Dân chiếm cống xả lũ chuyển thành đất có sổ, thị trấn “bật đèn xanh”?
- 20:25 06-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phần đất trước đây là kênh, cống xả lũ ở khối 4 thị trấn Cầu Giát đã bị lấp đi, lấn chiếm xây dựng nhiều công trình kiên cố |
Toàn bộ khu vực lạch và cống xả lũ của người dân ở khối 4 thị trấn Cầu Giát (Nghệ An) bị đã bị một vài cá nhân lấn chiếm. Sau một thời gian, toàn bộ diện tích bị lấn chiếm bỗng chốc được chính quyền xác nhận là đất ở lâu dài và cấp bìa trái quy định. Sự việc khiến quần chúng nhân dân bức xúc.
Lấp kênh, cống xả lũ để cấp đất cho cá nhân?
Theo đơn phản ánh của các hộ dân ở khối 4, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, ở khu vực họ sinh sống có một khu đất rộng lớn gọi là khu âu thuyền. Tại đây có hệ thống kênh, lạch dẫn nước thải và nước xả lũ ra sông Thái qua một cống nước. Năm 2009, UBND thị trấn Cầu Giát đã tiến hành lấp khu đất “âu thuyền” và cống xả lũ để mở đường thông từ chợ Bò thẳng ra bờ đê Sông Thái. Vì lý do này mà năm nào, người dân cũng phải sống trong cảnh ngập lụt.
Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi lấp kênh thoát nước và âu thuyền để làm đường, UBND thị trấn xác định thửa đất âu thuyền mang số thửa là 81, rồi chia thành 2 thửa: thửa số 262 thuộc đất của UBND thị trấn Cầu Giát quản lý và thửa 253 mang tên ông Nguyễn Hữu Ngũ (Ngụ). Đến năm 2016, ông Ngũ được UBND thị trấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thửa 253 và năm 2019 ông Ngũ tiếp tục làm đơn xin cấp tiếp bìa cho thửa còn lại. Phát hiện sự việc, người dân địa phương đã có đơn thư gửi tới các cấp chính quyền, đồng thời tố cáo việc làm sai trái của xã với Báo Giao thông.
Chị Mai chỉ vị trí cống xả lũ đã bị lấp đi khiến khu vực thường xuyên bị ngập úng. |
Khi tìm hiểu sự việc, chúng tôi thấy rằng những phản ánh của người dân là có cơ sở. Hiện nay, khu đất âu thuyền và miệng cống thoát nước số 2 mà người dân phản án đã được lấp lại làm đường nối từ chợ Bò ra đến đê Sông Thái. Phía Tây đường đã có một số hộ dân xây dựng công trình kiên cố. Còn phía Đông là một mảnh đất trống, trên mảnh đất đó có trạm biến thế để phục vụ người dân.
Bà Nguyễn Thị Hà (1959, nhà ở ngay đê sông Thái), cho biết: Năm 1990 tôi về đây mua đất dựng 2 gian nhà tranh. Âu thuyền là miệng cống thoát nước số 2, có con lạch dẫn vào tận chợ Bò. Ngày xưa bọn trẻ nhà tôi còn tắm ở đó suốt. Một số người còn tận dụng vùng đất âu thuyền để trồng lúa, trồng rau muống. Từ ngày thị trấn cho lấp cống số 2 thì chúng tôi phải sống chung với nước bẩn và rác thải từ chợ Bò thải ra. Nhiều lần chúng tôi làm đơn kiến nghị lên UBND TT Cầu Giát nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Mong muốn của người dân chúng tôi là thị trấn phải trả lại cống xả lũ cho chúng tôi. Đất xã hội mà biến của công thành của tư là không được. Cũng cần làm rõ ai là người đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngũ?” |
Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1969, trú khối 4) cho biết: Nhà chúng tôi là một trong số hộ đầu tiên ra khu vực này ở. Năm 1991, để phòng lũ, nhà nước đã huy động nhân dân địa phương hợp sức làm đê sông Thái và đầu tư xây dựng 3 cống xả lũ, trong đó cống ở khối 4 là cống số 2. Để làm được công trình này, gia đình chúng tôi đã hiến đất, sau đó tỉnh cấp cho mảnh đất khác rộng 280m2 cách chân đê 4 mét, cách cống số 2 và lạch nước khoảng hơn chục mét. Năm 2009 UBND thị trấn Cầu Giát lấp cống để làm đường, một số hộ dân đã lợi dụng vào đó để lấn chiếm đất công, chứ không có chuyện đất đó là đất ở của gia đình Ngũ. Trong giấy bàn giao đất cho gia đình tôi vào năm 1993 cũng thể hiện rõ việc này.
