Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học ngành nào có cơ hội việc làm cao?

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT về kết quả khảo sát và công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2018, tỷ lệ sinh viên có việc làm so với tổng số sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm đối với 183 cơ sở giáo dục ĐH là 65,8%.

 Thí sinh tham gia ngày hội tuyển sinh 2019 Ảnh: Nghiêm Huê

Từ 22/7 đến 31/7, thí sinh tham gia xét tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia được phép điều chỉnh nguyện vọng một lần bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Việc điều chỉnh sau khi có kết quả thi THPT quốc gia (Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi vào ngày 14/7) sẽ giúp thí sinh lựa chọn ngành nghề sát hơn với điểm số của mình. Tuy nhiên, có một vấn đề thí sinh cần quan tâm, đó là nhu cầu việc làm của thị trường lao động.

Thống kê từ báo cáo kết quả khảo sát của 183 cơ sở giáo dục ĐH, 40 trường CĐ đào tạo mã ngành giáo viên cho thấy, năm 2018 có gần 220.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, gần 16.000 sinh viên tốt nghiệp trung cấp, CĐ các mã ngành đào tạo giáo viên. Trong số này, có 155.714 sinh viên ĐH có phản hồi với 136.344 sinh viên có việc làm. Như vậy, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm so với tổng số sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm đạt 65,5%.

Báo cáo tổng hợp của Bộ GD&ĐT cũng chia thành 22 lĩnh vực đào tạo. Nếu tính theo tỷ lệ sinh viên có phản hồi thì lĩnh vực đào tạo Kỹ thuật có việc làm cao nhất, đạt tới 97,3%. Kế đến là lĩnh vực Kinh doanh và quản lý 94,9%, Kiến trúc và xây dựng đạt 94,6%, Dịch vụ vận tải 94,4%; Dịch vụ, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân là 94,1%. Trong khi đó, lĩnh vực đào tạo đạt tỷ lệ có việc làm thấp nhất là Bảo vệ môi trường và môi trường 80,4%. Lĩnh vực Dịch vụ xã hội đạt 82,3%, lĩnh vực Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên cũng ở top thấp khi đạt 84.9%. Lĩnh vực đạt dưới 90% còn có một số lĩnh vực khác như Nông, lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Toán và Thống kê.

Tốt nghiệp làm không đúng ngành vẫn cao

Từ số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT đối với 183 trường ĐH, 40 trường CĐ về tỷ lệ sinh viên có việc làm, có thể thấy sự bất hợp lý trong cung - cầu. Một số ngành có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao thì quy mô đào tạo lại ở mức trung bình, thậm chí là thấp. Không những thế, thống kê của Bộ cho thấy, vẫn còn một số lượng lớn các trường ĐH (không tính các trường khối công an quân đội) vẫn chưa quan tâm đến vấn đề phản hồi của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT cho biết còn 57 đơn vị ĐH chưa báo cáo.

Về mối liên hệ giữa đào tạo và việc làm, số sinh viên tốt nghiệp làm việc theo đúng ngành được đào tạo trong tổng số 220.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2018 là 66.877 sinh viên; liên quan đến ngành đào tạo là 26.250 sinh viên; không liên quan đến ngành đào tạo là 23.251 sinh viên. Số liệu này cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp phải làm những công việc không đúng ngành đào tạo còn khá cao. Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, báo cáo cũng chỉ ra số lượng sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp cao đẳng làm việc không đúng ngành khá cao (xấp xỉ 25%), tỷ lệ này cũng tương đương đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH.

“Từ những thống kê này có thể định hướng các trường về một số mã ngành đào tạo. Có những mã ngành thời gian tới sẽ giảm nhưng sẽ có những mã ngành mới xuất hiện. Đây là cách để tránh lãng phí trong đào tạo. Nhưng cũng khuyến cáo các trường không chạy theo ngành hot để sau này có nguy cơ dư thừa mất cân đối đào tạo” - ông Hoàng Công Dụng, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT nói.

 Ẩn số giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La xung quanh vụ gian lận thi tày trời