Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hiệp hội Chống hàng giả vinh danh thuốc giả, phó chủ tịch làm bằng giả

Trước khi xảy ra lùm xùm về Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, Hiệp hội chống hàng giả cũng từng dính tai tiếng về các danh hiệu và nhân sự khác.

Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) là tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của những cá nhân, tổ chức hoạt động trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh việc bảo vệ các thương hiệu Việt khỏi các thương hiệu và sản phẩm giả mạo, Hiệp hội cũng tổ chức không ít chương trình vinh danh doanh nghiệp và doanh nhân. Đáng chú ý, một số danh hiệu, chương trình của Hiệp hội vướng phải lùm xùm, gây xôn xao dư luận.

Ngày 28/6, Ban phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam chính thức ra đời dưới quyền quản lý của Viện Công nghệ chống làm giả (trực thuộc VATAP), có chức năng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất.

Tuy nhiên, 2 trong 5 phó trưởng ban phụ trách lại là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” và “Nam vương doanh nhân” - những người được cho là chưa có nhiều đóng góp cho cộng đồng doanh nghiệp.

 Công ty TNHH Vinaca từng được vinh danh trong Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017.

Trước đó, tháng 10/2017, Hiệp hội trao giải “Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu năm 2017” cho một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Vinaca.

Chiều 18/4, cựu tổng giám đốc Vinaca Nguyễn Xuân Thu lĩnh án 22 năm tù và phạt 50 triệu đồng vì sản xuất hàng giả, tiêu biểu là thuốc chữa ung thu làm từ bột than tre.

Xoay quanh việc vinh danh một công ty lừa đảo, ông Lê Trọng Anh - Thường trực Ban tổ chức chương trình Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017 cho biết tại thời điểm vinh danh, đơn vị này đang hoạt động tốt, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm thuộc trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường và Sở Y tế địa phương.

Ông thậm chí còn khẳng định: “Các doanh nghiệp trong đó có Công ty Vinaca tự động đăng ký rồi chi tiền để chương trình được diễn ra thường xuyên". Sự việc dấy lên quan ngại về tiêu chí và quá trình lựa chọn các thương hiệu để vinh danh của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam.

 Ông Nguyễn Trọng Khanh - Phó chủ tịch VATAP nhiệm kỳ IV (2016-2021) được xác minh làm giả bằng Đại học. Ảnh: N.H. 

Tháng 8/2018, ông Nguyễn Trọng Khanh được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch VATAP nhiệm kỳ IV (2016-2021). Ông trình lên văn bằng trình độ đại học bằng khá, danh hiệu dược sỹ cao cấp.

Tuy nhiên, ít lâu sau, cơ quan đại diện Tạp chí Hàng hóa và Thương hiệu phía Nam đã có công văn đề nghị Đại học Dược Hà Nội xác minh văn bằng của ông này vì nghi ngờ tính chính xác.

Trong văn bản trả lời ngày 29/11/2018 của Đại học Dược Hà Nội, trường này xác nhận rõ “không cấp bằng tốt nghiệp đại học ngành dược cho ông Nguyễn Trọng Khanh”.

Thế nhưng, trao đổi với báo chí, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch VATAP cho biết hầu hết thành phần tham gia VATAP đều là cán bộ, công chức về hưu, nên Hiệp hội rất khuyến khích cán bộ trẻ đến làm việc mà "không coi trọng bằng cấp".

Hiện nay, Ban Phát triển thương hiệu doanh nghiệp và Chống hàng giả đã có 4 phó trưởng ban xin miễn nhiệm chỉ sau vài ngày thành lập. Ngoài ông Trần Quí Thanh - Tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát rút lui với “lý do cá nhân và sức khỏe”, 3 phó trưởng ban còn lại gồm “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” Phạm Nữ Hiền Ngân, ông Trương Văn Tiễn và ông Hoàng Văn Trường đều đưa ra lý do “không đủ năng lực”.