tháng 8/2018, cần đánh giá những tác động của các nhà máy thủy điện. Đánh giá để đề ra được những giải pháp khắc chế, triệt tiêu những hệ lụy; đồng thời qua đó để các nhà máy thủy điện phải nhìn nhận, có sự điều chỉnh và có trách nhiệm với xã hội.
Tỉnh Nghệ An có 32 dự án với tổng công suất 1.359,9 MW đã được phê duyệt. Trong đó, 13 nhà máy đã vận hành phát điện, 2 nhà máy đang chạy thử; 9 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai; 3 dự án đã có trong quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa có chủ trương đầu tư. |