Trưởng đặc khu Hong Kong: Dự luật dẫn độ ‘đã chết’
- 10:51 09-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Tôi gần như ngay lập tức dừng xem xét về dự luật sau các cuộc biểu tình nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ về sự chân thành của chính quyền, hoặc lo lắng liệu chính quyền có khởi động lại quy trình trong hội đồng lập pháp hay không. Vì vậy tôi nhắc lại ở đây: Không có kế hoạch nào như vậy, dự luật đã chết", Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố trong họp báo sáng nay, 9/7, đề cập đến dự luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự".
Dự luật cho phép người Hong Kong phạm tội được đưa đến Trung Quốc đại lục để đối mặt với các phiên tòa, đã gây ra những cuộc biểu tình dữ dội trên đường phố và khiến Hong Kong rơi vào tình trạng hỗn loạn. Vào giữa tháng 6, trước các cuộc biểu tình lớn diễn ra, bà Lâm đình chỉ dự luật, nhưng hành động này thất bại trong việc xoa dịu các nhà phê bình, những người tiếp tục biểu tình chống lại dự luật và kêu gọi bà từ chức.
Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) phát biểu tại một cuộc họp báo. (Ảnh: Anthony Kwan/Getty) |
Phát biểu về sự việc gây ra khủng hoảng hàng tuần liền, bà Lâm cho biết không có kế hoạch khởi động lại quá trình xem xét dự luật này. Bà mô tả công việc sửa đổi dự luật là một sự thất bại, tuyên bố chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những gì đã xảy ra liên quan đến tiến trình này, CNBC trích dẫn một đoạn bài phát biểu.
Căng thẳng chính trị ở Hong Kong tăng lên trong những tuần gần đây, trong bối cảnh các cuộc biểu tình căng thẳng về dự luật dẫn độ sẽ cho phép một số người bị bắt trong đặc khu được đưa ra xét xử ở Trung Quốc đại lục. Dự luật đã bị đình chỉ sau những cuộc biểu tình đầu tiên, nhưng những người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường với lời kêu gọi rút dự luật hoàn toàn.
Đáng chú ý, theo CNBC, bà Lâm không nói rằng bà chính thức rút dự luật, đặt ra câu hỏi về khả năng biện pháp này có thể được hồi sinh trong tương lai.
Bà Lâm cho biết bà rất tự hào về người Hong Kong, thể hiện qua hành vi ôn hòa của đại đa số người biểu tình. Tuy nhiên, một nhóm rất ít người biểu tình đã sử dụng cơ hội này để dùng đến các hành động bạo lực và phá hoại, bà nói.
"Chúng tôi rất buồn khi thấy những hành động bạo lực này vì chúng làm suy yếu luật pháp ở Hong Kong. Vì vậy, tôi đưa ra một thỉnh cầu rất chân thành ở đây, rằng trong tương lai, nếu bất cứ ai ở Hong Kong có bất kỳ quan điểm nào khác biệt - đặc biệt là về chính sách của chính quyền Hong Kong - vui lòng tiếp tục phát huy giá trị của việc thể hiện nó một cách hòa bình và có trật tự".
Cũng trong bài phát biểu hôm thứ Ba (9/7), bà Lâm nói rằng bất kỳ lời kêu gọi ân xá nào - muốn chính quyền không theo dõi điều tra và truy tố những người vi phạm luật trong các cuộc biểu tình - là không thể chấp nhận được. Trong khi đó, một nghiên cứu độc lập sẽ xem xét hành vi của cảnh sát trong các cuộc biểu tình, bà cho biết, yêu cầu thêm một thời gian để "cải thiện tình hình hiện tại".
Phát biểu của bà Lam được đưa ra trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Điều hành tại Văn phòng Trưởng đặc khu kể từ hôm 11/6. Phiên họp tuần trước diễn ra tại Tòa nhà Chính quyền do các tòa nhà của cơ quan lập pháp và Văn phòng Trưởng đặc khu phải đóng cửa sau khi bị người biểu tình đập phá.