Đây cũng là nội dung được ông Hồ Nam Tình (1952) - Khối trưởng khối 4 xác nhận. Ông Tình khẳng định: Nguồn gốc của khu đất làm đường và xã đã cấp cho gia đình ông Ngũ là đất âu thuyền, cống xả lũ. Chúng tôi đề nghị thị trấn phải làm rõ vấn đề này và sớm trả lại cống xả lũ cho người dân”.
Lãnh đạo nói một đằng, báo cáo huyện một nẻo
Theo tìm hiểu của PV, lý do gia đình ông Ngũ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất âu thuyền là vì ông này có một tờ giấy mua bán đất có chứng thực của xã và trên sổ trích lục đất của thị trấn năm 1997 có ghi thửa đất 81 là đất ở lâu năm, diện tích 1242m2. Đất này ban đầu được gia đình bà Nguyễn Thị Thường (trú khối 4) lấn chiếm cấy rau, cấy lúa. Sau vì khó khăn, bà Thường đã đánh liều bán cho ông Hồ Trọng Hùng (trú khối 4) với diện tích ước chừng là 200m2. Sau đó ông Hùng bán lại cho ông Ngũ thì bỗng tăng lên thành 1242m2. Khi người dân phát hiện xã cấp sổ đỏ cho ông Ngũ trên đất âu thuyền và miệng cống thì người dân đồng loạt có đơn thư. Bản thân bà Thường cũng có đơn đề nghị gửi lên thị trấn và UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị làm rõ nguồn gốc của thửa đất 81, cũng như trình bày về quá trình mua bán đất trước kia của gia đình.
Biên bản bàn giao đất cho gia đình chị Mai vào năm 1993 thể hiện rõ vị trí cống, lạch vào nằm tiếp giáp với phần đất gia đình chị. |
Nhận được đơn thư của người dân tháng 5/2019, UBND huyện Quỳnh Lưu đã có văn bản yêu cầu UBND thị trấn Cầu Giát xác minh, trả lời công dân và báo cáo lên huyện.
Tuy nhiên, tại văn bản trả lời, báo cáo của UBND thị trấn Cầu Giát ngày 08/06/2019, tuyệt nhiên không nêu nguồn gốc lịch sử của thửa đất 81, cũng như vai trò của cống thoát nước đã bị lấp, lấn chiếm. UBND thị trấn còn khẳng định: “Năm 2016 đã cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Ngụ với thửa 253 (tách từ thửa 81) với diện tích 200m2 đất đô thị và 41,9m2 đất TCHN (số còn lại không được cấp vì nằm trong quy hoạch)”. Về thửa 262, UBND thị trấn lại nói rằng: “Để có thêm cơ sở xử lý đề nghị cấp giấy chứng nhận của ông Nguyễn Hữu Ngụ, UBND thị trấn đang tiếp tục tổ chức xác minh, thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất đối với diện tích thửa đất 262...”
Cán bộ địa chính thị trấn Cầu Giát cũng băn khoăn về nguồn gốc đất và việc xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Ngũ. |
Văn bản báo cáo huyện là vậy, nhưng khi làm việc với PV Báo Giao thông, ông Võ Đức Mùi - Chủ tịch UBND TT Cầu Giát, lại nói rằng: Phần đất ở “âu thuyền” là đất của UBND thị trấn Cầu Giát, còn cống thoát nước không còn phù hợp với quy hoạch đô thị của thị trấn nên mới lấp đi. Giờ thị trấn đang mời những người liên quan đến làm việc để xác minh lại nguồn gốc thửa đất. Nếu đất đó thuộc sở hữu của tt Cầu Giát, thì thị trấn sẽ lấy lại”.
Trong khi đó, tại tờ bản đồ địa chính lâu đời nhất còn lưu tại UBND thị trấn thể hiện rất rõ vị trí đất âu thuyền trước đây là “đất hoang hóa”, không thuộc quyền sở hữu của cá nhân nào. Ông Thái Bá Thành - Công chức địa chính thị trấn, cũng xác nhận thực tế này. Nói về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Ngũ, ông Thành cũng tỏ ra băn khoăn: Tôi mới chuyển từ huyện về đây làm nên chưa nắm rõ lịch sử khu đất. Nhưng tôi thấy trong việc này có vấn đề. Nếu thửa đất 81 là của gia đình ông Ngũ thì tại sao khi cấp bìa năm 2016, ông Ngũ không xin cấp luôn cho cả thửa 262, mà đến bây giờ mới làm đơn xin cấp. Muốn làm rõ việc này thì phải tổ chức xác minh nguồn gốc đất rồi mới đưa ra kết luận được. Tất cả đều phải căn cứ theo quy định, còn ai làm sai thì người đó phải chịu.