Tướng Đoàn Duy Khương đề nghị hủy hàng nghìn xe máy hết niên hạn
- 16:20 09-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội cuối giờ sáng nay, ĐB Nguyễn Quốc Khánh (Hoàng Mai) nhắc việc UBND TP đã giao công an và các quận, huyện hoàn thành thống kê xe máy đã qua sử dụng thông qua năm sản xuất, sử dụng.
Theo yêu cầu, tháng 3 vừa qua phải rà soát xong xe máy không đảm bảo chất lượng nhưng nhiệm vụ này chậm, chưa hoàn thành.
ĐB Nguyễn Quốc Khánh. Ảnh: Phạm Hải |
ĐB đề nghị Giám đốc Công an TP cho biết biện pháp, giải pháp để hoàn thành.
ĐB Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) cho hay, ở TP vẫn diễn ra tình trạng xe khách tuyến cố định hoạt động sai hành trình, dừng đón trả khách không đúng quy định; xe hợp đồng dừng đỗ, đón trả khách như các xe tuyến cố định; nguy cơ các bến xe chính giảm phương tiện giao thông, trong khi đó nở rộ xe dù, bến cóc…
"Giám đốc Công an TP cho biết trách nhiệm của lực lượng công an trong việc xử lý các vi phạm? Công an TP có giải pháp gì trước mắt và lâu dài để giải quyết dứt điểm tình trạng này?”, ông Đức hỏi.
Trả lời câu hỏi của ĐB Khánh vào chiều nay, Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho hay, Công an TP đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông từ TP xuống các huyện, quận, thị xã triển khai rà soát.
Ông Khương thông tin, hiện có hơn 9.000 ô tô hết niên hạn, lực lượng chức năng đã gửi thông báo cho chủ sở hữu của 7.200 xe. Với xe máy niên hạn 30 năm thì có hơn 43.000 xe, niên hạn trên 40 năm là hơn 10.500 xe, trên 50 năm có 479 xe.
Theo ông, nghị định 95 của Chính phủ có quy định, niên hạn xe tải là 25 năm, xe khách là 20 năm nên lực lượng công an có căn cứ để thông báo.
Tuy nhiên, với xe máy thì nghị định của Chính phủ và nghị quyết của HĐND TP đều không đưa ra quy định cụ thể này nên Công an TP dựa trên cơ sở rà soát theo hồ sơ đăng ký để xử lý.
“Qua kiểm tra, phát hiện vi phạm, đối chiếu quyết định tạm giữ các xe có lỗi phải tạm giữ, thì xe máy đã sử dụng 30, 40 năm gần như các chủ sở hữu bỏ xe vì giá trị phương tiện không nhiều, thậm chí tiền phạt có khi cao hơn.
Số này Công an TP đang đề nghị TP cho thanh lý, hủy”, ông Khương nói.
Với xe tải và xe khách, tuy đã gửi thông báo 7.200 trường hợp, nhưng hầu hết các chủ phương tiện cũng không đến.
“Nhiều chủ phương tiện đã bán xe cho chủ khác, thậm chí các chủ khác đã chuyển hóa thành các xe vận tải, đưa đến địa phương khác để hoạt động chứ không ở Hà Nội”, ông Khương nói.
Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương. Ảnh: Phạm Hải |
Từ vấn đề trên, Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết, ngoài tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thì lực lượng công an phối hợp với CSGT, nhất là bộ phận đăng kiểm để khi có xe hết niên hạn thì đề nghị thu hồi biển kiểm soát, giấy tờ xe chuyển cơ quan công an. Đồng thời lập biên bản cấm lưu hành với các phương tiện này.
“Hiện nay tạm dừng ở mức đó, hiệu quả rất thấp”, ông Khương nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, nghị quyết của HĐND TP chưa đưa ra hạn là phải rà soát xong trong tháng 3/2019.
Xuất hiện thủ đoạn mới của xe dù
Về câu hỏi của ĐB Đức, Giám đốc Công an TP khẳng định, xe dù, bến cóc là thực trạng nhiều năm nay, là nội dung nhức nhối trong khâu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị.
“Khi chúng tôi làm ráo riết thì xuất hiện thủ đoạn mới như biến tấu thành xe hợp đồng, đón khách tận nhà gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý”, ông Khương nói.
6 tháng đầu năm nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý hơn 4.500 trường hợp lái xe khách vi phạm, tạm giữ 24 phương tiện, tạm giữ hơn 4.200 giấy tờ, các hành vi chủ yếu là dừng đỗ xe trái quy định, không đóng cửa khi xe đang chạy…
“Các hành vi như thế chứng minh cho một thực trạng đang diễn biến phức tạp, nhức nhối cả về trật tự an toàn giao thông và trật tư văn minh đô thị”, ông Khương nhấn mạnh.
Về giải pháp, TP vẫn triển khai các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, dán pano, áp phích ở các cụm loa trên các tuyến đường trọng điểm, bến xe…, chưa có giải pháp gì mang tính chất đột biến.